FTA tác động thế nào tới nguồn thu NSNN?

Trong nước - Ngày đăng : 06:16, 10/02/2016

Những mối lo ngại về hụt thu NSNN do cắt giảm thuế quan đã xuất hiện từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, song tác động thực tế không lớn và phần nhiều đều đã được dự báo chính xác...
FTA tác động thế nào tới nguồn thu NSNN?

Mức độ mở cửa hội nhập quốc tế của nước ta đã, đang và sẽ rất lớn, tạo ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế, song cũng dấy lên những lo ngại về tác động của cắt giảm thuế quan theo các cam kết FTA tới nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khi thu từ xuất nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 20% tổng thu hằng năm.  

Đọc E-paper

Tính đến giữa năm 2015, Việt Nam đã ký 11 hiệp định thương mại tự do (FTA), cả song phương và đa phương, đồng thời đang đàm phán ký kết thêm 5 FTA trong thời gian tới, chưa kể một FTA giữa ASEAN - Canada đang xem xét.

Về bản chất, FTA là các cam kết nhằm đảm bảo tự do luân chuyển hàng hóa, dịch vụ và vốn giữa các bên tham gia thông qua cắt giảm và tiến tới xóa bỏ các hàng rào ngăn cản sự luân chuyển tự do này, trong đó quan trọng nhất là cam kết xoá bỏ hàng rào thuế quan theo lộ trình nhất định.

Thoạt đầu, 6 FTA mà Việt Nam tham gia đều với tư cách thành viên ASEAN ký kết với các đối tác thương mại lớn như Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Sau đó, Việt Nam đã chủ động ký kết các FTA với Nhật Bản, Chile, Lào và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Nếu các FTA như RCEP (ASEAN+6), ASEAN - Hồng Kông, Việt Nam - EFTA và đặc biệt là TPP và FTA Việt Nam - EU được ký kết thì Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa rộng nhất và hội nhập sâu nhất trên thế giới với những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất.

Thống kê năm 2014 cho thấy, trong số những thị trường nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam, đứng đầu là Mỹ với kim ngạch 28,5 tỷ USD, thứ hai là EU với 27,9 tỷ USD, thứ ba là ASEAN đạt 19 tỷ USD, thứ tư là Trung Quốc đạt 14,8 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ 5 với 14,7 tỷ USD và Hàn Quốc đứng thứ 6 với 7,8 tỷ USD.

Đồng thời, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc (43,7 tỷ USD), ASEAN (23,1 tỷ USD), Hàn Quốc (21,7 tỷ USD), Nhật Bản (12,7 tỷ USD) và EU (8,9 tỷ USD).

Bên cạnh đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan là những nhà đầu tư FDI lớn nhất vào nước ta với tổng vốn đăng ký lên đến trên dưới 30 tỷ USD và riêng năm 2014, vốn đầu tư của khu vực FDI đạt 265,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Rõ ràng, mức độ mở cửa hội nhập quốc tế của nước ta đã, đang và sẽ rất lớn, tạo ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế song cũng dấy lên những lo ngại về tác động của cắt giảm thuế quan theo các cam kết FTA tới nguồn thu NSNN khi thu từ xuất nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 20% tổng thu hằng năm.

Những mối lo ngại về hụt thu NSNN do cắt giảm thuế quan đã xuất hiện từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, song tác động thực tế không lớn và phần nhiều đều đã được dự báo chính xác đi đôi với những biện pháp xử lý phù hợp và hiệu quả.

Rõ ràng thu NSNN sẽ chịu tác động trực tiếp từ cắt giảm mạnh khoảng 90% số dòng thuế nhập khẩu theo các cam kết FTA song tổng thu NSNN năm sau vẫn cao hơn năm trước và đều vượt dự toán, kể cả số thu từ xuất nhập khẩu, do ba nguyên nhân chủ yếu.

Thứ nhất, thuế suất thuế xuất - nhập khẩu giảm đã tạo điều kiện kích thích xuất nhập khẩu hằng năm tăng cao, góp phần tạo thêm nguồn thu NSNN bù đắp cho phần giảm thu do cắt giảm thuế quan khi quy mô thương mại tăng và quy mô các khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế môi trường từ hàng nhập khẩu cũng tăng theo.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 lên mức 150 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với năm 2010 và gấp gần 5 lần so với năm 2005; tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2014 là 148 tỷ USD, tăng gần 75% so với năm 2010 và gấp 4 lần so với năm 2005.

Theo đó, thu cân đối từ xuất nhập khẩu năm 2014 được 160.800 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với năm 2010 và gấp hơn 4,2 lần so với năm 2005.

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 của Quốc hội:
- Tổng số thu cân đối NSNN là 1.014.500 tỷ đồng. Nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu NSNN là 1.019.200 tỷ đồng.
- Tổng số chi cân đối NSNN là 1.273.200 tỷ đồng.
- Mức bội chi ngân sách năm 2016 dự kiến là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP.

Đáng chú ý là đến năm 2014, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu đưa vào cân đối được 77.400 tỷ đồng còn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường hàng nhập khẩu được 83.400 tỷ đồng (chiếm 51,9% tổng thu cân đối từ xuất nhập khẩu) trong khi các con số tương ứng năm 2010 lần lượt là 56.283 tỷ đồng và 74.068 tỷ đồng (chiếm 56,8% tổng thu cân đối từ xuất nhập khẩu).

Thứ hai, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thường xuyên ở mức 150-160% GDP nên khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết FTA đã tác động tích cực tới sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước, kể cả DN xuất nhập khẩu cũng như DN thuần túy hoạt động trên thị trường trong nước.

Do đó, những khoản thu tăng thêm từ thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng... nhờ cải thiện kết quả sản xuất, kinh doanh trong nước, bù đắp và thậm chí vượt phần hụt thu do thực hiện cam kết FTA.

Năm 2014, thu thuế thu nhập DN được 220.423 tỷ đồng (chiếm 26% tổng thu NSNN) còn thu thuế giá trị gia tăng hàng sản xuất trong nước xấp xỉ 166 ngàn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 19,6% tổng thu NSNN) trong khi các con số tương ứng năm 2010 lần lượt là 148.655 tỷ đồng (25,3%) và 98.739 tỷ đồng (16,8%).

Thứ ba, sức ép từ giảm thu thuế nhập khẩu theo lộ trình thực hiện các cam kết FTA thúc đẩy cơ quan quản lý thu NSNN cơ cấu lại theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn thu từ xuất khẩu và nhập khẩu, kể cả xuất khẩu dầu thô và khoáng sản thô để chuyển sang khai thác tốt hơn các nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh trong nước, vừa bền vững hơn, chủ động hơn và cũng thực chất hơn.

Thực tế, tỷ trọng thu cân đối từ xuất nhập khẩu trong tổng thu NSNN đã tăng từ 16,7% năm 2005 lên 22,1% năm 2010 và giảm xuống còn 19% năm 2014.

Như vậy có thể thấy là các cam kết FTA tuy tác động trực tiếp làm giảm nguồn thu NSNN song đã và đang được hóa giải bởi tác động gián tiếp giúp tăng thu NSNN đồng thời chuyển dịch cơ cấu thu NSNN.

Tuy nhiên, quá trình khả quan này chỉ được phát huy và duy trì chỉ khi khu vực kinh tế trong nước - cơ sở thu quan trọng nhất của NSNN - tận dụng được những lợi thế và cơ hội từ thực hiện các cam kết FTA để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, hoạt động hiệu quả ngay trên "sân nhà” lẫn khu vực và thế giới trong bối cảnh hàng rào bảo hộ bằng thuế quan không còn nữa.

Theo đó, một chính sách thu NSNN nhằm nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

>Hà Nội: Tổng thu ngân sách năm 2015 đạt trên 146.000 tỷ đồng

>Arab Saudi tư nhân hóa sân bay nhằm tăng nguồn thu ngân sách

>Nhẹ thu ngân sách, nặng gánh tăng trưởng

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH