Đêm Giáng sinh ở sông Gianh
Du lịch - Ngày đăng : 00:20, 25/12/2015
Đêm Giáng sinh, dòng sông Gianh ở cửa biển vùng Quảng Bình tấp nập người qua lại.
Đọc E-paper
Không biết từ bao giờ, đôi bờ sông Gianh mọc lên hàng chục nhà thờ vươn cao tới trời xanh. Trải qua bao biến thiên dâu bể, con dân đi sớm về khuya hay lưu dân xa xứ trở về bản quán đều lấy gác chuông làng mình làm dấu để trở về nhà. Cửa biển Quảng Phúc mùa Đông sóng gào trắng đầu.
Gác chuông vẫn vút lên giữa rừng dương ven biển. Giáng sinh thật giản dị, con nít được mặc áo đẹp thì người lớn cũng được gặp nhau để hỏi han, chuyện trò quanh năm đánh bắt ngoài biển khơi như thế nào. Đức cha ở nhà thờ cũng chúc mọi người một năm mới sắp đến làm ăn trên biển thuận buồm xuôi gió.
Quảng Phúc là địa phương công giáo toàn tòng, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá ngoài biển. Nghề đi biển có từ thuở khai canh cách đây hơn 500 năm, đức tin Thiên chúa đến sau việc lập làng. Nhưng với con dân ở đây, nhà thờ là vẻ đẹp của tâm hồn công giáo thiêng liêng.
Sâu trong lưu vực dòng sông Gianh có hơn 10 cồn nổi có người dân sinh sống. Mấy trăm năm trước, khi con dân không biết nương tựa tinh thần vào đâu những lúc gặp bao giông tố cuộc đời thì những nhà truyền giáo đầu tiên đã đặt chân đến nơi đây. Sự chở che, lòng vị tha và giáo lý thương người như tấm lá chắn trước bao thế lực siêu nhiên vùi dập con người.
Và những lời chứng của nhà thờ trở thành điểm tựa tinh thần cho những người lênh đênh sông nước. Rồi giáo họ sinh sôi, nhà thờ được dựng lên theo thời gian và hình hài bề thế như ngày nay. Vậy nên ở xứ Cồn Nâm, xã Quảng Minh, đảo nhỏ giữa sông có 4 làng tựa lưng vào nhau, mỗi làng đều có nhà thờ.
Tiếng chuông mỗi sớm hành lễ hoặc mỗi chiều tà càng làm cho người dân theo Công giáo an tâm với bản quán xứ quê. Dù có đi đến nơi đâu để mưu sinh, họ cũng hướng về bóng nước dòng sông của phép màu rửa tội khi mới chào đời, của tên thánh được Đức cha mà họ tôn kính trịnh trọng xướng lên khi lìa đời.
Đêm Giáng sinh, gác chuông nhà thờ nào cũng sáng trưng. Dòng sông trở nên huyễn hoặc lạ kỳ. Cái lạnh cứa vào da rưng rức, nhưng dòng người từ khắp nơi cứ đổ về mấy chục nhà thờ trên đảo và hai bên bờ sông, tiếng í ới gọi nhau, tiếng mái chèo đập nước làm không khí càng thêm náo nhiệt. Trên con đê làng, tiếng trẻ con, giọng người lớn, tiếng động cơ xe máy hòa trộn vào nhau giữa gió rét cắt da mà vẫn thấy vui.
Tôi hòa vào dòng người đó, và được nghe rất nhiều lời nguyện ước của người dân phía làng của sông Gianh. Họ mong muốn mùa màng bội thu, bớt đi thiên tai, họ nguyện cầu tàu đi biển được mùa đánh bắt, ngư phủ đi về bình an, bởi năm nào xứ ven sông này cũng có người thiệt mạng khi lênh đênh biển khơi mưu sinh. Họ cũng ước mong quê hương thịnh vượng, sung túc và có sức tạo dựng cuộc sống tương lai vững bền.
Cái lạnh của đêm Giáng sinh như được ngàn vạn lời thỉnh cầu, những hồi chuông và những bài thánh ca ngân vang sưởi ấm. Một mùa Giáng sinh an lành lại đến với người dân nơi đây, mang đến cho họ những điều tốt lành và niềm tin vào cuộc sống.
>Trung thu không mất đi đâu
>Lịch sử còn trong những tấm ảnh
>Cuộc sống vẫn là dòng chảy không ngừng