Thị trường ba lô, túi xách: Đón cơ hội "dịch chuyển đơn hàng"

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:36, 11/12/2015

Trước sự dịch chuyển đơn hàng ba lô, túi xách của các hãng lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của ngành ba lô, túi xách Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh, với khoảng 40% trong năm tới.
Thị trường ba lô, túi xách: Đón cơ hội

Trước sự dịch chuyển đơn hàng ba lô, túi xách của các hãng lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của ngành ba lô, túi xách Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh, với khoảng 40% trong năm tới. 

Đọc E-paper

Vui ít, lo nhiều

Chia sẻ tại một hội nghị về ngành da giày và túi xách Việt Nam vào tháng 7/2015, Chủ tịch Hiệp Hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, gần đây, các nhãn hiệu túi xách nổi tiếng của thế giới thường tập trung sản xuất ở Trung Quốc nay đang di chuyển các hợp đồng sản xuất phụ sang Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia... với tỷ lệ gần 50% lượng đơn hàng hằng năm.

Lefaso cũng dự báo Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh hơn so với các thị trường khác do nhiều khách hàng Mỹ đang sẵn sàng cho Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi đó mức thuế nhập khẩu túi xách của Việt Nam sang Mỹ sẽ thấp hơn so với được làm ở Trung Quốc. Do vậy, đây được xem là tin vui, cơ hội lớn cho các nhà sản xuất ba lô, túi xách Việt Nam.

Có thể thấy, tuy không phát triển vượt bậc so với các ngành dệt may, da giày nhưng ngành ba lô, túi xách Việt Nam những năm trở lại đây dần tạo dấu ấn tại thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, không chỉ ở phân khúc tầm trung mà còn ở phân khúc cao cấp với kim ngạch hơn 2 tỷ USD.

Với năng lực đáp ứng được đơn hàng của các hãng ba lô, túi xách lớn trên thế giới, TBS Group và Công ty TNHH May túi xách Thái Dương đã đưa ra thị trường nhiều thương hiệu riêng, không chỉ phân phối trong nước mà còn phân phối tại thị trường nước ngoài.

Về điều này, ông Trần Thái Dương - Giám đốc Công ty Thái Dương chia sẻ, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ba lô, túi xách dành cho nam, nữ và trẻ em của Công ty tăng khoảng 20% so với năm trước đó.

Năm 2015, doanh nghiệp (DN) đang cập nhật lại số liệu, dự kiến sẽ có mức tăng trưởng doanh số xuất khẩu từ 30% - 40%, không những trong năm nay mà còn kéo dài đến năm 2016.

Bởi hiện tại, Thái Dương đã nhận các đơn hàng xuất khẩu ba lô, túi theo hình thức FOB đến tháng 8/2016. Nhằm đáp ứng nhu cầu về đơn hàng của đối tác, Thái Dương đang đầu tư thêm nhà máy sản xuất ba lô, túi xách ở KCN Vĩnh Lộc A, TP.HCM.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu đối với ngành ba lô, túi xách Việt Nam thực chất không xuất phát từ tăng trưởng thị trường mà chỉ là sự dịch chuyển đơn hàng.

Một DN hay một ngành hàng của một quốc gia có lượng đơn hàng gia tăng cũng đồng nghĩa với đơn hàng của một DN khác hay quốc gia khác giảm xuống.

Cũng theo ông Thái Dương, tại thời điểm này, Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ hơn so với một số nước.

Tuy nhiên, đây không phải là tin vui, trái lại là điều đáng lo, vì nếu Việt Nam không thay đổi tầm nhìn, phát triển vùng nguyên liệu thì lợi ích hay cơ hội từ TPP, từ các FTA thời gian tới sẽ trở nên vô nghĩa.

Định vị nhãn hàng riêng

Bên cạnh việc sản xuất ba lô, túi xách theo đơn đặt hàng của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhiều DN sản xuất ba lô túi xách Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trên thị trường.

Ở phân khúc ba lô học sinh, vali, túi xách..., các thương hiệu như Hami (Công ty TNHH TM-SX Hương Mi), Miti (Công ty May túi xách Minh Tiến), Mr.Vui (Công ty TNHH SX-TM Trường Vui)... sau thời gian dài nỗ lực cạnh tranh, đang dần đánh bật các loại ba lô, túi xách Trung Quốc.

Vừa qua, Miti đã đưa ra thị trường một số loại túi xách dành cho người có thu nhập trung bình khá.

Ở phân khúc cao hơn, Thái Dương cũng ra mắt túi da cao cấp thương hiệu Desino, được phân phối tại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) và một cửa hàng tại TP.HCM. Không chỉ tại Việt Nam, Desino còn mở rộng phân phối tại Singapore theo hình thức cửa hàng truyền thống lẫn bán hàng online.

Chia sẻ về phương thức kinh doanh, ông Trần Thái Dương cho biết, Singapore là thị trường khá cạnh tranh nhưng lại là thị trường để Thái Dương khẳng định vị trí của mình.

Sắp tới, Thái Dương sẽ ra mắt một thương hiệu mới, phục vụ phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình, góp phần tạo sự đa dạng cho thị trường túi xách Việt Nam.

Việc xây dựng nhãn hàng riêng đối với ba lô, túi xách của các DN Việt Nam không mới, bởi trước đây, Công ty CP Đầu tư Thái Bình (TBS Group) đã xây dựng nhà máy tại Bình Dương để hợp tác sản xuất túi xách. Ngay sau đó, TBS Group đã ký hợp đồng trị giá 10 triệu USD để sản xuất túi xách Coach xuất khẩu sang Mỹ.

Cùng với kinh nghiệm này, TBS Group còn sản xuất túi xách cho các nhãn hàng túi xách lớn trên thế giới, như Decathlon, Vera Bradley, Tory Burch, Titleist... và sau đó là chào bán túi xách TBS.

Song, dù có kinh nghiệm làm việc với các nhãn hàng túi xách lớn, nhưng thương hiệu túi xách TBS do TBS Group phát triển lại không tạo được dấu ấn mạnh như nhiều thương hiệu nội địa khác.

Theo lý giải của một chuyên gia có thâm niên trong ngành túi xách, Hàn Quốc hiện nay đang được xem là nhà sản xuất túi xách hàng đầu thế giới, thế nhưng tất cả khâu sản xuất đều được gia công, sản xuất tại các nước khác.

Các nhãn hàng lớn như Adidas, Nike... đều không đầu tư nhà máy sản xuất mà chỉ tập trung vào thương hiệu, hệ thống phân phối. Đây cũng là vấn đề mà Việt Nam cần suy nghĩ chứ không nên chỉ cạnh tranh về giá trị đơn hàng xuất khẩu.

>Thị trường hàng hiệu: Tiếng to, miếng nhỏ

>Châu Á khát hàng hiệu

> Túi xách secondhand nói gì về kinh tế Nhật?

>Ông chủ Miti: Bỏ bệnh viện đi may túi xách

DUY KHUÊ