Vẻ đẹp tinh thần của thành phố cổ Bukhara

Du lịch - Ngày đăng : 09:24, 09/02/2016

Nằm giữa hai sa mạc trải dài từ Trung Quốc đến Ấn Độ, Bukhara xưa kia là điểm dừng chân của thương nhân trên con đường tơ lụa.
Vẻ đẹp tinh thần của thành phố cổ Bukhara

Nằm giữa hai sa mạc trải dài từ Trung Quốc đến Ấn Độ, Bukhara xưa kia là điểm dừng chân của thương nhân trên con đường tơ lụa. Bukhara ngày nay là hiện thân của một thành phố Trung cổ điển hình ở Trung Á với nhiều công trình có xây dựng từ những năm đầu của thiên niên kỷ thứ nhất đến những năm phồn vinh nhất vào thế kỷ thứ X, rồi những năm sau đó vào thế kỷ XVII - XVIII. 

Đọc E-paper

Bukhara những ngày cuối tháng 7 thời tiết dịu hơn một số nơi khác nhưng nắng vẫn còn khá gắt. Người dân theo đạo Hồi vừa trải qua tháng Ramadan truyền thống nên quán ăn đã hoạt động bình thường trở lại.

Bukhara được các nhà khoa học xác định có niên đại khoảng hơn 2.500 năm qua các di chỉ khảo cổ, điển hình là các khu lăng mộ, tháp gạch, nhà thờ Hồi giáo, quần thể cung điện, chợ. Tôi từng nghe đâu đó câu nói "Samarkand là vẻ đẹp của thiên đường, Bukhara là vẻ đẹp của tinh thần".

Không gian ở Bukhara được tái hiện như một thành phố nhộn nhịp bày bán rất nhiều mặt hàng lưu niệm truyền thống. Tôi có thể cảm nhận được bầu không khí và màu sắc của thành phố Bukhara xưa kia đã thu hút những đoàn người dừng chân mua bán, trao đổi hay nghỉ ngơi, để tiếp tục hành trình về phương Nam.

Lịch sử của Bukhara và Trung Á đều có liên quan đến những cuộc xâm lược của đế chế Mông Cổ từ thế kỷ XIII. Tôi đã đọc nhiều tài liệu trước khi lên đường tìm hiểu những thành phố thịnh vượng thời ấy như Yazd, Bam, Merv, Samarkand, hay Bukhara men theo Con đường tơ lụa.

Theo đó, Khwarezmia là đế quốc rộng lớn nằm ở khu vực Trung Á và Trung Đông ngày nay, bao gồm phần lớn các nước Uzbekistan, Turkmenistan, Iran, một phần Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Pakistan và phía Tây Afghanistan. Triều đại này do những chiến binh Mamluk người Turk ở Ba Tư thành lập vào năm 1190 và nhanh chóng bị đế quốc Mông Cổ thôn tính 30 năm sau đó.

Đây cũng là cuộc xâm lược mở đầu cho cuộc chinh phục hàng loạt quốc gia Hồi giáo của đoàn kỵ binh Thành Cát Tư Hãn và lan rộng ra phần lớn lục địa Á, Âu thời bấy giờ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cuộc xâm chiếm Trung Á đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử làm hình thành nên một đế chế Mông Cổ hùng mạnh, luôn bành trướng.

Nguyên nhân khởi đầu từ việc một đoàn sứ giả người Mông Cổ bị đế quốc Khwarezmia giết hại ở Otrar, một thành phố nằm trên con đường tơ lụa, ở miền Nam Kazakhstan ngày nay. Thành Cát Tư Hãn xem đây là một điều sỉ nhục đối với đất nước sống du mục trên lưng ngựa và ngủ trong lều tròn.

Vào ban đêm, những ngọn đuốc trên đỉnh tháp Kalyan được thắp sáng dẫn đường cho những đoàn thương nhân trên con đường tơ lụa đi vào thành phố Bukhara

Ông bắt đầu phát động cuộc tấn công Khwarezmia mặc dù trước đó từng có thiện chí sống hòa bình với quốc gia láng giềng. Thành Cát Tư Hãn đã dùng máy bắn đá, được xem là vũ khí tối tân thời bấy giờ, chứ không chỉ dùng gươm, đao. Khi đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, đội quân Mông Cổ vượt dãy Thiên Sơn bắt đầu chinh phạt những thành phố quan trọng của Khwarezmia khi đó do Shah Ala ad-Din Muhammad cai trị.

Thành Cát Tư Hãn đã khôn ngoan chọn thành phố sầm uất Bukhara để bắt đầu cuộc xâm chiếm tàn bạo nhất trong lịch sử. Ông cùng đoàn chiến binh thiện nghệ đi về phía Tây, vượt qua rất nhiều dãy núi tuyết cao sừng sững, vòng qua thủ đô Samarkand, băng qua sa mạc Kyzyl Kum rộng lớn để tiến đến thành trì Bukhara.

Đội kỵ binh hơn 50.000 người của Hãn Quốc đến Bukhara mà không hề bị phát hiện. Các sử gia cho rằng đây là một trong những cuộc đột nhập bí hiểm và thành công nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Là một thành phố thương mại với những công trình kiến trúc bề thế về văn hóa, tôn giáo nhưng Bukhara lại không có hệ thống phòng thủ kiên cố.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn bị vây hãm, Bukhara không còn khả năng chống cự. Bukhara thất thủ và điêu tàn như sau khi có một cơn lốc mạnh thổi qua, cuốn theo mọi thứ trên đường đi của nó. Cũng chính qua cuộc chiến ở Bukhara, Thành Cát Tư Hãn được người đời xem là một bạo chúa tàn ác trong lịch sử nhân loại.

Giờ đây, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Bukhara trước mặt tôi là một thành phố nhộn nhịp và không kém phần thi vị bởi cùng với Samarkand, Khiva và Shakhrisyabz đã trở thành 4 di sản nổi tiếng, thu hút nhiều du khách nước ngoài khi viếng thăm đất nước Uzbekistan.

Hình ảnh bức tượng thương nhân người Hoa cao lớn cưỡi lừa bằng đồng đang tiến về Bukhara gợi cho tôi về một thành phố thương mại thịnh vượng cách đây hơn một thiên niên kỷ. Ở trung tâm quảng trường có một hồ nước rộng in bóng hàng liễu rủ khẽ đong đưa theo những cơn gió nhẹ.

Một nhà hàng lớn được bài trí theo phong cách những quán rượu cổ với những sạp gỗ được lót thảm hoa văn sặc sỡ, những tấm màn the đủ để thực khách chìm đắm vào những nhan sắc hầu rượu bên trong, cùng tượng của đoàn lạc đà đang nghỉ ngơi dưới những rặng liễu sau một hành trình dài. Tiếng đàn réo rắt, tiếng trống thúc giục rộn rã của những tổ khúc dân ca truyền thống của người Uzbekistan khiến không gian xưa của Bukhara như được tái hiện.

Dừng chân trước một ngọn tháp cao, tôi nghe được thêm những câu chuyện về Bukhara từ cô hướng dẫn viên địa phương đang thuyết minh cho một đoàn du khách nước ngoài. Cô giới thiệu đây là ngọn tháp Kalyan, một công trình mang tính biểu tượng của Bukhara, được xây dựng cách đây khoảng 2.300 năm, và là công trình cao nhất khu vực Trung Á thời bấy giờ.

Cuộc sống yên bình trong phố cổ Bukhara

Nó cũng là một "ngọn hải đăng" vì vào ban đêm, những ngọn đuốc trên đỉnh tháp được thắp sáng để dẫn đường cho những đoàn thương nhân đi vào thành phố Bukhara. Cũng chính tại nơi đây, Thành Cát Tư Hãn sau khi chinh phạt Bukhara đã tuyên bố ông được Thượng đế phái xuống thay người hành đạo để trừng phạt những kẻ gây ra tội ác trước đó.

Đi sâu vào khu phố cổ là những quầy chạp phô bày bán thuốc lá, gia vị, trái cây khô, nho, mận, dưa, lựu. Đặc biệt, lựu ở Bukhara là đặc sản nổi tiếng khắp vùng Trung Á bởi hạt to, mọng nước, màu đỏ thẫm, ngọt thanh và thơm lừng. Người Bukhara cho rằng lựu Trung Quốc ngày nay có xuất xứ từ vùng đất này.

Ngoài các loại trái cây và rau quả, hấp dẫn nhất ở Bukhara là các gian hàng thủ công mỹ nghệ màu sắc rực rỡ, đầy sức cuốn hút. Có thể nói Bukhara chính là vương quốc của hàng lưu niệm ở Trung Á. Những tấm thảm đủ kích cỡ được dệt bằng sợi bông có từ những cánh đồng bông bạt ngàn ở Uzbekistan.

Nếu như trên thảm Ba Tư thường là hình ảnh mô tả những điển tích, truyền thuyết của xứ sở Ngàn lẻ một đêm, thì ở Uzbekistan, những tấm thảm lại được trang trí bằng những họa tiết, hoa văn tinh tế đặc trưng của vùng Trung Á. Đồ trang sức và lụa cũng là những mặt hàng rất nổi tiếng ở đây.

Tôi thấy nhiều công ty sản xuất lụa và đồ trang sức đặt những cửa hàng trưng bày sản phẩm rất bắt mắt trong khu phố cổ. Vì là vùng sa mạc hẻo lánh nên có rất nhiều sản phẩm màu đỏ và màu vàng tượng trưng cho Mặt trời và những đụn cát mênh mông được bày bán và cũng rất được khách hàng ưa chuộng.

Những nhân vật thần linh, thần may mắn, những vật nuôi phổ biến làm bằng gốm được trưng bày khắp khu phố Bukhara với giá rất rẻ. Sau này, khi đến những thành phố khác ở Uzbekistan hay các quốc gia khác, tôi mới thấy tiếc vì đã không mua nhiều hơn những sản phẩm lưu niệm ở đây.

Không thể chỉ trong một buổi chiều có thể tham quan hàng trăm di tích lớn nhỏ ở Bukhara, dù tôi đã lang thang tới tận khi Mặt trời đã lặn sâu dưới chân tháp Kalyan. Không gian của Bukhara đã mang đến cho tôi nhiều sự tưởng tượng về một vùng đất thiên đường, nơi tâm hồn tôi sẽ được thả trôi theo từng góc phố, từng mái vòm vòng cung pha ánh đèn vàng rực rỡ, từng điệu nhạc réo rắt trong đêm, từng dáng người thong thả bước đi.

Tôi tìm một góc khuất bên cạnh một thánh đường Hồi giáo để quan sát và cảm nhận về con người Bukhara. Họ thong dong, nhàn nhã, thoảng chút u sầu, chút thiền định và chút lặng lẽ giữa một Bukhara ngập tràn những hoài niệm về quá khứ.

>Đi qua vùng đất thiêng của người Chăm

>Lucca, thành cổ nước Ý

NGUYỄN HOÀNG BẢO