TGĐ Tanzanite International: Tự hào là người Việt

Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 03:32, 17/01/2016

Gần nửa cuộc đời sống trên đất Mỹ, điều tự hào của Tổng giám đốc Tập đoàn Tanzanite International Hồ Vĩnh Tuấn không phải là những tấm bằng, sự thành đạt hay tài sản, mà đơn giản chỉ là… ông là người Việt Nam.
TGĐ Tanzanite International: Tự hào là người Việt

Gần nửa cuộc đời sống trên đất Mỹ, điều tự hào của Tổng giám đốc Tập đoàn Tanzanite International Hồ Vĩnh Tuấn không phải là những tấm bằng về học vấn, sự thành đạt hay tài sản đã tạo dựng được, mà đơn giản chỉ là… ông là người Việt Nam.

Đọc E-paper

Ông kể về những đồng nghiệp, bạn bè đã thành danh trên đất Mỹ cũng với một niềm tự hào: “Người Việt mình giỏi lắm. Tại Mỹ, cộng đồng người Việt Nam thành công không thua bất cứ cộng đồng nào và tỷ lệ người Việt là triệu phú chiếm con số lớn nhất tại Mỹ”.

* Trong nhiều “cái giỏi” của người Việt, ông tự hào nhất điều gì?

- Một trong những đức tính nổi bật của người Việt là sự cần cù, chịu khó học hỏi và thông minh. Lần đầu tiên đặt chân đến một đất nước xa lạ, hầu hết người Việt đều phải đối mặt với nhiều thách thức, kể cả sự kỳ thị. Nhưng đến nay, nhiều người đã có được những vị trí, học vị cao làm thay đổi cái nhìn của người dân bản địa và tạo được sự trân trọng trong mắt bạn bè, đồng nghiệp Mỹ.

Ngay tại các trường học tại Mỹ, 10 vị trí đứng đầu đều có tên học sinh Việt Nam. Và điểm chung của những người Việt thành danh tại Mỹ là ý chí vươn lên và làm giàu bằng chính sự cần cù, kiến thức chứ không phải chụp giựt, cơ hội. Nhớ ngày đầu qua Mỹ, thấy ba tôi phải làm việc gần như suốt tuần không có ngày nghỉ, kể cả những ngày giá lạnh, bão tuyết, tôi hỏi: “Tại sao ba phải làm nhiều như vậy?”, ba nói: “Muốn thoát khỏi vị trí thấp nhất thì chỉ có chính mình mới làm được điều đó. Muốn vậy, phải chăm chỉ và chịu khó học hỏi”. Thấm câu nói của ba, tôi vừa chăm chỉ học, vừa đi rửa bát, quét dọn, phụ bếp... để kiếm tiền đi học và tìm cánh cửa đến tương lai.

* Nghe nói khi “cánh cửa tương lai” vừa mở ra, ông lại từ chối khiến ba ông rất buồn?

- Thời đi học, tôi luôn nằm trong số học sinh giỏi nên ngay năm cuối đi thực tập, tôi đã lọt vào danh sách nhân viên tuyển dụng tiềm năng của công ty thiết kế kỹ thuật và cơ khí. Tuy nhiên, làm việc ở công ty này một thời gian, tôi cảm thấy chán vì suốt ngày chỉ ngồi trong phòng tính toán các thông số kỹ thuật.

Tôi nghiệm ra, làm công việc mình không thấy hứng thú thì không thể tái tạo được năng lượng cũng như phát huy khả năng tiềm ẩn. Khi tôi nghỉ việc, ba tôi rất buồn vì cho rằng tôi đã bỏ phí kiến thức bao nhiêu năm học hành cũng như cơ hội để có một công việc làm ổn định trên đất Mỹ - một vị trí rất nhiều người mong muốn. May mắn, tôi được mẹ ủng hộ và bà đã thuyết phục ba tôi: “Hãy để cho con làm những công việc yêu thích, nó sẽ có cơ hội để phát triển năng lực”.

* Nhưng lúc đó ông vẫn chưa biết mình thích công việc nào, ông có cảm thấy lo vì tìm một công việc ổn định ở Mỹ không dễ?

- Khi còn trẻ, ai cũng thích thử thách và tìm cái mới. Thời đó, tối nào xem truyền hình cũng thấy bàn luận về kinh tế, tài chính, về suy thoái, khủng hoảng và bất động sản..., tôi bắt đầu quan tâm, càng tìm hiểu càng thấy thú vị nên đăng ký học thêm chuyên ngành kinh tế vĩ mô. Điều bất ngờ là điểm số ngành kinh tế của tôi lại cao hơn cả điểm ngành học chính là cơ khí chế tạo máy.

Sau khi nghỉ việc ở công ty thiết kế kỹ thuật, tôi dành hết thời gian để tìm hiểu các diễn biến trên thị trường chứng khoán, bất động sản. Lúc đó, nghề môi giới bất động sản ở Mỹ rất hấp dẫn và mở ra nhiều cơ hội, tôi chuyển sang học thêm chứng chỉ lĩnh vực này.

Ở Mỹ, môi giới bất động sản không giống như ở Việt Nam, nó không chỉ là kỹ năng bán hàng, môi giới mua bán nhà cửa đơn thuần mà là một nghề rất nghiêm túc, đòi hỏi người làm phải chững chạc, chín chắn và phải có những kiến thức cơ bản để tư vấn cho khách hàng những điều cần biết khi giao dịch mua bán, cùng với đó là rất nhiều kỹ năng chuyên nghiệp khác. Song, muốn làm giỏi lĩnh vực nào thì ngoài kiến thức còn phải có kinh nghiệm thực tế, vì vậy, tôi góp vốn thành lập Công ty Century 21 Everest Realty, môi giới bất động sản tại Orange County, Mỹ.

* Kinh doanh ở Mỹ vốn không có nhiều cơ hội và dễ dàng, chọn con đường kinh doanh riêng, ông đã bao giờ gặp rủi ro?

- Không có con đường thành công nào mà không phải trả giá bằng thất bại, và tôi cũng không ngoại lệ. Ở Mỹ, cơ hội kinh doanh không rộng mở và dễ thấy nên bước vào con đường này, chúng tôi phải tự mò mẫm, xoay xở và thất bại là khó tránh. Khi góp vốn vào Century 21, tôi đã nếm “trái đắng” đầu tiên khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, kéo theo bất động sản bị ảnh hưởng nên Công ty phải ngừng hoạt động. Tôi nghiệm ra: Một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo và khả thi đến đâu cũng khó cưỡng lại vòng xoay của chu trình kinh tế.

Tuy nhiên, khi kinh tế rơi vào khó khăn, người có kinh nghiệm sẽ biết nương theo chu trình, biết phải đứng lại trước con sóng nào và phải đi theo con sóng nào để thành công. Và “lỗi” của chúng tôi trong thất bại của Century 21 là chưa có kinh nghiệm để nhận biết rủi ro và đưa ra những quyết định đúng đắn.

* Phải mất bao lâu ông mới lấy lại tinh thần để tiếp tục việc kinh doanh mới?

- Khi Công ty ngừng hoạt động, tôi rất buồn nhưng nhờ... buồn mà ngay sau đó tôi lại có cơ hội kinh doanh mới và cũng thêm một bài học mới. Đó là khi tôi cùng một người bạn đến Las Vegas và bắt đầu trở lại kinh doanh bất động sản ở thành phố này. Ban đầu chỉ làm thử, không ngờ nhu cầu ở đây rất lớn và phát triển nóng nên việc kinh doanh thuận lợi.

Nhận thấy nhu cầu cung ứng dịch vụ nội thất cũng tiềm năng, tôi rủ hai người bạn kinh doanh đồ nội thất. Chỉ trong 6 tháng, 2 cửa hàng của chúng tôi đã đạt doanh thu ngoài mong đợi. Lúc đầu, 2 chuyến xe tải/tuần, rồi tăng lên 4 chuyến/tuần, tiếp tục mở thêm 3, 4 cửa hàng vẫn không đáp ứng kịp đơn hàng.

Song, rút bài học khủng hoảng của những năm trước, tôi nhận định: Khi phát triển nóng thì sẽ khó tránh khỏi rủi ro do thị trường sẽ vào chu kỳ đi xuống, vì vậy, thay vì mở rộng kinh doanh, tôi thấy lợi nhuận “đủ rồi” và quyết định “rút” an toàn bằng việc sang lại tất cả các cửa hàng nội thất để thu hồi vốn, quay lại lĩnh vực bất động sản bằng việc thành lập Công ty Integrity Escrow Realty.

Điều đáng tiếc là nhiều năm sau, thị trường bất động sản ở Las Vegas vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Lúc đó tôi mới ngộ ra mình vẫn chưa đủ kinh nghiệm để đánh giá thị trường và đưa ra quyết định quá vội vã, sai lầm. Thì ra, lợi nhuận tôi có được mới chỉ ở giai đoạn “ăn non”, nếu đủ kinh nghiệm, việc kinh doanh của chúng tôi sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Bằng chứng là các cửa hàng nội thất và bất động sản tôi chuyển nhượng sau nhiều năm vẫn đạt doanh thu gấp đôi, gấp ba.

* Nhiều doanh nhân Việt kiều trở về vì muốn đóng góp cho đất nước, nhưng cũng có một lý do khác là Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh. Với ông, ngoài hai động lực trên còn động lực nào khác?

- Tôi về Việt Nam đơn giản vì tôi là người Việt. Những năm sống ở nước ngoài, tôi đã thấm nhuần ý nghĩa của câu hát “Quê hương là chùm khế ngọt... Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Vì vậy, trong lòng tôi luôn nghĩ về Việt Nam, tự hào là người Việt và mong có ngày trở về để... “tắm ao ta”, để được nghe tiếng rao hàng vào mỗi sáng, hay những đêm khuya được sì sụp, hít hà tô bún nóng bên vệ đường, được nghe câu hát ầu ơ đã ăn sâu vào tâm trí lúc còn thơ bé...

Dĩ nhiên, trong sâu thẳm ký ức không thể thiếu sự đan xen thực tế của đời thường, đó là cuộc sống, là cơ hội kinh doanh. Trong thời gian làm về tư vấn bất động sản, nhận thấy lĩnh vực này ở Việt Nam đang phát triển, nền kinh tế của Việt Nam cũng đang đi vào quỹ đạo phát triển tốt, cơ hội đang rộng mở, ngẫm lại bài học “nền kinh tế quyết định kinh doanh”, tôi cùng bạn bè về Việt Nam đầu tư. Năm 2006, tôi làm Phó chủ tịch Phát triển kinh doanh tại Sato, công ty đầu tư và phát triển bất động sản, và đã định giá mua lại thành công nhiều bất động sản cao cấp tại TP.HCM. Thời gian này, tôi cũng phát triển kế hoạch chiến lược và lựa chọn đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn Sun Wah.

Năm 2011, tôi gia nhập Vietnam Capital Partners (VCP), đảm nhiệm vai trò cố vấn cho các công ty bất động sản trong nước về các lĩnh vực cấu trúc vốn, cấu trúc hợp đồng và cách tiếp cận nguồn vốn nước ngoài, đồng thời tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài về các cơ hội và rủi ro khi đầu tư. Song, đằng sau việc kinh doanh vẫn là tâm nguyện đóng góp cho quê hương, đó là lý do tôi tham gia Quỹ Học bổng AMA do Tập đoàn Tanzanite khởi xướng và 4 năm qua, Quỹ AMA đã đóng góp học bổng cho một số giáo viên và sinh viên Việt Nam, trong đó có cả học bổng cho các cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

* Nhưng vì sao ông lại tài trợ cho giáo dục, đặc biệt ưu tiên sinh viên sư phạm, có lý do riêng gì không, thưa ông?

- Tôi, Peter Mach và Nguyễn Nam Sơn (Chủ tịch Tập đoàn Tanzanite) có một điểm chung là cùng trải qua thời kỳ sống trong cảnh khó khăn nên thấu hiểu chỉ có con đường học vấn mới có thể giúp mình thay đổi cuộc sống. Trước khi đưa ra quyết định chọn sinh viên trường nào để trao học bổng, chúng tôi đã ngồi với nhau và ai cũng cho rằng trong cuộc đời mỗi người đều có một thầy, cô đáng nhớ và chính thầy, cô là người truyền cảm hứng, cho mình tư duy, ý tưởng và tạo nên sự trưởng thành của mình hôm nay.

Vì vậy, việc Quỹ Học bổng AMA ưu tiên cho ngành sư phạm được xem như món quà tri ân thầy, cô giáo. Ý nghĩa hơn, nghề giáo là nghề trồng người, vì vậy, giúp một thầy giáo thì chính người thầy ấy lại giúp được học trò.

* Nếm trải thất bại cũng nhiều, nhưng nghe nói khi về Việt Nam, ông vẫn khó tránh khỏi... rủi ro?

- Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì cơ hội kinh doanh rất nhiều nhưng rủi ro cũng không ít. Thời gian mới về nước, do nhiều yếu tố khách quan, tôi gặp rủi ro và đã bị tổn thất một số vốn không nhỏ khi đầu tư vào một dự án lớn.

Lúc đó, nhiều bạn bè lo tôi thất vọng và không còn động lực để đi tiếp, nhưng tôi trả lời “Buồn thì có nhưng không thất vọng”. Bởi câu nói tôi tâm đắc nhất trong cuộc đời là “Hãy làm đi, đừng ngại, đừng sợ, có thể gặp thất bại nhưng thất bại để học và đứng dậy”.

* Ông từng nói, mỗi công việc kinh qua đều cho ông một bài học mới. Thời kỳ làm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Kim Land, ông đã học được điều gì?

- Tôi học được ở Sơn Kim Land văn hóa công ty và sức mạnh tập thể. Đặc biệt, những người lãnh đạo Sơn Kim Land biết hòa mình vào tập thể, tạo động lực, lôi cuốn mọi người cùng làm việc, cùng hướng về mục tiêu lớn, không ai nghĩ mình quan trọng, chỉ có thành công của công trình mới là quan trọng.

* Quá trình tư vấn tái cơ cấu cho doanh nghiệp Việt Nam, ông thấy điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là gì?

- Nhiều người hay nói điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là thiếu tầm nhìn và hoạt động không bài bản. Theo tôi, điểm yếu cơ bản của doanh nghiệp Việt Nam nằm ở chỗ không biết tầm quan trọng của quy trình, hoặc biết nhưng chưa có ý thức tuân thủ, chỉ muốn “nhảy cóc” và đi nhanh. Chẳng hạn, một công ty muốn đạt đến điểm D thì phải làm tốt quy trình từ điểm A đến điểm B, rồi điểm C. Nếu “nhảy cóc” từ A đến D sẽ tạo ra rất nhiều lỗ hổng và khi phải quay lại quy trình để “trám” lỗ hổng thì sẽ tốn kém và khó khăn hơn nhiều.

* Để tạo sức hấp dẫn với bất động sản nghỉ dưỡng, hầu hết các nhà đầu tư khi tung ra sản phẩm đều đặt cam kết lợi nhuận cho người mua lên hàng đầu, nhưng Tanzanite lại đặt trọng tâm vào mục tiêu “nghỉ dưỡng thật sự”, ông không ngại rủi ro?

- Mặc dù tâm lý hiện nay của nhiều người vẫn bị “trói buộc” bởi tư duy “đầu tư cho sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng là để kinh doanh chứ không để nghỉ dưỡng”, nhưng Hamptons Hồ Tràm của Tanzanite vẫn đặt trọng tâm vào những giá trị vô hình, những giá trị không chạm được, không sờ thấy, không đo đếm được nhưng lại vô cùng quý giá, đó là tinh thần, sức khỏe, niềm vui, sự thư thái, bình yên...

Để thực hiện được điều này, mỗi công trình của chúng tôi không chỉ là tiêu chuẩn kỹ thuật, là đẳng cấp, tinh tế đến từng chi tiết, mà còn phải không quá chú trọng đến lợi nhuận thì mới tạo ra được môi trường sống xanh, thoáng đãng và gần gũi thiên nhiên. Một con số chứng minh là tỷ lệ cây xanh và cảnh quan của Hamptons đã chiếm tới hơn... 80% diện tích đất, hệ số sử dụng đất rất thấp, chỉ có 0,51%.

Tuy không đưa ra cam kết về lợi nhuận cho nhà đầu tư, nhưng thực tế ở một số nước, Tanzanite đã thực hiện mô hình này thì số lượng người đến nghỉ dưỡng hài lòng, trở lại lần sau và giới thiệu bạn bè ngày càng đông. Vì vậy, tỷ lệ lấp đầy luôn đạt 100%. Đó chính là lợi nhuận.

Bên cạnh đó, có thể thấy nhu cầu nghỉ dưỡng của người Việt tại các địa điểm đạt chuẩn 5 sao hiện khá lớn, nhưng Việt Nam chưa có nhiều bất động sản ven biển thực sự tầm cỡ và mỗi thành phố biển cũng chỉ có 1, 2 công trình để đáp ứng.

Theo dự báo, trong vòng 5 - 7 năm tới, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam sẽ còn tăng, và người Việt cũng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, ở mức khoảng 80USD/ngày. Khi đó, đa số sẽ muốn được nghỉ ngơi tại các khách sạn, resort cao cấp, và đây là thời điểm tốt để tìm kiếm và phát triển các địa điểm 5 sao mới.

Tuy nhiên, đó là tương lai, còn hiện nay, thách thức lớn nhất đối với chúng tôi vẫn là nhiều người chưa cảm nhận được hết sản phẩm chúng tôi muốn tạo ra, mang đến cho họ và thị trường cũng chưa sẵn sàng mở rộng cửa đón nhận. Như vậy, rủi ro lớn nhất của chúng tôi là thời gian. Song, chúng tôi vẫn có niềm tin bởi đây là sản phẩm mang lại giá trị thật cho người có nhu cầu sở hữu thật.

* Nhiều bạn thân khi cùng kinh doanh lại có kết cuộc không hay, có vẻ ông may mắn hơn.“Bí quyết” của ông là...

- Tôi cho rằng, bất cứ mối quan hệ nào mà đã có chữ “tình” thì phải thiêng liêng hơn những cái khác, vì chữ “tình” đã mất đi thì khó lấy lại. Vậy nên, quan điểm của tôi là hãy cho đi. Nếu bạn tốt thì mình có người tri kỷ, còn bạn chưa tốt cũng không sao, bởi “cho đi quả ngọt sẽ nhận lại trái lành”.

Với quan niệm đó, tôi đã có nhiều năm làm việc với bạn bè và mọi việc đều tốt đẹp. Theo tôi, yếu tố đầu tiên để bạn bè “làm ăn” mà vẫn cùng nhau đi mãi một con đường là phải cùng mục tiêu chung, sau đó phải biết tôn trọng sự khác biệt của nhau. Có những lúc trong công việc, tôi và Sơn tranh luận gay gắt nhưng không ai giận ai và luôn đặt câu hỏi: Mình còn điều gì chưa biết để lắng nghe và tôn trọng ý kiến của bạn mình.

Đặc biệt, sự phối hợp, chia việc phải rõ ràng: Tôi tỉ mỉ, kỹ lưỡng nên những gì liên quan đến vận hành chi tiết là của tôi. Còn Sơn thì tổng thể, bao quát. Có những lúc vui, buồn, thất bại nhưng chưa bao giờ chúng tôi đổ lỗi cho nhau vì ai cũng hiểu mỗi người đã cống hiến tất cả những gì có thể cho công việc chung.

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị và cởi mở. Chúc tình bạn của ông mãi tốt đẹp...

>Doanh nhân người Việt mua một thị trấn ở Mỹ

>Người Việt duy nhất trong top 192 lãnh đạo trẻ toàn cầu

>Người Việt đầu tiên “khai mở” toán số học tổ hợp thế giới

>Người Việt Nam lạc quan nhất thế giới

LỮ Ý NHI