Người tiêu dùng trung lưu Việt Nam tăng mạnh?

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 01:40, 24/03/2016

Các chiến lược tiếp thị và truyền thông thế hệ mới nhắm đến tầng lớp trung lưu mới phải tập trung vào việc thiết kế và tối đa hóa lợi tức đầu tư...
Người tiêu dùng trung lưu Việt Nam tăng mạnh?

Theo đánh giá của Credit Suisse, chỉ có 0,5% dân số Việt Nam được xếp vào nhóm trung lưu, nhưng công bố mới đây của HILL ASEAN cho biết có đến 96% người tiêu dùng (NTD) tự nhận thuộc tầng lớp này. Phải chăng NTD Việt Nam đang rất giàu có?  

Đọc E-paper

Thế nào là trung lưu?

Theo báo cáo công bố hồi tháng 10/2015 của Credit Suisse, Việt Nam có 3 triệu người được xếp vào nhóm trung lưu, chiếm 0,5% dân số và là một phần nhỏ trong số hơn 63,6 triệu người trưởng thành. Tài sản của nhóm này dao động từ 5.030 USD - 30.000 USD, và tài sản bình quân của họ vào khoảng 18.074 USD.

Còn khảo sát của Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group (BCG) công bố hồi năm 2013 thì Việt Nam sẽ giàu có bởi tầng lớp trung lưu đang tăng lên mạnh mẽ. Dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 30 triệu NTD thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có.

Tốc độ phát triển của tầng lớp trung lưu được ANZ đánh giá là nhanh nhất khu vực châu Á, kể cả Trung Quốc. Ước tính, mỗi năm có thêm khoảng 2 triệu NTD gia nhập tầng lớp trung lưu.

Dù dự báo tầng lớp người giàu có tăng mạnh trong thời gian tới nhưng chiếm đến gần hết dân số như nghiên cứu "Tầng lớp trung lưu không giới hạn" do Viện Nghiên cứu về đời sống và con người khu vực ASEAN Hakuhodo (HILL ASEAN) công bố tuần qua rất đáng để suy nghĩ. Theo nghiên cứu này, có đến 96% NTD Việt Nam tự nhận thuộc tầng lớp trung lưu, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Những người này cho biết họ thường tìm ra cách kiếm thu nhập để sống theo lối sống mơ ước mà không bị ràng buộc bởi mức thu nhập hiện có. Phần lớn họ cân bằng giữa thu nhập và chi tiêu, chủ yếu bằng các nguồn thu nhập ngoài công việc toàn thời gian đang làm. Họ muốn đầu tư nhiều hơn và chấp nhận rủi ro.

Ông Yusuke Sonoda - Giám đốc phụ trách kế hoạch chiến lược của HILL ASEAN cho rằng, đây là định nghĩa mới về tầng lớp trung lưu hiện nay - tầng lớp trung lưu theo nhận thức. Tầng lớp này không chỉ xác định bằng thu nhập mà qua nhiều yếu tố khác thể hiện mơ ước, suy nghĩ của họ về cuộc sống của chính mình...

Tầng lớp trung lưu theo nhận thức không chỉ nói về khoản tiền một người kiếm được mà còn đề cập đến mức độ mà họ có thể đạt được lối sống mong muốn. "Những người có thu nhập không cao nhưng sống theo lối sống mà họ mong muốn chính là tầng lớp trung lưu".

Khai phá thị trường

Cũng theo ông Yusuke Sonoda, nếu chỉ dùng thu nhập để phân loại tầng lớp thì chưa đủ mà cần có những yếu tố khác. Vì thế, doanh nghiệp (DN) cần phải định nghĩa lại tầng lớp NTD này để đưa ra chiến lược marketing phù hợp nhằm tiếp cận đúng đối tượng khách hàng.

Cách tiếp cận truyền thống, dựa vào thu nhập dường như không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi vì có những người mặc dù không nằm trong giới hạn trung lưu (đánh giá về thu nhập) nhưng sẵn sàng chi tiền mua sắm những sản phẩm cao hơn so với mức thu nhập của họ.

Và không giống như tầng lớp trung lưu truyền thống luôn tiêu dùng thận trọng, tầng lớp trung lưu không giới hạn (hay tầng lớp trung lưu theo nhận thức) xem chi tiêu là một khoản trả trước mà lợi ích (giá trị) không quan trọng bằng thứ mà việc chi tiêu này sẽ mang lại trong việc đạt được cuộc sống mơ ước.

"Điều này có nghĩa các chiến lược tiếp thị và truyền thông thế hệ mới nhắm đến tầng lớp trung lưu mới này phải tập trung vào việc thiết kế và tối đa hóa lợi tức đầu tư qua ba điểm chính. Đó là phân loại khách hàng mục tiêu dựa trên thu nhập và nhận thức của khách hàng về tầng lớp mà họ đang thuộc về, tái định vị chi tiêu như một sự đầu tư và sử dụng NTD làm đại sứ thương hiệu", Yusuke Sonoda tư vấn.

Nghiên cứu của HILL ASEAN chỉ rõ, mặc dù tự cho mình thuộc tầng lớp trung lưu nhưng quan điểm, suy nghĩ của NTD Hà Nội và NTD TP.HCM rất khác nhau.

Tại TP.HCM, những người tham gia khảo sát cho biết, họ đang cố gắng tiến vào tầng lớp thượng lưu bằng các phương thức riêng của cá nhân, không phụ thuộc vào ý kiến của cộng đồng. NTD TP.HCM luôn tìm mọi cơ hội để thúc đẩy bản thân, chấp nhận rủi ro để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Ngược lại, tầng lớp trung lưu ở Hà Nội lại cố gắng bằng mọi cách giữ vị trí hiện tại để không rớt xuống tầng lớp thấp hơn. Họ hài lòng với công việc hiện tại và thay vì đầu tư thì họ dồn tiền vào tiết kiệm. Khi quyết định các vấn đề của bản thân, NTD TP.HCM mặc dù có tham khảo ý kiến của những người xung quanh nhưng lại tự quyết định, trong khi người Hà Nội dựa hoàn toàn vào thái độ của cộng đồng.

Với sự khác nhau trong quan điểm và cách nghĩ nên khi khai phá 2 thị trường lớn này, DN cần phải chú ý đến nhiều yếu tố.

"DN phải am hiểu tầng lớp trung lưu của từng thành phố. Với thị trường Hà Nội, khi làm marketing để bán hàng cần chú ý quảng bá yếu tố lợi ích, chức năng nhiều hơn. Trong khi thâm nhập thị trường TP.HCM nên tăng tính tiện dụng hiện tại của sản phẩm hơn là tác dụng lâu dài trong tương lai", bà Trần Thị Hồng Liên, chuyên viên chiến lược HILL ASEAN tại Việt Nam, tư vấn.

>Tầng lớp trung lưu châu Á sẽ thay đổi sâu rộng kinh tế thế giới

>Việt Nam có khoảng 8 triệu gia đình trung lưu

>Top 10 thị trường châu Á có khả năng bùng nổ tiêu dùng

THANH NGÂN