Thị trường điện ảnh Việt Nam: Bùng nổ

Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 08:37, 03/03/2016

Vượt mốc 100 triệu USD, thị trường điện ảnh Việt Nam đang nổi bật trong số các quốc gia mới nổi. Sự phát triển về doanh thu tạo cơ hội cho các nhà làm phim Việt có tiếng nói hơn so với trước đây...
Thị trường điện ảnh Việt Nam: Bùng nổ

Vượt mốc 100 triệu USD, thị trường điện ảnh Việt Nam đang nổi bật trong số các quốc gia mới nổi. Sự phát triển về doanh thu tạo cơ hội cho các nhà làm phim Việt có tiếng nói hơn so với trước đây. Bên cạnh việc chuyên nghiệp hơn trong khâu nhập khẩu, phát hành, giấc mơ xuất khẩu phim việt cũng từ đó được nhen nhóm. 

Đọc E-paper

Trong 4 - 5 năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đã có những chuyển động mới. Với sự ra đời của các rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất hiện nhiều bộ phim (nhập khẩu và sản xuất trong nước) hấp dẫn và các công ty trong nước trong việc phát hành và marketing phim, điện ảnh Việt Nam đã từng bước phát triển nhanh về doanh thu, với tốc độ trung bình 35 - 40%/năm.

Tăng trưởng nóng

Theo số liệu do Tập đoàn Giải trí đa phương tiện CGV (Công ty Megastar trước đây), doanh thu vé phim của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh trong khoảng 10 năm qua. Năm 2006 vào khoảng 5 triệu USD, năm 2010 là 25,7 triệu USD, năm 2012 khoảng 47 triệu USD, cuối năm 2014 tầm 82 triệu USD...

Chưa có thống kê chính thức nhưng đại diện CGV cho rằng, năm 2015 Việt Nam lọt vào danh sách "thị trường điện ảnh nhiều hơn 100 triệu USD".

Còn theo Tạp chí Hollywood Reporter tỷ suất tăng trưởng từ doanh thu bán vé phim của Việt Nam năm 2012 lên đến 614%, xếp cao nhất trong số13 thị trường điện ảnh "nóng" nhất thế giới.

"2015 được xem là năm bùng nổ của thị trường điện ảnh Việt Nam, với mức tăng trưởng lên đến 20 - 25%. Nhưng với tầng suất mở rạp liên tục thì kích cỡ thị trường sẽ còn tăng mạnh trong năm 2016", bà Đặng Thu Hiền - Giám đốc Green Media, nhận định.

Tính đến hết năm 2015, chưa kể các đơn vị khác, chỉ riêng CGV đã sở hữu 30 cụm rạp với 196 phòng chiếu tại 11 thành phố lớn trong cả nước. Đáng chú ý là đơn vị này vẫn chưa có ý định dừng. Tương tự, Galaxy, BHD, Platium... vẫn đang ráo riết xây dựng thêm cụm rạp.

Bên cạnh với sự hiện diện của hàng trăm cụm rạp chiếu, chủ trương mở cửa thị trường nhập khẩu phim, tạo thông thoáng trong khâu duyệt phim đã tạo tiền đề cho thị trường điện ảnh Việt có những bước tiến dài.

Tuy nhiên, điều này cũng khơi dậy một cuộc cạnh tranh mới, và phần thua thiệt lại có vẻ nghiêng về các đơn vị nhà nước.

Tiết lộ từ Phó giám đốc một công ty điện ảnh nhà nước cho thấy, từ năm 2009 đến năm 2013, tổng số có 610 phim truyện điện ảnh nước ngoài được cấp giấp phép phổ biến tại các rạp ở Việt Nam (bình quân 122 phim/năm) và hơn 98% trong số này là do các đơn vị điện ảnh ngoài quốc doanh nhập, phát hành. Hai năm trở lại đây, tỷ lệ này vẫn chưa cải thiện được.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp hội hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, đánh giá: "Thị trường phát hành phim phát triển nhanh trong thời gian vừa qua, đây là tín hiệu tích cực nhưng đã xuất hiện yếu tố cạnh tranh gay gắt. Số lượng phim nước ngoài tăng nhanh và chủ yếu do một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp".

Tìm tiếng nói chung

Phân tích cơ chế hoạt động phát hành phim tại Việt Nam hiện nay, một chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành cho biết, thị trường trong nước nói riêng và quốc tế nói chung được chi phối bởi 6 studio lớn (MPA) của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ.

Các MPA này là đại diện phát hành phim cho gần như toàn bộ thị trường thế giới. Hiện, CGV đã đặt quan hệ và làm việc gần như độc quyền với 5 MPA.

Galaxy có thời gian tham gia thị trường lâu, may mắn sở hữu quan hệ với 1, 2 MPA. Như vậy, sự chênh lệch của thị trường phát hành phim là rất lớn.

Trong bối cảnh phát hành phim phụ thuộc quá lớn vào các DN tư nhân như thế, cuối năm 2015, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam chính thức thành lập.

Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, Hiệp hội đã có 50 hội viên với những cái tên đại diện cho phía DN nhà nước như Công ty Phim Studio A Việt Nam, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội, Công ty CP Truyền thông Điện ảnh Sài Gòn... cùng những công ty tư nhân như: Hãng phim Phước Sang, BHD, Galaxy...

Trong số này, chưa có sự tham gia của "ông trùm" phát hành phim tại Việt Nam: CGV.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm cho biết, Hiệp hội đang tiếp tục quảng bá để kêu gọi các nhà phát hành phim và chiếu bóng Việt Nam khác tham gia.

"Chúng tôi liên kết lại để có chung tiếng nói, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; đấu tranh chống những hành vi độc quyền, tranh chấp thị trường, xâm phạm lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim tại Việt Nam", ông Nhiêm khẳng định.

Cơ hội cho phim Việt

Sự bùng nổ của thị trường điện ảnh, ngoài việc mang đến doanh số cho các doanh nghiệp tham gia còn có một ý nghĩa khá lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của phim Việt.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường đã có những phim Việt tạo doanh thu kỷ lục như Để Mai Tính 2 (doanh thu 101.338 tỷ đồng) hay mới đây nhất Em là bà nội của anh, sau hơn hai tháng ra rạp, tính đến ngày 22/2, với doanh thu hơn 102 tỷ đồng, chính thức trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt.

Nhận định về sự phát triển của thị trường, bà Đặng Thu Hiền cho biết, 2016 sẽ là thời gian tiếp tục ghi nhận sự phát triển của phim Việt.

Có đến khoảng 40 dự án phim Việt sẽ hoàn thành trong năm 2016, tăng gấp đôi so với 2015.

Không dừng lại ở đó, khi nguồn thu từ thị trường tăng lên, các đơn vị phát hành phim quốc tế cũng sẽ bắt đầu để ý đến phim Việt.

Tất nhiên, muốn thu hút được họ, chất lượng phim Việt phải được cải thiện và có sự hiện diện của những thể loại thu hút được khán giả quốc tế như hành động, kinh dị và những phim có độ phản ánh về văn hóa bản địa cao.

Đây cũng là cơ hội cho những nhà phát nhập khẩu phim trong nước thử sức với vai trò mới: xuất khẩu phim Việt.

>Liên hoan Phim Việt: Khi nào mới hết cảnh "cả nhà cùng vui"?

>Cơ hội nào cho điện ảnh Việt vươn ra thế giới?

>Điện ảnh Việt: Thông minh hay nước mắt, nụ cười?

PHƯƠNG QUYÊN - ĐẶNG QUÝ YÊN