Btaskee - Kết nối người giúp việc kiểu Uber
Start up - Ngày đăng : 03:40, 17/03/2016
![]() |
Dùng ứng dụng với quy cách hoạt động tương tự mô hình của Uber hay Grabtaxi, btaskee kết nối người giúp việc với những người có nhu cầu.
Đọc E-paper
Ứng dụng btaskee là ứng dụng mang lại trải nghiệm hiện đại cho những người có nhu cầu tìm kiếm người giúp việc nhà. Chỉ cần có smartphone, một tài khoản btaskee, người dùng có thể gọi người giúp việc hỗ trợ những việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc em bé, sửa chữa điện, nước... với một chi phí khá hợp lý.
Đỗ Đắc Nhân Tâm, sáng lập viên btaskee, chia sẻ, trở về từ Canada, điều mà Tâm thấy rõ nhất là nhu cầu người giúp việc tại TP.HCM. Không chỉ giúp việc cố định, những việc đột xuất như sửa điện, sửa ống nước... khi cần, người dùng phải mất nhiều thời gian tìm kiếm người sữa. Có khi còn phải "chịu đựng" tình trạng hỏng hóc trong gia đình một thời gian dài cho đến khi tìm được người có chuyên môn.
Tuy thị trường đã có vài đơn vị cung cấp dịch vụ này, thậm chí là những "ông lớn" trong ngành công nghệ tại Việt Nam nhưng thực tế, vẫn chưa đơn vị nào thực sự thành công. Quyết tâm gửi vào btaskee sức mạnh của những công nghệ mới mình lĩnh hội được ở nước ngoài, Tâm cùng những người bạn của mình đã xây dựng nên ứng dụng btaskee.
Mô hình của btaskee tương tự mô hình của Uber hay Grabtaxi, huy động được nguồn lực nhàn rỗi từ phía các đơn vị cung ứng dịch vụ dọn dẹp nhà cửa, nguồn lao động tự do và kiểm soát chất lượng người làm việc bằng chính đánh giá của cộng đồng.
Tâm chia sẻ, thời gian đầu, cả nhóm cho rằng, khó khăn lớn nhất của dự án này là những người giúp việc vặt, thường là những người lớn tuổi, ít người xài được smartphone. Nhưng thật bất ngờ, đây lại là lợi thế bởi các bà, các chị không chỉ có khả năng nắm bắt công nghệ nhanh mà còn sử dụng ứng dụng rất tốt.
![]() |
Giao diện trang web btaskee |
Tháng 7/2015, btaskee bắt đầu triển khai nhưng đến tháng 2/2016 mới chính thức hoạt động. Hai tuần đầu đã có đơn đặt hàng, thu hút được hơn 80 người làm việc, con số đầy bất ngờ bởi kiếm được người giúp việc vẫn luôn là vấn đề hóc búa với các gia đình thị dân.
"Chúng tôi không "nuôi quân" mà chỉ xem người lao động như cộng tác viên, trang bị cho họ đồng phục, đào tạo thêm những kiến thức và quy chuẩn giao tiếp của Công ty với khách hàng. Nhờ vậy mà chi phí duy trì không đáng kể”, Nhân Tâm chia sẻ.
Hưởng lợi 15% trên thù lao người lao động nhận được nhưng lại cung cấp cho họ mạng lưới để liên tục có việc làm cũng như làm việc thêm trong thời gian nhàn rỗi, btaskee ngày càng thu hút được người dùng. Theo Nhân Tâm, hiện btaskee vẫn đang đẩy mạnh mở rộng, thu hút thêm người dùng cũng như cộng tác viên. Nếu triển khai tốt, btaskee sẽ giải quyết được vấn đề thiếu người giúp việc, một thách thức lớn với các nữ công chức văn phòng.
Chưa dám nói trước về tương lai btaskee, Nhân Tâm cho biết, trước mắt, anh và nhóm của mình sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện của btaskee để cộng đồng nhận biết, đồng thời mở rộng mạng lưới cộng tác viên. Riêng anh sẽ luôn cập nhật những kiến thức mới để mô hình của mình có thể hoạt động tối ưu.
>Startup giúp việc nhà nhận đầu tư từ CyberAgent Ventures