Nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc vì lao động bỏ trốn
Trong nước - Ngày đăng : 09:59, 21/12/2015
Bộ Lao động dự kiến trình Chính phủ danh sách tỉnh thành có đông lao động bất hợp pháp sẽ không được tham gia chương trình thỏa thuận hợp tác lao động Việt - Hàn.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố 15 địa phương có số lao động bỏ trốn nhiều tại Hàn Quốc. Dẫn đầu là Nghệ An với hơn 1.450 người, Hà Nội 940, Hải Dương 850, Thanh Hóa 820 người...
Địa phương thấp nhất là Hải Phòng với 245 người. Bộ đề nghị các tỉnh thành tuyên truyền, vận động người lao động đang cư trú bất hợp pháp nhanh chóng về nước.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, 15 địa phương này chiếm đến 85% lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc. Trong số 15 nước phái cử lao động làm việc tại đây, Việt Nam đang dẫn đầu về tỷ lệ bỏ trốn với trên 32%, các nước bình quân 15 - 17%.
Hiện, phía Hàn Quốc yêu cầu Việt Nam có biện pháp để giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống dưới 30%, về lâu dài bằng các nước ở xung quanh.
Đồ thị biểu thị tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước |
Tháng 4/2016, hiệp định lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hết hiệu lực. Đây là điều kiện quan trọng để tiến tới ký Biên bản ghi nhớ bình thường về hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
"Hiện ta và họ chưa đàm phán lại, nhưng nếu không giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn thì sẽ rất khó ký tiếp hiệp định", ông Diệp nói và thông tin, Bộ Lao động dự kiến trình Chính phủ những tỉnh thành có đông lao động bất hợp pháp sẽ không tham gia chương trình nếu nối lại thỏa thuận. Hoặc các tỉnh có thể tham gia nhưng huyện nào có đông lao động ở lại bất hợp pháp thì không được đi nữa.
"Việc này nhằm tăng cường trách nhiệm của các địa phương, cũng là liên quan đến thể diện quốc gia. Lao động các nước khác tuân thủ luật pháp tốt, ít bỏ trốn, còn chúng ta thì quá nhiều", ông thông tin.
Ông Diệp phân tích, lao động không chịu về nước chủ yếu là mức lương ở bên kia khá cao, bình quân thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng, có người lên đến 40 triệu đồng. "Lao động về nước thì kinh tế khó khăn hơn, khó có chỗ nào đảm bảo được tiền lương như thế. Nhưng vì số lao động bỏ trốn quá cao mà trong 3 năm trở lại đây có khoảng 35.000-40.000 người mất cơ hội đi Hàn Quốc. Người ở bên đó cũng phải chia sẻ cơ hội với những người khác", ông nói.
Để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn, cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, như thí điểm ký quỹ áp dụng từ tháng 11/2013.
Lao động trước khi xuất cảnh phải ký quỹ 100 triệu đồng (tương đương 5.000 USD) tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Người lao động tuân thủ các quy định của pháp luật Hàn Quốc khi về nước sẽ được nhận lại số tiền này cả gốc và lãi.
Nếu không về nước đúng thời hạn hoặc bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp thì tiền này sẽ bị phong tỏa và chuyển vào Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm của địa phương.
Chính sách này đặt ra kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc ngăn ngừa lao động cư trú bất hợp pháp sau thời điểm tháng 11/2016 đối với người lao động hết thời hạn làm việc 3 năm; sau thời điểm 9/2018 đối với những người lao động hết thời hạn 4 năm 10 tháng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị định xử phạt hành chính 80 - 100 triệu đồng đối với lao động vi phạm không về nước, đã áp dụng đối với 1.225 trường hợp hết hạn không về nước đúng thời hạn.
Mới đây, Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết 62 nêu rõ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước từ ngày 1/9 đến 31/12/2015 sẽ không bị phạt tiền.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam. Lao động Việt Nam làm việc tại đây có mức thu nhập mỗi tháng 1.000 đôla trở lên.
Năm 2012, Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam do có quá nhiều người bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, hoặc hết hợp động mà không về nước. Năm 2013, Hàn Quốc tiếp nhận lại lao động Việt Nam nhưng ở mức hạn chế, cho đến tháng 4/2015 mới tiếp nhận lại với mức lớn hơn.
>Hiệp định VKFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12
>Hiệp định VKFTA: Đón "sóng Korea" 70 tỷ USD
>Khách du lịch từ Hàn Quốc tới Việt Nam tăng mạnh