Trẻ em cũng đau dạ dày
Sống khỏe - Ngày đăng : 03:04, 13/12/2015
Ít ai nghĩ trẻ em cũng có thể đau dạ dày. Nhưng trên thực tế, trẻ em vẫn có thể mắc căn bệnh tưởng chừng như "của người lớn" này, và con số này hiện nay đang có xu hướng gia tăng.
Đọc E-paper
Bé H. (quận Tân Bình, TP.HCM) mới 5 tuổi nên khi bé hay than đau bụng, gia đình cứ cho rằng bé bị rối loạn tiêu hóa, rồi lại đoán do giun. Đi khám, gia đình bất ngờ khi biết bé bị viêm loét dạ dày và các xét nghiệm cho thấy bé có nhiễm HP (vi khuẩn Helicobacter Pylori).
Truy tìm HP
Trường hợp như bé H. hiện nay không còn là cá biệt. Với những áp lực học hành, hoặc cách ép ăn của cha mẹ, cùng với thói quen ăn uống không vệ sinh, khả năng nhiễm khuẩn HP đối với trẻ nhỏ rất cao và nguy cơ phát bệnh dạ dày cũng tăng theo. Thật ra, viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em do nhiều nguyên nhân, Helicobacter Pylori là nguyên nhân chính. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như do thuốc (corticoid, aspirin), do xuất huyết đường tiêu hóa kéo dài, căng thẳng, ăn uống không đúng cách, tiền căn gia đình.
Khi thăm khám, bác sĩ thường xem xét bé có triệu chứng sốt không, tiểu vàng không, tiểu đau không, có ợ hơi, ợ chua, chán ăn hay không...
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet) |
Ngoài những triệu chứng cần phải hỏi kỹ ba mẹ như trên, về mặt lâm sàng, bác sĩ còn phải thăm khám kỹ lách, tiết niệu, túi mật và trực tràng. Bác sĩ cũng sẽ chỉ định cho làm các xét nghiệm công thức máu, amylase máu, tổng phân tích nước tiểu để loại trừ các nguyên nhân đau bụng khác.
Khi nghi ngờ viêm loét dạ dày - tá tràng thì xét nghiệm chính xác nhất là nội soi để tìm ra nguyên nhân, nhất là vi trùng HP qua nhuộm eosin. Nếu ngại nội soi, có thể cho bé thực hiện PY test để xác định bé có nhiễm HP hay không. Tuy nhiên, phương pháp này cũng chỉ có công dụng truy tìm sự có mặt của "con sâu" HP, còn việc kiểm tra mức độ viêm loét cùng tình trạng tổn thương dạ dày vẫn phải nhờ đến nội soi, tùy theo chỉ định của bác sĩ theo lứa tuổi của trẻ.
Diệt "con sâu HP"
Bé H. kể trên được bố mẹ động viên nội soi để tìm "con sâu" khiến bé đau bụng và sau đó là quá trình điều trị để "giết sâu".
Nhưng đầu tiên, khi bé đau bụng cần phân biệt đau bụng do giun (lãi), rối loạn co thắt đường ruột, nhiễm trùng tiêu hóa, viêm gan, viêm tụy, nhiễm trùng tiểu... Sau khi có kết quả xét nghiệm nội soi dạ dày - tá tràng đúng là do HP, hoặc xét nghiệm phân HP dương tính, các bé phải được điều trị theo phác đồ điều trị tận gốc căn nguyên do vi trùng HP gây nên, thời gian từ 7 - 14 ngày với amoxicilline + clarithromycin + omeprazol và cần điều trị thêm omeprazol từ 4 - 6 tuần.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Để tránh tình trạng bệnh nhi kháng thuốc hoặc viêm loét tái phát, cần tuân thủ phác đồ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, có chế độ tái khám rõ ràng.
Ngoài chế độ điều trị, cần chú ý đến chế độ ăn uống, tránh các chất kích thích (ớt, tiêu, tỏi, nước có gas...), tránh căng thẳng, tránh thức khuya, ăn uống đúng giờ và chú ý tránh tái lây nhiễm sau khi điều trị khỏi bệnh.
Nhiễm vi trùng HP là nguyên nhân gây nên viêm dạ dày - tá tràng, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân gây nên ung thư dạ dày. Các bậc cha mẹ nên chú ý đến những triệu chứng đau bụng của con trẻ, nên đưa con đi khám sớm để được bác sĩ tư vấn, xét nghiệm và nội soi khi có chẩn đoán chắc chắn và được điều trị kịp thời để tránh hậu quả nghiêm trọng về sau.
Bố mẹ cần chú ý các triệu chứng đau dạ dày ở trẻ: - Trẻ ăn không ngon miệng. Đau bụng vùng rốn hoặc đau không rõ vị trí (không chỉ đau vùng thượng vị như người lớn) - Trẻ hay buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy - Trẻ thường xuyên đầy hơi, chướng bụng. |
>Những hóa chất rất nguy hiểm cho não trẻ em