Tháng 1/2016, sản lượng gạo xuất khẩu tăng 46%
Trong nước - Ngày đăng : 06:35, 01/02/2016
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2016 ước đạt 495 nghìn tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Sự gia tăng này chủ yếu là do các doanh nghiệp vẫn còn “nợ” đơn hàng cung ứng cho Philippines và Indonesia theo hợp đồng ký kết liên Chính phủ từ quý IV/2015.
Trong quý I/2016, tính cả hợp đồng thương mại, các doanh nghiệp phải giao hàng lên đến 1,2 triệu tấn gạo các loại. Điều này đã cải thiện giá lúa gạo trong nước cao hơn trong những tháng gần đây.
Xuất khẩu gạo năm 2015 đạt 6,59 triệu tấn với 2,8 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng nhưng giảm 4,5% về giá trị so với năm 2014.
Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2015 đạt 425,6 USD/tấn, giảm 8,2% so với năm 2014.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 với 30,65% thị phần. Năm 2015 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng 4,8% về khối lượng nhưng giảm 3,6% về giá trị so với năm 2014.
Trong thời gian gần đây, giá lúa gạo trong nước luôn luôn cao hơn gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Trong khi đó, tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới còn khá thấp.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, việc giá lúa trong nước cao cũng là vấn đề đáng lo ngại của doanh nghiệp khi muốn ký hợp đồng thương mại mới. Bởi hiện nay lượng tồn kho gạo của cả nước còn ít, sản lượng thu hoạch lại không nhiều, doanh nghiệp muốn mua cung ứng phải chịu giá cao.
Điều này khiến các doanh nghiệp e ngại trong việc ký các hợp đồng thương mại. Nếu tình hình này kéo dài thì các hợp đồng thương mại sẽ khó ký được. Vấn đề này có thể sẽ được cải thiện khi vào chính vụ thu hoạch Đông Xuân.
So với năm 2014, các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là thị trường Indonesia tăng gấp 2,05 lần về khối lượng và tăng 77,1% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 9,5% thị phần; thị trường Gana tăng 13,6% về khối lượng và tăng 5,2% về giá trị; thị trường Bờ Biển Ngà tăng 19,6% về khối lượng và tăng 10,4% về giá trị; các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 26,4% về khối lượng và tăng 14,2% về giá trị.
Các thị trường có sự giảm đột biến là Phillipines (giảm 14,1 về khối lượng và giảm 21,9% về giá trị), Singapore (giảm 32,6% về khối lượng và giảm 31,9% về giá trị), Hong Kong (giảm 26,9% về khối lượng và giảm 35,2% về giá trị) và Mỹ (giảm 26,3% về khối lượng và giảm 21,7% về giá trị).
>Thị trường lúa gạo: Doanh nghiệp sợ lỗ, nông dân lo ế
>Thị trường gạo hạ nhiệt: Cơ hội để hoạch định chiến lược phát triển bền vững
> Thị trường xuất khẩu gạo: Những bất ngờ thú vị