Vận tải biển thế giới: "Đắm tàu" vì Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 00:01, 24/02/2016

Những đội tàu vận chuyển hàng hóa đang bị tổn thương nặng nề trong bối cảnh nền kinh tế tiêu thụ hàng hóa cơ bản lớn nhất thế giới Trung Quốc đã và đang giảm tốc đáng lo ngại.
Vận tải biển thế giới:

Những đội tàu vận chuyển hàng hóa đang bị tổn thương nặng nề trong bối cảnh nền kinh tế tiêu thụ hàng hóa cơ bản lớn nhất thế giới Trung Quốc đã và đang giảm tốc đáng lo ngại.

Đọc E-paper

Các hãng đóng tàu, hãng tàu và khai thác cảng từng hối hả mở rộng vì sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc và sự bùng nổ nguồn lực toàn cầu. Còn bây giờ họ lại trở thành những nạn nhân lớn nhất của suy thoái kinh tế Trung Quốc và sự suy giảm thương mại trên toàn thế giới trong bối cảnh sụt giảm giá dầu. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 1,8% trong năm 2015, trong khi nhập khẩu giảm 13,2%. Baltic Dry Index, chỉ số đo lường chi phí vận chuyển than, quặng sắt, ngũ cốc, và các mặt hàng khác, đã giảm 76% kể từ tháng 8 và hiện đang ở mức thấp kỷ lục.

Theo Bloomberg, tỷ lệ vận chuyển cho các tuyến châu Á cũng đang giảm ngay tại những cảng biển lớn. Chẳng hạn, tại Singapore, cảng biển lớn thứ hai trên thế giới, doanh thu đã giảm 8,7% trong năm 2015 và đây là lần giảm lần đầu tiên trong 6 năm qua. Khối lượng hàng hóa chuyên chở tại cảng Hồng Kông, lớn thứ tư thế giới, giảm 9,5% trong năm ngoái. Ngoài châu Á, cảng Rotterdam tại Hà Lan cũng ghi nhận những dấu hiệu suy giảm trong năm qua.

Theo Công ty Tư vấn Clarksons, trên toàn cầu, đơn đặt hàng cho các tàu mới đã giảm 40% trong năm 2015, tương đương 69 tỷ USD. Tỷ lệ phá dỡ tàu không mong muốn tăng 15%. Vài năm trước, khi nền kinh tế toàn cầu được cải thiện và giá dầu tăng, nhiều công ty đã đặt đóng nhiều tàu tiết kiệm nhiên liệu.

Có hơn 1.200 đơn đặt hàng đóng tàu vận chuyển quặng sắt, than đá và ngũ cốc trong năm 2013, so với chỉ 250 đơn năm 2015. Thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc, nơi được mệnh danh là xưởng đóng tàu hàng đầu thế giới. Đơn hàng mới cho các công ty đóng tàu của Trung Quốc đã giảm gần một nửa vào năm ngoái.

Trong tháng 12/2015, Zhoushan Wuzhou đã trở thành công ty đóng tàu nhà nước đầu tiên bị phá sản trong một thập kỷ. Hai hãng tàu biển lớn nhất của Trung Quốc, China Shipping Group (CSG) và Cosco đã thua lỗ nhiều năm nay. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã hỗ trợ cho các hãng tàu này trong tham vọng xây dựng một đội tàu biển quốc gia mang tầm thế giới.

Đồng nhân dân tệ đã giảm 6% từ tháng 8 năm ngoái trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, Hutchison Port Holdings Trust, một công ty của tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành, đang điều hành một số cảng container hàng đầu của Trung Quốc, vẫn chưa thấy một sự gia tăng trong kinh doanh.

Theo Ivor Chow, Giám đốc tài chính của Hutchison, sự mất giá của đồng nhân dân tệ dẫn đến sự suy giảm trong hoạt động cảng biển khi khách hàng có tâm lý chờ đợi đồng tiền này sẽ giảm thấp hơn. Suy thoái đang làm tổn hại nhiều cảng của Trung Quốc. Doanh số của Cảng Quốc tế Thượng Hải đạt 7,5 tỷ nhân dân tệ (1,1 tỷ USD) trong quý III/2015, giảm từ 7,6 tỷ nhân dân tệ một năm trước, và lợi nhuận ròng là 1,4 tỷ nhân dân tệ, giảm 18%.

Chỉ số vận tải container Shanghai Shipping Exchange đã giảm 27% kể từ đầu năm 2015. Trong khi số container tại cảng Thượng Hải đã tăng 3,7% trong năm ngoái, nhưng giảm 4,8% so với năm trước đó, và phần lớn là do giành được thị phần của cảng Hồng Kông.

Giá dầu giảm gây thiệt hại cho Singapore, nơi có hai công ty sản xuất giàn khoan dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới là Keppel và Sembcorp Industries. Đơn đặt hàng của hai công ty này giảm trong năm 2015 xuống mức yếu nhất trong 6 năm qua. Temasek Holdings, có cổ phần lớn trong cả Keppel và Semcorp, đang thảo luận về việc bán tài sản không cốt lõi hoặc phát hành cổ phiếu mới.

Chính phủ Hàn Quốc vào tháng 12/2016 đã công bố kế hoạch thành lập một quỹ 1,2 tỷ USD để giúp các công ty tàu biển trong nước. Chính phủ sẽ ép các nhà máy đóng tàu giảm bớt quy mô và tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.Hyundai Heavy Industries, công ty đóng tàu lớn nhất thế giới, đã thua lỗ quý thứ 9 liên tiếp, sau khoản thua lỗ 1,4 tỷ USD vào năm 2014.

Suy giảm vận tải biển cũng đang gây ra xung đột thương mại.Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc tung ra một gói cứu trợ 4,2 nghìn tỷ won cho hãng Daewoo. Về gói tài trợ này, Nhật Bản đang dọa kiện Hàn Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới vì hành vi trợ giá.

Mặc dù tình cảnh của thị trường vận tải biển không mấy lạc quan nhưng cũng có một số điểm sáng đáng chú ý. Trong đó, nhu cầu đối với các tàu chở dầu khổng lồ đang tăng lên khi giá dầu được dự báo sẽ hồi phục trong tương lai gần, khuyến khích các nhà buôn thuê những tàu dầu như những kho dự trữ trên biển nhằm chủ động nguồn cung. Vì vậy, đơn đặt hàng cho tàu chở dầu mới tăng 14% trong năm ngoái.

>Vận tải biển: Thiếu tàu lớn khó ra "biển lớn"

>Gay go giật lại miếng bánh vận tải biển

THỤY KHA