Nghịch lý lãi suất trong năm 2016

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:31, 19/01/2016

Trong năm 2016, một trong những vấn đề được giới doanh nghiệp quan tâm nhất chính là lãi suất, khi lãi suất cho vay của nước ta hiện quá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nghịch lý lãi suất trong năm 2016

Trong năm mới 2016, một trong những vấn đề được giới doanh nghiệp quan tâm nhất chính là lãi suất, khi lãi suất cho vay của nước ta hiện quá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đọc E-paper

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, biên lợi nhuận của hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều giảm, việc doanh nghiệp vẫn phải trả lãi vay xấp xỉ 10%/năm là quá lớn.

Nhiều đơn vị sau khi trả lãi vay thì lợi nhuận gần như không còn, thậm chí âm. Vấn đề càng trở nên đáng nói khi chúng ta đã hội nhập kinh tế sâu rộng với các nước ASEAN và thế giới, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đang được hưởng mức lãi suất thấp hơn từ nước sở tại.

Các doanh nghiệp nước ta rất mong lãi suất cho vay sẽ giảm xuống hơn nữa, nhưng điều này là khó khả thi.

Ở nước ta, trước nay, yếu tố chi phối mạnh nhất đến lãi suất huy động cũng như cho vay của các ngân hàng thương mại chính là chỉ số giá tiêu dùng – lạm phát.

Công thức sẽ là lãi suất huy động cao hơn một ít so với mức lạm phát, để người gửi tiền có được lãi suất thực dương, tiếp đến, lãi suất cho vay lại cao hơn 3 – 5%/năm so với lãi suất huy động, tùy vào thời hạn vay.

Nhưng năm 2015 vừa qua, dù lạm phát ở mức rất thấp (0,63%), lạm phát cơ bản cũng chỉ 2,05%, thì lãi suất huy động vẫn trong khoảng 5 – 6%/năm và lãi suất cho vay là 7 – 10%/năm, mức chênh so với lạm phát quá lớn. Quan trọng hơn, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm nay.

Cụ thể, tổng hợp các yếu tố chính của nền kinh tế và chưa tính đến tác động của điều chỉnh chính sách, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo năm nay lạm phát cơ bản sẽ không cao hơn nhiều năm ngoái (khoảng 3%) và lạm phát sẽ dưới 3%.

Như vậy, so với mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đề ra, dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá là khá lớn.

Đây được xem là chỗ dựa quan trọng cho chính sách tỷ giá, bởi theo ước tính, khi tỷ giá tăng 1% (tương ứng với tiền đồng giảm 1% giá trị so với USD) thì sẽ khiến lạm phát tăng thêm chưa tới 0,1%.

Điều này đồng nghĩa với việc nếu tỷ giá năm nay tăng mạnh (do nhiều yếu tố, trong đó có sự kết hợp của việc lãi suất USD tăng và đồng nhân dân tệ bị phá giá, cộng thêm thâm hụt thương mại đang gia tăng và dự trữ ngoại hối giảm) thì mức tác động lên lạm phát cũng không quá lớn.

Nếu lạm phát năm nay được giữ ở khung 3 – 5% và mọi chuyện diễn ra đúng như dự tính của Ngân hàng Nhà nước, thì năm nay lãi suất vẫn giữ ổn định ở mức hiện tại.

Với mức lãi suất này, tăng trưởng tín dụng được đặt mục tiêu 18%, dù rằng có thể đạt mốc 20%. Chỉ cần nhìn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm sau cao hơn năm trước, có thể thấy với mức lãi suất cao như vậy, vẫn có nhiều cá nhân và doanh nghiệp sẵn sàng vay vốn.

Biết lãi suất vay cao, nhưng do nhu cầu về vốn là có thật và không tìm được nguồn vốn giá rẻ, họ vẫn phải tìm đến ngân hàng.

Các doanh nghiệp còn có lý do để lo lắng, rằng có thể lãi suất hiện tại chưa phải là cao nhất năm, bởi trong Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam số tháng 1/2016 vừa được Khối Nghiên cứu Kinh tế của HSBC công bố, họ khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nên thận trọng để bắt đầu thực hiện việc thắt chặt dần trong nửa cuối năm nay, cụ thể là… tăng lãi suất trong quý III.

Dù lý do được đưa ra là sức khỏe của nhiều ngân hàng còn yếu, nếu tăng trưởng tín dụng được đẩy lên mức 20% sẽ gặp nhiều rủi ro, thì việc lãi suất chỉ tăng chứ không giảm vẫn là một nghịch lý và là tin không vui đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.

>Năm 2016, lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại?

>Thị trường BĐS: 2 nỗi lo của NĐT ngoại năm 2016

> 7 xu hướng tác động đến bất động sản năm 2016

MINH HUY/DNSGCT