Các lưu ý khi ký kết hợp đồng thương mại

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:21, 07/03/2016

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường mắc các sai lầm như không rõ khả năng, yêu cầu của doanh nghiệp cũng như đối tác, không quan tâm vấn đề sở hữu trí tuệ, thẩm quyền của người ký kết hợp đồng...
Các lưu ý khi ký kết hợp đồng thương mại

Việt Nam giờ không còn là thị trường 90 triệu dân mà là thị trường của hơn 600 triệu người thuộc khối ASEAN, vì vậy, khi ký các hợp đồng (HĐ) thương mại, doanh nghiệp (DN) cần phải cẩn trọng. 

Đọc E-paper

Các hiệp định thương mại được ký kết thời gian qua đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho DN. Tuy nhiên, khi thị trường rộng mở cũng đồng nghĩa với việc DN phải cẩn trọng hơn, phải tìm hiểu kỹ hơn luật pháp cũng như các quy định, quy chế của các nước... để không "vướng" khi ký các HĐ thương mại.

Trên thực tế, rất nhiều DN Việt Nam thường mắc các sai lầm như không rõ khả năng, yêu cầu của chính DN cũng như khả năng, yêu cầu của đối tác. DN cũng không biết rõ hành lang pháp lý giao dịch và chủ quan cho rằng sẽ không xảy ra tranh chấp. DN cũng không quan tâm vấn đề sở hữu trí tuệ, thẩm quyền của người ký kết HĐ cũng như các vấn đề về vận chuyển hàng hóa, giao thông, thanh toán...

Theo LS. Trương Thị Hòa, một trong những điều quan trọng là DN nên chú ý trong các HĐ thương mại là "phạt vi phạm HĐ". Trong thỏa thuận HĐ, DN cần ghi chuẩn xác là phạt hay bồi thường nếu một trong hai bên vi phạm HĐ. Nếu phạt HĐ thì mức phạt tối đa là 8% giá trị vi phạm (không phải giá trị HĐ như lâu nay mọi người vẫn nghĩ), còn bồi thường thì phải chứng minh có sự thiệt hại.

Trong HĐ thương mại, nếu không có điều khoản cụ thể về phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp vi phạm HĐ đã diễn ra. Chẳng hạn, giao hàng không đúng số lượng, chất lượng, chủng loại; giao hàng trễ; hàng thiếu bản quyền phần mềm, phụ kiện đi kèm; hàng có nguồn gốc không rõ ràng; hàng hư hỏng do vận chuyển, bảo quản...

Trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, các trường hợp vi phạm HĐ là kinh doanh trái phép, chất lượng không đúng cam kết, trễ hạn, thiếu một hoặc nhiều nội dung, tự ý chuyển nghĩa vụ cho bên thứ ba...

Với những vi phạm như thế, nếu phía vi phạm không thực hiện theo HĐ có thể đưa ra tòa án dân sự. Với những trường hợp này, bên nguyên đơn phải chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ thông qua chứng cứ.

Tất cả những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc như: biên bản xác nhận, hóa đơn, tài liệu kỹ thuật, xuất xứ, kết quả giám định, xác nhận của nhân chứng, hình ảnh, thông tin liên quan bằng bản gốc... phải thật chuẩn xác và rõ ràng.

Muốn phạt vi phạm, bên nguyên đơn phải chứng minh được hành vi vi phạm. Còn đòi bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Cũng theo LS. Trương Thị Hòa, khởi kiện ra tòa chỉ nên là phương án cuối cùng khi không tìm được "tiếng nói chung" với đối tác. DN nên ưu tiên việc hòa giải, thỏa thuận, tự giải quyết... vì khởi kiện sẽ mất thời gian và tốn kém tiền bạc...

Với các đối tác nước ngoài, DN nên lưu ý nhiều điều khoản khi ký HĐ. Thường các HĐ thương mại do đối tác nước ngoài soạn thảo rất dài và nhiều khi không rõ ràng về cách viết, vì thế, cần Việt hóa các HĐ này một cách ngắn gọn và đầy đủ.

Các bằng chứng như email qua lại với đối tác cũng phải được lưu giữ, hay mã số thuế, số tài khoản của đối tác cũng cần sao lưu phòng khi có "sự cố” xảy ra.

Bên cạnh những điều trên, khi ký HĐ với DN nước ngoài, ngoài chú ý đến luật của Việt Nam, luật của nước đối tác, DN cũng cần chú ý đến các vấn đề thuộc về luật và các tập quán quốc tế. Điển hình như DN Nhật chọn cách giải quyết tranh chấp mềm dẻo, uyển chuyển, DN Trung Quốc ngồi lại thương thảo khi tranh chấp, trong khi DN châu Âu thì "luật bất thành văn".

Với Trung Quốc, ngoài luật sở tại còn có những quy định cho những ngành nghề cụ thể. Vì thế, trước khi ký HĐ với DN Trung Quốc, DN Việt Nam cần phải nắm rõ những quy định này từ các cơ quan nhà nước Trung Quốc để tránh việc HĐ ký nhưng không thực hiện được.

Khi ký các HĐ thương mại, DN cần lưu ý:

- Trong HĐ cần có thỏa thuận về các biện pháp chế tài. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến điều khoản thỏa thuận vi phạm có liên hệ trực tiếp đến những nội dung về nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên. Các nội dung này càng chi tiết, cụ thể, rõ ràng càng tốt.

- Nội dung chế tài (phạt vi phạm) phải khả thi, đúng luật để có hiệu lực và thực hiện được.

- Phải hiểu phạt vi phạm và các biện pháp chế tài khác không phải là cách để làm khó nhau mà là biện pháp đảm bảo thực hiện đúng HĐ, có được hướng giải quyết khi xảy ra vi phạm, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.

- Trong quá trình thực hiện HĐ phải theo dõi, ghi nhận, khi có dấu hiệu vi phạm phải thu thập để có chứng cứ chứng minh.

- Thông báo bằng văn bản khi bị vi phạm, nêu yêu cầu, biện pháp, khắc phục, ngăn chặn...

- HĐ có giá trị lớn, tình tiết phức tạp thì nên mời luật sư hỗ trợ, tham gia giải quyết ngay từ đầu.

>Hệ quả của hợp đồng thương mại vô hiệu

>Những điều khoản quan trọng trong hợp đồng đại lý phân phối

> 7 lưu ý khi chấm dứt hợp đồng lao động

TẤN QUỲNH