Thị trường Myanmar và cơ hội cho hàng Việt

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 04:10, 26/01/2016

Theo thống kê của Myanmar, tính đến tháng 2/2015, trong top 30 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Myanmar thì Việt Nam đứng thứ 9.
Thị trường Myanmar và cơ hội cho hàng Việt

Ngày 25/1/2016, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức trao đổi thông tin với các doanh nghiệp (DN) về "Thị trường Myanmar và cơ hội cho hàng Việt Nam", đồng thời giới thiệu về Hội chợ - Triển lãm Thương mại - Dịch vụ - Du lịch TP.HCM - Myanmar 2016 (Ho Chi Minh City Expo 2016) tại Yangon từ ngày 1 - 4/4/2016. 

Đọc E-paper

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc hỗ trợ DN tiếp cận đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, từ năm 2011 - 2015, ITPC đã tổ chức giới thiệu hàng hóa Việt Nam và 6 lần khảo sát thị trường, đầu tư, kết nối giao thương, tạo cơ hội cho DN Việt Nam tiếp cận thị trường Myanmar.

Theo ITPC, sau nhiều cuộc khảo sát, một số DN Việt Nam đã tìm được đối tác làm nhà phân phối tại Myanmar với các mặt hàng như đồ dùng nhà bếp (Happy Cook, Kangaroo), đồ nhựa (Đại Đồng Tiến, Phước Thành, Nhựa Sài Gòn, Rạng Đông), đồ chơi trẻ em, hàng may mặc, giày dép (Lan Phương, Quế Hương, Bitas...), thiết bị điện - điện tử (Điện Quang, Cadivi, Cáp Thịnh Phát, Lioa), văn phòng phẩm (Thiên Long), nệm cao su, chăn, ra, gối (Liên Á), thực phẩm (Vissan, Sa Giang, Bích Chi, Dầu thực vật Nam Mỹ), trà, cà phê (Trung Nguyên, Cầu Tre), Bánh kẹo (Long Hải, Bibica), sữa, nước giải khát (Vinamilk, Tân Quang Minh), hóa mỹ phẩm (Mỹ phẩm Sài Gòn, Mỹ phẩm Song Hoa), vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất (Kiến trúc AA, Hòa Phát, Thép TVP, Phú Vinh), sản phẩm phục nông nghiệp (Phân bón Bình Điền, Bảo vệ thực vật Sài Gòn, Vi Dan, Thiên Phước...

Theo thống kê từ phía Myanmar, tính đến tháng 2/2015, trong top 30 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Myanmar thì Việt Nam đứng thứ 9.

Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, năm 2014, DN Việt Nam đăng ký đầu tư sang Myanmar với 16 dự án, trong 6 tháng đầu năm 2015 có 8 dự án.

Cùng với sự tăng trưởng này, đại diện ITPC cho rằng, tới đây, thị trường Myanmar còn dư địa cho hàng Việt Nam thâm nhập với những phân khúc khác nhau, đa dạng về nhu cầu.

Theo đó, các DN cần nắm rõ chính sách thuế, hải quan của Myanmar để kinh doanh thuận lợi. Mặt khác, DN cần chú trọng nghiên cứu văn hóa tiêu dùng của người Myanmar để chọn cách tiếp cận phù hợp.

Chẳng hạn, người dân Myanmar hầu như ăn sáng tại nhà, mang cơm trưa đến nơi làm việc. Ở thành phố Yangon, xe máy bị cấm lưu thông nên người đi làm đi bộ, ô tô riêng hoặc các phương tiện vận chuyển công cộng (taxi, xe buýt).

Người Myanmar ít ra đường vào buổi tối, không thích tụ tập ở hàng quán. Hiện nay các DN Myanmar đã ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào quy trình quản trị và sản xuất, là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam mở rộng thị trường tại quốc gia này.

Để hỗ trợ DN Việt Nam, ITPC sẽ tổ chức chương trình khảo sát thị trường tại thành phố Yangon và thành phố Mandalay từ ngày 31/3 đến 5/4/2016.

Theo đó, lãnh đạo UBND TP.HCM sẽ dẫn đoàn, DN sẽ có cơ hội khảo sát thực địa tại các chợ đầu mối, chợ trung tâm, siêu thị, khu vật liệu xây dựng, văn phòng đại diện Satra, khu thương mại Hoàng Anh Gia Lai.

>Nhiều cơ hội cho hàng Việt tại Thái Lan

>Vào siêu thị Trung Quốc - cơ hội lớn cho hàng Việt

>Hàng Việt bén rễ thị trường Nhật

DUY KHUÊ