Khai thác khoáng sản ở Biển Đông: Phải có quy hoạch tổng thể

Du lịch - Ngày đăng : 06:32, 31/12/2015

Cho rằng nước ta không giàu tài nguyên, TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Tư vấn Giải pháp công nghệ mới, nói rằng "phải sớm tiến ra Biển Đông" để thăm dò, khai thác tài nguyên.
Khai thác khoáng sản ở Biển Đông: Phải có quy hoạch tổng thể

Cho rằng nước ta không giàu tài nguyên, TS. Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc Công ty Tư vấn Giải pháp công nghệ mới, nói rằng "phải sớm tiến ra Biển Đông" để thăm dò, khai thác tài nguyên.

Đọc E-paper

* Theo Tổng cục Thống kê, cả năm 2015 chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 6,5% (năm 2014 tăng 2,4%), đóng góp 1,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung của ngành công nghiệp, nhưng "dễ làm, khó bỏ” vẫn là cách thức khai thác lâu nay ở nước ta. Ông nhận định thế nào về điều này?

- Khai thác từng loại khoáng sản phải có công nghệ phù hợp và phải tận thu để mang lại hiệu quả. Lâu nay, người ta khai thác bằng công nghệ đơn giản nhất và không quan tâm đến tổn thất tài nguyên, tác động môi trường, nên tỷ lệ thu hồi không cao. Các mỏ đa kim, mỏ titan, phần lớn bỏ qua khâu chế biến, gây lãng phí tài nguyên.

* Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng trong bối cảnh tài nguyên dần cạn kiệt. Theo ông, ngành công nghiệp khai khoáng đang đứng trước những thách thức nào?

- Có nhiều thách thức, nhưng có hai thách thức lớn nhất phải nhấn mạnh.

Thứ nhất, phải nhận thức cho đúng về tài nguyên khoáng sản của nước ta, không như từ trước đến nay vẫn nhận thức và tuyên truyền. Nước ta không giàu về tài nguyên khoáng sản, chủng loại không đa dạng.

Thứ hai, công nghệ khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản của nước ta rất lạc hậu. Khai thác Alumina lạc hậu tới 50 năm, đồng sinh quyền lạc hậu cả trăm năm. Phần chế biến thô hiện rất tuỳ tiện và không hiệu quả, đặc biệt là titan và các khoáng sản quý.

* Khi sửa đổi Luật Khoáng sản, Quốc hội đã tính đến việc gia tăng chế biến và tận thu trong khai thác. Ông nhận xét thế nào về những thay đổi từ luật này?

- Luật Khoáng sản hiện hành rất hay, 60 điều thoáng và rất thị trường và trong đó chỉ có 5 - 6 điều Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, bây giờ luật này đang chịu sự chi phối của hàng chục nghị định, mỗi nghị định lại có tới hàng trăm điều hướng dẫn, quan trọng hơn là những người quản lý lĩnh vực công thương, môi trường, tài chính đang lợi dụng các quy định này để "hành" doanh nghiệp.

* Như ông nói, nước ta cần "tiến ra biển" để thăm dò, khai thác khoáng sản, nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế biển lại hầu như chưa đề cập đến điều này?

- Tài nguyên khoáng sản là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế nhưng nước ta chỉ có quy hoạch lẻ của từng loại khoáng sản, chưa có chiến lược tổng thể. Nước ta có tới hơn 20 quy hoạch than, đồng, bô xít... nhưng các quy hoạch này không liên kết được với nhau. Tình trạng lộn xộn trong xuất nhập khẩu than vừa rồi là do nước ta chưa có quy hoạch tổng thể về tài nguyên khoáng sản.

Than xuất khẩu ồ ạt, có những năm xuất tới hơn 50% sản lượng. Bây giờ, than nhập khẩu tới 4 - 5 triệu tấn/năm, riêng năm 2015 nhập khoảng 6 triệu tấn, sang năm 8 triệu và sang năm 2021 phải nhập nhiều hơn sản lượng khai thác than trong nước. Đó không chỉ là xem nhẹ, mà còn là vô trách nhiệm trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

* Theo ông, những cải cách nào là cần thiết để phát triển được ngành công nghiệp khai khoáng?

- Diện tích thềm lục địa của nước ta lớn hơn nhiều so với diện tích đất liền. Bây giờ, tài nguyên khoáng sản trên bờ đã hết, trong khi ở dưới tầng nước trên mặt đáy biển, có rất nhiều các loại khoáng sản.

Nhưng muốn tiến được ra Biển Đông, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên trả lại phần môi trường cho Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như trả lại phần quản lý đất và nước cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Quan trọng hơn, nước ta phải có chiến lược tổng thể về tài nguyên khoáng sản phù hợp với bối cảnh hiện nay.

* Cảm ơn ông!

>Phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng

>Châu Phi hy vọng đổi đời nhờ khai khoáng

>7 đối tượng chịu thuế tài nguyên

HẢI VÂN thực hiện