Truyền hình Netflix sẽ có mặt ở Việt Nam

Quốc tế - Ngày đăng : 04:12, 08/01/2016

Tại CES 2016, CEO của Netflix Reed Hastings đã tuyên bố sẽ mở rộng thêm thị trường tới 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Truyền hình Netflix sẽ có mặt ở Việt Nam

Tại triển lãm hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới (CES 2016) vừa diễn ra, CEO của Netflix Reed Hastings đã tuyên bố sẽ mở rộng thêm thị trường tới 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả Việt Nam.

Kế hoạch phủ sóng toàn cầu

Thông báo trên được đưa ra sau một năm làm ăn có lãi nhất của Netflix về lượng khán giả sử dụng dịch vụ hiện có. Trong quý IV/2015, thống kê chỉ ra người dân trên thế giới bỏ ra 12 tỷ giờ để sử dụng dịch vụ Netflix, tăng hơn so với 8,25 tỷ giờ trong cùng kỳ, và hầu hết sự tăng trưởng của công ty đến từ các thị trường ngoài nước Mỹ.

Mục tiêu của công ty sẽ là duy trì thị trường trong nước và nỗ lực để 80% tổng số thuê bao đăng ký sẽ đến từ các khách hàng quốc tế. Cụ thể, công ty sẽ duy trì 60 triệu đến 90 triệu các tài khoản trong nước và phấn đấu đạt mục tiêu 240 triệu đến 360 triệu tài khoản từ khách hàng quốc tế. Tuy vậy, kế hoạch phát triển rầm rộ này cũng mang lại những thách thức lớn cho Netflix.

Mặc dù, tung hô loạt phim sắp ra mắt độc quyền trên Netflix với sự tham gia của các ngôi sao tên tuổi như Chelsea Handler trong bộ phim tài liệu Chelsea DoesKristen Ritter của loạt siêu anh hùng Jessica Jones; Will Arnett, người lồng tiếng cho các nhân vật của phim hoạt hình BoJack Horseman, và Wagner Moura, người vào vai Pablo Escobar của bộ phim truyền hình Narcos thì mặt hạn chế về ngôn ngữ sẽ là rào cản lớn nhất cho Netflix, nhất là tại các thị trường mới nổi ở châu Á.

Nếu bổ sung thêm tiếng Ả Rập, Hàn Quốc và cả tiếng Trung Quốc vào mục lục lựa chọn ngôn ngữ, thì Netflix mới chỉ hỗ trợ tổng cộng 21 ngôn ngữ phổ biến và hiện vẫn chưa có tiếng Việt. Nhưng chuyện Việt hóa những tác phẩm phim ảnh chỉ là vấn đề thời gian và có lẽ đã nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường của Netflix.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất sẽ đến từ bản chất cốt lõi công việc kinh doanh của công ty, đó là Netflix là một dịch vụ trả tiền. Bởi không riêng tại Việt Nam, khán giả ở nhiều quốc gia hiện vẫn xem phim từ các trang không mất phí.

Hiện trên trang chủ của Netflix, người dùng Việt Nam có thể đăng ký các gói dịch vụ. Theo đó, gói Standard dành cho độ phân giải HD có giá 220.000 đồng/tháng, gói Premium dành cho Ultra HD giá lên tới 260.000 đồng/tháng. Nhưng thậm chí với mức thấp nhất là 180.000 đồng/tháng, nó cũng mắc hơn phí truyền hình cáp hiện có.

Giá dịch vụ truyền hình Netflix tại Việt Nam doanhnhansaigon
Bảng giá dịch vụ truyền hình Netflix tại Việt Nam

Ưu thế của Netflix, có lẽ đến từ chất lượng phim, tốc độ cập nhật phim mới nhanh hơn và các sản phẩm độc quyền hấp dẫn. Bên cạnh đó, không như các kênh truyền hình thông thường chỉ chiếu 1-2 tập phim mỗi tuần, thì Netflix lại tung ra toàn bộ series trong đúng một ngày.

Đây là một thế mạnh của mảng truyền hình Netflix và chính sự khác biệt đó là một trong những nền tảng đem lại thành công cho bộ phim đình đám “House of Cards”. Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa của phim có lẽ sẽ hạn chế khán giả đón nhận nó.

Vì vậy, việc tạo ra một dòng sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng văn hóa trên toàn thế giới đã thúc đẩy sự ra đời Originals Netflix. Đây như là một sự liên minh với một hãng phim khác để tạo ra những bộ phim phù hợp với văn hóa địa phương, như tuyên bố của CEO Netflix: “Chúng tôi muốn mọi khán giả trên thế giới có thể xem cùng một nội dung”.

Và rào cản Trung Quốc

Trước đó, Netflix đã cung cấp dịch vụ video trực tuyến của mình tại 60 quốc gia, nếu mở rộng thêm 130 quốc gia, dịch vụ này gần như sẽ có mặt trên toàn thế giới. Đó chính xác là hướng chiến lược tương lai mà Hastings muốn truyền tải tại CES.

Reed Hastings tại CES 2016 doanhnhansaigon
Reed Hastings - CEO Netflix  tại CES 2016

“Trong khi bạn đang lắng nghe tôi nói, dịch vụ Netflix đã có mặt gần như hầu hết các quốc gia trên thế giới ngoại trừ Trung Quốc, quốc gia mà chúng tôi hy vọng sẽ được chấp thuận trong tương lai. Ngay bây giờ, bạn đang chứng kiến sự ra đời của một mạng truyền hình toàn cầu”, trang Bloomberg dẫn lời Hastings.

“Chúng tôi cần sự cho phép từ chính phủ và hiện mọi việc đang được xúc tiến”, Hastings nói với các phóng viên sau bài phát biểu tại CES, “Chúng tôi cần kiên nhẫn bởi vì tôi cho rằng công ty sẽ thành công tại Trung Quốc. Việc này sẽ mất một thời gian”.

Để được cấp phép, Netflix phải phối hợp với một đối tác địa phương để thuận tiện việc Chính phủ Trung Quốc kiểm soát nội dung trực tuyến. “Netflix đã tiếp xúc với các công ty địa phương, cũng như với chính phủ”, Hastings cho biết.

Triển vọng ở Trung Quốc có thể cung cấp cho các nhà đầu tư Netflix một tín hiệu lạc quan, thậm chí có thể thúc đẩy tăng giá chứng khoán trên thị trường Trung Quốc, Paul Sweeney - một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence nhận định.

Ngoài ra, thách thức chờ đón Netflix ở đây còn đến từ đối thủ cạnh tranh. Tập đoàn công nghệ Alibaba vừa giành quyền kiểm soát Youku Tudou , một trong những dịch vụ video streaming lớn nhất trong cả nước, trong khi Baidu và Tencent Holdings sở hữu những dịch vụ video phổ biến. Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng chờ đón cuộc đổ bộ từ gã khổng lồ nước Mỹ.

>CEO Netflix - tài năng lập dị

>Khách hàng nhí - mục tiêu mới của truyền hình trực tuyến

>"Vẽ" lại thị trường truyền hình Việt Nam

VĂN LỘC