Thương nhớ bếp Việt

Du lịch - Ngày đăng : 01:49, 30/01/2016

Hầu hết những căn bếp cổ truyền đã về với dĩ vãng.
Thương nhớ bếp Việt

Khi những cơn mưa lạnh đầu tiên của mùa Đông bắt đầu thì chị nhắn tin về bảo đặt giùm một tour du lịch về miền Trung. Công ty lữ hành gửi "phiên bản tour mẫu", chị giãy nảy, nhờ tôi lên giúp một chuyến đi kiểu nghiệp dư, nghĩa là nhờ kinh nghiệm thổ địa. Lắng nghe tâm nguyện của chị, mới hay cái lạnh đã làm chị nghe như Tết về, và bỗng nhớ quay quắt cái bếp lửa Việt, với những món ngon. Và thế là một "tour ăn vặt" ra đời.

Đọc E-paper

Với kinh nghiệm của một đầu bếp giỏi đã từng thành đạt xứ người nhờ đưa hương vị Việt Nam vào bếp Tây, bếp ta, nên ăn vặt tới đâu chị hiểu ngay cách chế biến đến đó. Nhưng tham gia tour mới thấy sự cẩn trọng của một người nghiêm túc trong sự ăn uống này.

Đến làng rau Trà Quế, chị cẩn thận xem xét kỹ loại rong biển được sử dụng làm phân bón rau. Bởi chị hiểu muốn có món ngon phải có chính thứ rau đó. Và muốn có thứ rau đó, phải tìm đúng loại rong biển có thể làm phân bón.

Qua làng Phú Chiêm, hướng dẫn viên đã kỳ công tìm một cụ bà trên 70 tuổi dạy chị cách tráng mì, loại mì đã tạo nên món mì Quảng Phú Chiêm trứ danh làm mấy cái lưỡi bảo thủ Quảng Nam đi tới đâu cũng chỉ thích hai chữ "Phú Chiêm" kỳ lạ ấy. Chị muốn món mì Quảng chị cống hiến cho người thân và khách hàng bên phương trời xa ấy phải đúng cung cách tráng mì cổ truyền, cái dư vị đã chinh phục hàng chục thế hệ không thể phôi pha.

Chị mua cả dụng cụ cổ truyền, chỉ còn thiếu việc cõng cả nước và gạo Quảng Nam ra nước ngoài là không thể thực hiện.

Đó là quan điểm riêng của một người đầu bếp có phẩm chất và trung thành với hương vị Việt, tin rằng bếp Việt nếu giữ được nguyên liệu cha ông truyền nối thì sẽ chinh phục được sự thương nhớ quê hương của người xa xứ và khách nước ngoài. Chính vì vậy, khi làm món cho khách hàng, chị hay chụp ảnh gửi cho khách xem những dụng cụ, hoặc gia vị nấu món, như thêm giá trị văn hóa cho ẩm thực.

Chị làm tôi kinh ngạc khi bày tỏ tận tình với tinh thần bếp Việt đến vậy!

Một người bạn khác, vì công việc phải để mẹ già ở quê, bản thân bôn ba đến nhiều thành phố khác làm ăn, thành đạt, nhưng không thể thuyết phục được mẹ già rời quê ra phố. Mỗi lần về thăm, anh ở hoài trong căn bếp ám khói được đun nấu bằng thứ củi vụn mẹ tha thẩn cóp nhặt ngoài vườn.

"Mẹ ăn uống không bao nhiêu, củi vụn quanh vườn cũng đủ”. Bà mẹ nói vậy khi con trai cằn nhằn tại sao mẹ không dùng bếp gas, bếp điện từ con sắm. Và rồi người con trai thành đạt ấy cũng cởi bỏ đồ vest với cà vạt, ưng ngồi ăn trong căn bếp ấm thơm mùi củi dương liễu, thứ mùi anh hít no phổi trong những ngày thơ ấu đói kém chờ cơm chiều. Nó thấm vào máu, đâm nghiện, và nó nghiễm nhiên thành mùi quê hương. Thèm lắm và thơm lắm trong tâm hồn!

Nó là món hoa chuối non xắt mỏng, là mớ cải mới mọc mầm chục ngày, là rau quế trắng không thể thiếu khi kho nồi cá biển với nghệ tươi. Với anh, quê hương nhiều khi nằm trong mùi căn bếp xưa.

Hôm rồi, tôi về quê. Hầu hết những căn bếp cổ truyền đã về với dĩ vãng. Ai nấu nướng ít thì mua bếp dầu, đa số đều sắm bếp gas. Những bữa giỗ nấu nướng nhanh hơn, sạch sẽ, khỏi cất công chùi nồi, nhưng cái sự sung sướng tiện lợi nó cũng làm cho mọi thứ nhạt nhẽo hơn trong câu chuyện.

Thế nên tôi không mấy ngạc nhiên khi vào Bảo tàng Đồng Đình trên bán đảo Sơn Trà, thấy chủ nhân bảo tồn nguyên một căn bếp cũ, với cách bài trí y kiểu bếp nông thôn .

Chụp vài bức ảnh gửi khoe một cô bạn đang làm việc tại bảo tàng dân tộc học tại Bỉ, không ngờ cô bạn hào hứng quá, nhờ tôi lấy máy ảnh ra chụp kỹ lưỡng từng chi tiết căn bếp để cô nghiên cứu, có khả năng giới thiệu như một mảng văn hóa trong công việc của cô ấy. Tôi nghe vậy vui thích lắm, đã tặng cô gần 50 bức ảnh, gói ghém trong đó không ít yêu thương của chính mình với căn bếp Việt.

>Thèm cái khổ cực

>Tản mạn cà phê Việt

>Về lại chốn quê

HỒNG BÍCH