AEC: Sức ép đến trước

Du lịch - Ngày đăng : 06:31, 23/12/2015

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ trở thành một thị trường lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hơn 2.000 tỷ USD.
AEC: Sức ép đến trước

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ trở thành một thị trường lớn với hơn 600 triệu dân và tổng GDP hơn 2.000 tỷ USD.

Đọc E-paper

Thái Lan, Malaysia đang có những lỗ lực rất lớn, còn Indonesia và Philippines cũng đã có những sáng kiến rất tích cực. Các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam cần lưu ý rằng bắt đầu từ 1/1/2016, sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm của các quốc gia trong khu vực ASEAN, cũng như sự dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, tiền vốn, lao động... Đây là một thách thức rất lớn đối với cộng đồng DN Việt Nam!

Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 14/209 quốc gia về dân số, 50/194 về GDP. Từ năm 2014, Việt Nam có GDP là 2.052 USD/người, xếp thứ 116/194 nước. Nhưng trong GDP này, do dựa vào đầu tư nước ngoài rất nhiều, nên thu nhập ròng của Việt Nam chỉ có 1.890 USD, tức là mỗi người mất đi 162 USD do nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận kiếm được tại Việt Nam về nước.

Trong năm 2015, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết 19, với hơn 242 nhiệm vụ cho các bộ, các tỉnh, thành phố. Vị trí mới của Việt Nam trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu là 56 trong tổng số 140 quốc gia, tăng 12 bậc so với báo cáo hồi năm ngoái, theo công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 30/9.

Như vậy, Việt Nam cải thiện được khá nhiều cả về cải cách thể chế, kết cấu hạ tầng, ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, trong đó chi phí "lót tay" để xuất nhập khẩu xếp thứ 114, tức là có cải thiện so với năm trước, nhưng chi phí ngoài pháp luật để giảm tiền nộp thuế của năm nay đã tụt xuống mức 115 thay vì mức 104 của năm 2014.

>>Hiểu thêm về Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC

Một điểm mới là từ năm 2016, AEC sẽ thực hiện việc tự do luân chuyển 5 yếu tố căn bản: vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Tới đây, các loại hàng hóa, sản phẩm của các nước trong khu vực ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%.

Hiện tại, hoa quả của Thái Lan đã chiếm lĩnh đáng kể thị trường miền Nam. Từ đầu năm đến tháng 9, nước ta đã nhập 132 triệu USD hàng hóa từ thị trường này. Nhiều gia đình trung lưu ưu tiên sử dụng gạo Thái Lan thay cho việc sử dụng gạo Việt Nam bởi lo ngại không an toàn.

Nông dân Việt Nam đang "đẩy" hàng nông sản ra khỏi tầm tay người tiêu dùng trong nước bằng việc sử dụng hóa chất trong sản xuất và chăn nuôi. Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan kiểm định chất lượng cần sớm có giải pháp cho những vấn đề này.

Thực hiện cam kết về "tự do dịch chuyển của lao động có chứng chỉ đào tạo", 10 nước ASEAN đã thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của mỗi nước thành viên đối với 8 loại nghề nghiệp: bác sĩ, nha sĩ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch.

Về thực chất, không có nhiều sự tự do trong việc dịch chuyển lao động có kỹ năng từ phía Việt Nam đến các nước trong khu vực. Các nước ASEAN, bằng nhiều cách khác nhau, đang bảo vệ cho lao động tại nước mình. Cơ hội cho lao động trí thức và tay nghề Việt Nam làm việc ở Thái Lan là vô cùng thấp bởi các yêu cầu khắt khe về chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác. Các kiểm toán viên phải trải qua kỳ thi viết và vấn đáp về ngôn ngữ bằng tiếng Thái, cũng như các kỳ thi về luật pháp và hệ thống thuế của Thái Lan.

Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều DN Việt Nam đang khát nguồn nhân lực cao cấp đến từ các nước ASEAN. Một số DN may đã sử dụng nhân công người Philippines và rất hài lòng về chất lượng nhân lực, trong khi các khu du lịch đang chờ đón người Philippines, Thái Lan... đến làm việc. Việt Nam hầu như chưa có động thái nào để bảo vệ việc làm trong nước cũng như gia tăng quyền lợi của người lao động. Lao động có tay nghề đang là thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam.

>>Tìm nguồn nhân lực trẻ chất lượng: Không khó!

Hội nhập khu vực chỉ còn tính bằng ngày, nhưng đến nay, chỉ một số DN lớn có chiến lược phát triển cho 10 năm tới, còn lại hầu hết các DN nhỏ và vừa không có kế hoạch rõ ràng để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Sắp tới, chắc chắn tỷ giá sẽ thay đổi. Sức ép về tỷ giá với đồng USD đang tăng lên và Ngân hàng Nhà nước đã quyết định: lãi suất tiền gửi USD của cá nhân về 0%, gây sức ép rất mạnh đối với những người muốn giữ USD.

Trong bối cảnh mới, Nhà nước phải nỗ lực mạnh mẽ hơn để cải cách thể chế, tạo điều kiện cho DN có thể kinh doanh hiệu quả với chi phí về thời gian, tiền bạc thấp hơn.

Nền kinh tế và DN cần nâng cao khả năng phản ứng và khả năng đối phó với các cú sốc của thế giới đồng thời phải tính đến tính bền vững. Không có cách nào khác, DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đầu tư mạnh hơn vào khoa học - công nghệ, tạo ra những sản phẩm sáng tạo, khác biệt để không chỉ đứng vững trên thị trường mà còn xuất khẩu được.

HẢI VÂN ghi

TS. LÊ ĐĂNG DOANH