Tăng trưởng tín dụng: Cuộc đua khốc liệt giữa các ngân hàng

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:57, 07/01/2016

Nhiều chi nhánh ngân hàng lớn không đạt được kết quả kinh doanh đề ra do sự cạnh tranh quá khắc nghiệt.
Tăng trưởng tín dụng: Cuộc đua khốc liệt giữa các ngân hàng

Nhiều chi nhánh ngân hàng (NH) lớn không đạt được kết quả kinh doanh đề ra do sự cạnh tranh quá khắc nghiệt. 

Đọc E-paper

Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó giám đốc Agribank Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu, thừa nhận đã không đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra trong bối cảnh cạnh tranh trên địa bàn ngày càng khốc liệt.

Đáng chú ý, khi Agribank chào lãi suất cho vay ưu đãi 5,5%/năm thì sẽ có NH khác chào với mức thấp hơn 5%/năm hoặc thậm chí là 3,8%/năm.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM CP) quy mô vừa và nhỏ không chỉ giảm lãi suất mà còn sẵn sàng chi tiền để trả khoản nợ cũ cho khách hàng ở NH khác để có thể vay ở NH mình với lãi suất thấp hơn.

"Vì vậy, dù lãi suất cho vay của NH có vốn nhà nước như Agribank luôn ổn định và có cơ chế giảm ở mức tối đa, lãi suất ưu đãi ở mức thấp cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng vẫn bị mất khách hàng", ông Hưng chia sẻ.

Chưa kể, Thông tư 09 yêu cầu tất cả các khoản vay đều có hóa đơn tài chính, chứng từ. Trong khi đó, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, hộ gia đình nhỏ rất khó có thể đáp ứng được yêu cầu này nên NH có vốn nhà nước như Agribank không thể cho vay.

Trong khi đó, với các NHTM CP quy mô nhỏ lại nới điều kiện tín dụng để có thể lấy được khách hàng nên cuộc cạnh tranh về tín dụng đang nghiêng về những NH quy mô nhỏ và biết linh động.

Các NHTM CP có quyền cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự nhưng với mức giá rẻ hơn một nửa hoặc có chất lượng gấp đôi.

Về lý thuyết, đây là chiến lược kinh doanh đúng đắn, xem ra khá công bằng. Có thể nói, những NH có vốn nhà nước như Agribank nếu không linh hoạt thay đổi cách làm, việc mất khách hàng chắc chắn sẽ xảy ra.

Tính đến 21/12/2015, tín dụng đã tăng 17,17% và dự kiến cả năm sẽ tăng trưởng 18%. Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18 - 20%.

Tuy nhiên, cũng có hiện tượng nhiều khách hàng sau khi bỏ Agribank qua NH khác, đã phải quay về vì một số lý do.

Chẳng hạn, một số NH có lãi suất cho vay rẻ hơn nhưng không cho khách hàng biết phải trả thêm nhiều khoản phụ phí kèm theo, trong đó có phí phạt trả nợ trước hạn.

Ngoài ra, khách hàng có thể phải trả lãi suất thực tế cao hơn lãi suất NH cam kết. Không chỉ bị phạt lãi suất trả nợ trước hạn mà lúc này người dân nhận ra các NHTM CP cho vay ưu đãi lãi suất chỉ từ 3 - 6 tháng, thời gian sau đó lãi suất được áp thả nổi theo thị trường.

Vì vậy, không ít khách hàng đang phải quay lại những NH có điều kiện cho vay khó hơn nhưng lãi suất ổn định.

Nhưng quyết định trở về này lại không được chấp nhận. Một phần, trước đây họ được NHTM CP định giá tài sản quá cao so với với giá trị thực, nên khách hàng được giải ngân số tiền lớn.

Nay, họ mong muốn Agribank cho vay đúng với hạn mức đó thì không được chấp thuận. Cuối cùng, khách hàng phải "ngậm bồ hòn" với khoản vay lãi suất cao.

Không chỉ khách hàng chịu thiệt, mà sự cạnh tranh này đang tác động rất lớn đến hệ thống NH. Điều gì sẽ xảy ra khi lượng khách hàng không gia tăng kịp với tốc độ tăng trưởng của hệ thống NH?

Đơn cử, hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa có đến 45 NH hoạt động, chưa kể đến các điểm giao dịch nhỏ, lên đến gần 200 điểm hoạt động.

Thêm vào đó, một số NHTM siêu nhỏ không cần có chi nhánh, điểm giao dịch mà chỉ cần cử cán bộ, nhân viên đi đến tận nơi, đến các hộ gia đình để chào mời các gói vay, với điều kiện khá cởi mở, lãi suất lại có phần ưu đãi.

Hay tại địa bàn của huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) có 31.251 hộ dân, Agribank Chi nhánh Long Điền cho vay chiếm 12% trên tổng số hộ này, 9 NHTM còn lại cho vay chiếm khoảng 37%.

Điều kiện cho vay của các NHTM nhỏ "thoáng" hơn, một số sản phẩm cho vay có lãi suất ưu đãi hơn nên dễ thu hút khách hàng so với Agribank.

Sự phát triển mất cân đối này giải thích vì sao thời gian qua, nhiều NH hụt chỉ tiêu kinh doanh, hoặc rơi vào kiểm soát đặc biệt vì cho vay quá dễ, thẩm định tài sản cao hơn giá trị thực dẫn đến rủi ro nợ xấu.

Thực tế đã chứng minh, trong cuộc tái cấu trúc ngành NH, đã có không ít NH nhỏ, hoạt động yếu kém, thậm chí "ăn" thâm vào vốn đành phải bán lại với giá 0 đồng.

Nguyên nhân chính do khâu quản trị yếu kém, trong đó có cả hoạt động tín dụng không lành mạnh theo kiểu: một khách hàng chạy vòng quanh nhiều NH, nguồn tiền chạy qua chạy lại, nhưng thực tế dư nợ của khách hàng không tăng lên...

>"Nhìn" lãi suất ngân hàng để chọn kênh đầu tư

>Lãi suất ngân hàng giảm: Nên gửi tiếp hay rút?

>Vì sao nhiều người "sập bẫy" tín dụng đen?

>Tái cấu trúc ngân hàng tạo nên "quỹ tín dụng đen"?

LINH CHI