Chủ tịch Quỹ SAM muốn "kề vai" với doanh nghiệp Việt
Chân dung - Ngày đăng : 06:53, 15/02/2016
Trước khi thành lập Công ty quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) năm 2008, ông Louis Nguyễn (Nguyễn Thế Lữ) từng có thời gian làm việc cho hai quỹ đầu tư nước ngoài khác tại Việt Nam là IDG Ventures Vietnam và VinaCapital vào thời điểm Việt Nam bắt đầu hình thành thị trường chứng khoán tập trung (năm 2004).
Đọc E-paper
Tháng 11/2015, SAM phát đi thông cáo báo chí ngắn gọn rằng, Công ty đã ký kết thỏa thuận với một doanh nghiệp ở Mỹ, theo đó, SAM sẽ mua toàn bộ cổ phần của Công ty Heritage Beverage qua giao dịch tiền mặt. Với giao dịch này, SAM sẽ mở rộng vị thế trong việc kinh doanh nhãn hiệu bia số 1 Việt Nam - Bia Sài Gòn tại thị trường Bắc Mỹ, bởi Heritage Beverage có lịch sử 22 năm kinh nghiệm trong việc phân phối bia tại Mỹ và Canada.
Tuy vậy, mong muốn của SAM là trong tương lai, thông qua Heritage Beverage, họ có thể giới thiệu danh mục sản phẩm thực phẩm và đồ uống "thuần Việt" một cách lâu dài, với chi phí thấp hơn tại hai quốc gia thành viên tham gia đàm phán TPP. Louis cũng tiết lộ, SAM đã là đối tác của công ty sản xuất và sở hữu thương hiệu nước mắm Red Boat.
Cũng như chủ thương hiệu nước mắm Red Boat Cường Phạm, ông Louis từng là "công dân của Thung lũng Silicon", và cũng từng là người của Apple nhưng nhà điều hành quỹ SAM lại làm quản lý tài chính. Rời môi trường công nghệ, trong khi ông chủ Red Boat rẽ sang sản xuất và kinh doanh "hương vị quê hương" thì ông Louis lại có hứng thú với công việc huy động vốn, thành lập và quản lý quỹ đầu tư.
Chủ tịch của SAM chưa từng nghĩ sẽ quay về Việt Nam làm việc vì lối sống "rất Tây", nhưng ngay ngày Quốc tế phụ nữ năm 2005, ông đưa ra quyết định quan trọng khiến gia đình và bạn bè ở Mỹ ngạc nhiên, đó là dọn về Việt Nam ở hẳn (làm việc cho VinaCapital) sau hai năm đi lại trong vai trò đại diện cho quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures tại Việt Nam.
Gần 18 năm theo đuổi các thương vụ đầu tư vào những lĩnh vực khá nặng như bất động sản, tài chính, năng lượng,... ông Louis chia sẻ đang quan tâm đến những công ty tư nhân trong nước, thuộc các lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người tiêu dùng nội địa và nuôi dưỡng khát vọng xa hơn là đưa sản phẩm "xuất ngoại".
Ông nhìn nhận: "Việt Nam mình đâu thiếu những thương hiệu lâu đời như các nước nhưng vấn đề là doanh nghiệp chúng ta chưa chú trọng và đầu tư đúng mức để giới thiệu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Nếu mỗi con người đều có tổ tiên, quê hương làm gốc gác thì lịch sử của một thương hiệu là giá trị trường tồn để những người làm nên nó có quyền tự hào, cũng như giữ được sự tin yêu, tín nhiệm của người tiêu dùng".
Dĩ nhiên, trong các quyết định giải ngân vốn, đặc biệt với các quỹ đầu tư tài chính, lợi nhuận là yếu tố quan trọng, nhưng ông Louis bày tỏ mong muốn được "kề vai" với các doanh nghiệp nội địa "phục tráng" những thương hiệu lâu đời của Việt Nam, hoặc đầu tư, mở rộng kênh phân phối, thay đổi cách tiếp cận nhằm đưa sản phẩm Việt tiến sâu hơn vào thị trường ngoại, mà trước hết là những quốc gia thành viên tham gia đàm phán TPP.
Những ngày cuối năm 2015, ông hẹn chúng tôi dùng bữa ở một nhà hàng đậm chất Quảng ngay trung tâm Thành phố. Ông hỏi chúng tôi rằng các bạn có biết quán ăn Nam Bộ hay quán chuyên về món Bắc nào ngon nhất Sài thành không? Bởi trước hết, ông muốn đưa mẹ của mình đến thưởng thức những món ăn dân dã quê hương khi bà về Việt Nam đón Tết cùng con trai và biết đâu, nếu hợp "khẩu vị”, nhà điều hành của SAM sẽ lại có một quyết định đầu tư mới vào các chuỗi nhà hàng chuyên ẩm thực Việt!
>Cường Phạm và giấc mơ đưa nước mắm Việt ra thế giới