Đồng hành cùng doanh nghiệp: Không phải bằng lời nói
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 05:00, 12/01/2016
Ngày 14/1/2016, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức tổng kết hoạt động năm 2015 và thông qua phương hướng công tác năm 2016. Nhìn lại một năm với nhiều chuyển biến từ nội tại các doanh nghiệp (DN) cùng sự đổi thay của nhiều chính sách kinh tế, ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch HUBA, đã có những chia sẻ về vai trò của tổ chức hội ngành nghề (gọi tắt là hội) lẫn kỳ vọng mà DN đang gửi gắm vào các tổ chức hội.
* Nhìn lại năm 2015, HUBA có hoàn thành mục tiêu như đã đặt ra từ cuối năm 2014, thưa ông?
- Năm 2015 là năm có nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức đối với DN. Ở góc độ là một tổ chức hội, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN, HUBA đã thực hiện khá nhiều chương trình đồng hành cùng DN.
Nhờ sự phấn đấu của cả tập thể HUBA, sự hưởng ứng của cộng đồng DN nói chung và DN hội viên nói riêng cùng các hội thành viên, HUBA đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đặt ra trong năm 2015.
Hơn thế nữa, HUBA thực hiện khá tốt khâu truyền đạt chủ trương, chính sách, đặc biệt là những chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước và của TP.HCM tới cộng đồng DN.
Theo đó, chúng tôi đã phản hồi, phản ánh những vấn đề DN quan tâm như những bất cập trong một số chính sách và đã được Nhà nước tiếp thu, điều chỉnh, tạo hành lang thông thoáng cho DN hoạt động.
Đơn cử như quỹ kích cầu của TP.HCM, sau nhiều kiến nghị của DN thì Thành phố đã tăng thời gian ưu đãi từ thời hạn 7 năm lên 10 năm lẫn nguồn vốn cho DN vay từ 50 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Đây được xem là những điều rất thiết thực đối với DN.
* Nhiệm vụ của các hội là “cầu nối” giữa Nhà nước và DN, nhưng hiện nay, nhiều DN vẫn cho rằng thông tin từ các hội chưa thực sự là đầu mối trong việc hỗ trợ họ. Ông đánh giá thế nào về ý kiến ấy?
- Nhìn lại quá trình hoạt động của HUBA, đặc biệt là trong năm 2015, chúng tôi nhận thấy, hội tuy đông, nhưng chưa mạnh, hoạt động chưa đều tay, từ Ban Chấp hành HUBA cho đến BCH các hội, câu lạc bộ thành viên, liên kết, do đó sức mạnh vẫn còn bị hạn chế, sự gắn kết với nhau giữa hàng ngang và dọc (tức giữa các hội thành viên và giữa các hội với DN) vẫn còn thiếu.
Sự toàn tâm toàn ý từ các hội để hỗ trợ cho DN vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn, cần được đều chỉnh. Đây là vấn đề cần được các hội lưu tâm trong thời gian tới.
Năm 2015, HUBA kết nạp hội viên khá nhiều, nâng tổng số hội viên lên gần 8.000 DN, nhưng vấn đề là phải điều chỉnh Ban Chấp hành để hoạt động của Hiệp hội ngày một mạnh và tốt hơn. Bởi vì, nếu kết nạp nhiều hội viên nhưng không có các hoạt động hữu ích thì cũng rất khó thu hút DN ở lại với hội.
Hiện nay, nguồn thu chính của HUBA là từ hội phí, tổ chức hội chợ, hội thảo, nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để xúc tiến thương mại. Các năm qua, tài chính của HUBA luôn thiếu hụt, nhưng năm 2015 đã có kết dư tương đối cho năm sau.
Đó là nỗ lực không ngừng của cả tập thể HUBA thông qua rất nhiều hoạt động nhằm tạo đầu mối giao thương cho DN hội viên, điều này cần được tiếp tục phát huy.
* Vấn đề tài chính, nhân sự, trụ sở luôn “làm khó” các hội. Theo ông, những vấn đề ấy bao giờ mới được cải thiện?
- HUBA sẽ kêu gọi, động viên những cá nhân thực sự muốn đóng góp, công hiến cho hoạt động hội và hội viên DN cùng tham gia vào công tác điều hành hoạt động hội.
Điều này khác so với trước và cũng hạn chế dần nhiều nhân sự kiêm nhiệm. Chẳng hạn, vừa kiêm nhiệm việc điều hành DN riêng nhưng lại vừa đảm nhận điều hành hội.
Ngược lại, chúng tôi sẽ đưa ra khỏi hội những người không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của hội viên. Gần đây, tôi rất hoan nghênh việc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tập huấn cho các hội, hiệp hội để thấy được vai trò của tổ chức hội trong thời kỳ hội nhập sâu là rất quan trọng.
Việc chấn chỉnh điều hành trong công tác hội là rất cần thiết và phải có bộ máy chuyên trách luôn được kiện toàn, có như thế mới mong hội vượt qua rào cản về tài chính, nhân sự, trụ sở.
* Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành, nhiều chuyên gia đánh giá rất cao vai trò đầu mối của các tổ chức hội. Họ còn khuyên DN nên xem đây là kênh thông tin hữu ích. Theo ông, sự hỗ trợ của chính quyền đối với hoạt động hội có tương thích với kỳ vọng?
- So với hiệp hội doanh nghiệp các nước, các hội doanh nghiệp tại Việt Nam còn rất nhiều vấn đề bất cập. Một vài năm gần đây, Nhà nước đã bắt đầu quan tâm đến vai trò của các hội DN, song vẫn còn nhiều sở, ngành vẫn chưa xem trọng vai trò của các hội.
Ở các nước, khi tháp tùng nguyên thủ quốc gia ra nước ngoài đàm phán làm ăn, vai trò của DN được đánh giá rất cao. Còn Việt Nam, sự quan tâm như vậy chưa có.
Do vậy, dù có được kỳ vọng nhưng một khi các cơ quan nhà nước không đồng hành cùng hội thì các tổ chức này sẽ rất khó mạnh lên.
Đơn cử, tại TP.HCM vẫn còn rất nhiều hội, câu lạc bộ DN hoạt động chủ yếu theo phong trào, còn thực sự để tiếng nói của họ được chính quyền tiếp thu nghiêm túc thì vẫn còn khoảng cách.
Chẳng hạn, khi DN kiến nghị về các vấn đề liên quan đến thuế, HUBA tổng hợp gửi lên Cục Thuế, cơ quan thuế phải nghiêm túc xem xet và có thể điều chỉnh.
DN nộp chậm thuế thì bị phạt, nhưng cơ quan thuế hoàn thuế chậm cho DN thì không ai phạt, thành ra chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ.
Chính từ điều này, bất cứ lãnh đạo nào không quan tâm đến DN trên địa bàn của mình thì không bao giờ địa phương đó mạnh về kinh tế. Hiện nay, TP.HCM đang phát động giảm nghèo bền vững. Làm sao để giảm nghèo?
Giải pháp tốt nhất là chăm lo cho người lao động, lao động tốt sẽ kéo theo an sinh xã hội tốt hơn, giảm nghèo sẽ bền vững. Song, mấu chốt vấn đề là phải từ DN.
Tiền mạnh, vốn nhiều DN rất cần, nhưng cơ chế chính sách không thông thoáng thì làm sao DN tái đầu tư, xoay vòng vốn? Không tái tạo được đồng vốn sẽ không thể tạo công ăn việc làm cho người lao động được và như vậy làm sao giảm nghèo bền vững!
* Cảm ơn về những chia sẻ của ông!
>Chủ tịch HUBA: Doanh nghiệp chưa được hỏi ý kiến về việc tăng lương
>HUBA áp dụng thi hành Luật Doanh nghiệp 2014
>Hiệp hội DN nước ngoài hỗ trợ DN FDI đầu tư vào Việt Nam