Giá cước vận tải: Không thể kêu gào mãi
Du lịch - Ngày đăng : 06:29, 24/03/2016
Như một thông lệ, cứ mỗi lần xăng dầu tăng giá là các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và các hiệp hội vận tải lại yêu cầu, kêu gọi các doanh nghiệp vận tải giảm giá.
Đọc E-paper
Sự việc cứ lặp lại năm này qua năm khác nhưng cơ bản vẫn không giải quyết được vấn đề. Cơ quan nhà nước cứ kêu, doanh nghiệp vẫn làm ngơ mặc dù đôi lúc cơ quan quản lý đe dọa sử dụng các chế tài mạnh.
Chưa hợp lý
Theo quy định hiện hành ở Thông tư 152/2014/TTLT/BTC-BGTVT ngày 15/10/2014, doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi và xe khách, xe buýt tuyến cố định phải kê khai, niêm yết giá. Khi các yếu tố cấu thành chi phí thay đổi, doanh nghiệp phải kê khai lại với cơ quan quản lý.
Cơ quan quản lý nhà nước thường chỉ bám sát giá xăng dầu để yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá. Thực tế cho thấy khi giá xăng dầu tăng lên, các doanh nghiệp vận tải nhanh chóng điều chỉnh giá. Tuy nhiên khi giá xăng dầu giảm các doanh nghiệp lại kêu ca, chây ì giảm giá. Doanh nghiệp cũng có lý trong việc điều chỉnh giá của mình vì theo cơ cấu giá thành vận tải nói chung, nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 40 – 45% chi phí, ngoài ra các chi phí còn lại cũng rất lớn: tiền lương, bảo hiểm xã hội, khấu hao, lãi vay ngân hàng…
Nếu cơ quan quản lý nhà nước chỉ bám theo giá xăng dầu để yêu cầu điều chỉnh (giảm) giá cước là chưa hợp lý vì khi các yếu tố chi phí khác thay đổi doanh nghiệp cũng phải được tính vào.
Lấy ví dụ trong thời gian qua, lương và bảo hiểm xã hội tăng theo quy định của nhà nước thì doanh nghiệp cũng được quyền điều chỉnh tăng giá cước tương ứng. Thông tư 152/2014/TTLT/BTC-BGTVT hiện đang được các cơ quan chức năng xem xét sửa đổi theo hướng áp dụng các chế tài nặng hơn nếu các doanh nghiệp vận tải chây ì, không giảm giá cước.
Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay ít có quốc gia nào quản lý giá cước vận tải theo biện pháp hành chính. Giá cước vận tải do thị trường quyết định, nhà nước có luật chống độc quyền để xử lý khi xét thấy các doanh nghiệp, các hiệp hội vận tải lợi dụng bắt tay làm giá.
Một điều bất cập nữa là hiện nay nhà nước chỉ mới quản lý việc niêm yết, kê khai giá cước vận tải đường bộ, trong khi đó các doanh nghiệp vận tải thủy, vận tải biển lại không bị quản lý kê khai, niêm yết giá cước mà chính lĩnh vực này mới ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu, đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp có nhu cầu vận tải.
Cần xóa bỏ rào cản
Theo cơ chế điều hành hiện nay, mỗi đợt giảm giá xăng dầu, các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải lại có công văn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải giảm giá. Một số hiệp hội vận tải cũng kêu gọi hội viên giảm giá.
Tuy nhiên các doanh nghiệp vận tải vẫn đủng đà đủng đỉnh, giảm giá cho có lệ mặc dù các cơ quan nhà nước dọa xử phạt bằng các biện pháp hành chính. Giảm hay không giảm do doanh nghiệp tự quyết định và thực tế các cơ quan quản lý nhà nước cũng bó tay.
Vấn đề nằm ở chỗ là nhà nước hiện nay đang tạo ra một cơ chế làm cho các doanh nghiệp vận tải taxi và vận tải khách, xe buýt tuyến cố định biến thành gần như độc quyền nên họ mới xem thường người tiêu dùng như thế.
Với các quy định hiện hành, số lượng đầu xe taxi mỗi tỉnh thành phố bị khống chế, các hãng taxi lớn ra đời sớm chiếm phần lớn số lượng xe lưu hành, giá cả do các doanh nghiệp lớn này định đoạt, các doanh nghiệp nhỏ không có tác động lắm đến thị trường. Tương tự như vậy, các tuyến xe khách, xe buýt cố định đều ở dạng gần như độc quyền do các điều kiện ràng buộc về bến bãi, số lượng phương tiện rất khắt khe. Vì vậy các doanh nghiệp taxi và xe khách, xe buýt luôn ở “cửa trên” đối với người tiêu dùng.
Tình trạng này ở các loại hình xe chạy theo hợp đồng hoặc xe vận tải hàng hóa không xảy ra. Các doanh nghiệp loại hình này phải cạnh tranh khốc liệt để có khách hàng. Họ sẵn sàng giảm giá khi có điều kiện để tăng tính cạnh tranh. Nhà nước không cần phải can thiệp nhờ vào bàn tay vô hình của thị trường.
Như vậy có thể thấy rằng, chính nhà nước đã vô hình trung đưa ra những điều kiện kinh doanh khắt khe làm cho các doanh nghiệp vận tải taxi, vận tải hành khách, xe buýt tuyến cố định trở thành gần như độc quyền. Mà khi đã trở thành độc quyền thì giá do họ quyết định. Nhà nước không thể dùng các biện pháp hành chính hoặc vận động để họ điều chỉnh giá.
Hãy để cơ chế thị trường và người tiêu dùng quyết định
Cơ chế quản lý hiện hành có thể nói đã tạo ra lợi ích nhóm cho một số ít doanh nghiệp. Có thể thấy rằng để có thể ổn định giá cước vận tải nếu nhà nước cần tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp vận tải tham gia vào thị trường.
Không thể đưa ra các rào cản với các lý do đại loại như số lượng xe taxi nhiều sẽ gây ách tắc giao thông ở các đô thị hoặc các doanh nghiệp xe khách phải có bao nhiêu đầu xe trở lên mới được kinh doanh… để từ chối các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường vận tải xe taxi và xe khách, xe buýt tuyến cố định.
Hãy để cho các doanh nghiệp tự do cạnh tranh. Thị trường sẽ quyết định tất cả. Và tất nhiên, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi vì các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh để tồn tại.
Khi đó, cũng giống như loại hình vận tải theo hợp đồng và vận tải hàng hóa, nhà nước sẽ không cần phải can thiệp. Người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn: chấp nhận những doanh nghiệp có giá cước hợp lý, chất lượng dịch vụ tốt hoặc tẩy chay (boycott) các doanh nghiệp làm ăn lèm nhèm, giá cước cao, dịch vụ kém.
>Hơn 60% doanh nghiệp vận tải phớt lờ giảm giá cước
>Doanh nghiệp vận tải đường dài: Khó tứ bề
>Giá xăng giảm kỷ lục, cước vận tải vẫn tăng trên 10%