Lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn: Nên hay không?
Sống khỏe - Ngày đăng : 06:55, 26/03/2016
Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh đã được xác nhận chứa nguồn tế bào gốc dồi dào có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, đã và đang được dùng để điều trị bệnh ung thư máu, thiếu máu, các bệnh lý di truyền về máu, suy giảm miễn dịch và bệnh chuyển hóa.
Đọc E-paper
Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh là nguồn tế bào gốc có khả năng miễn dịch cao, dùng để chữa trị cho chính bản thân em bé và người thân trong gia đình có chỉ số sinh học phù hợp với bé. Chính vì vậy, việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn được coi như một hình thức "bảo hiểm sinh học".
Trường hợp ghép tế bào gốc máu cuống rốn đầu tiên được thực hiện vào tháng 10/1988 tại Pháp, trên bé trai 5 tuổi bị bệnh thiếu máu Fanconi từ máu cuống rốn em gái sơ sinh của bệnh nhân. Sau ghép, tủy mọc tốt, bệnh nhân khỏi bệnh và ổn định sức khỏe cho đến nay.
Trên thế giới đã có nhiều ngân hàng máu cuống rốn được thành lập. Hiện nay ở Việt Nam có 4 nơi nhận lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn là Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Ngân hàng Tế bào gốc MekoStem và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM.
Điều kiện để một mẫu tế bào máu cuống rốn được lưu trữ là người mẹ không mắc bệnh truyền nhiễm, tiểu đường, huyết áp, ung thư, bệnh về miễn dịch, khi sinh con không sốt, không bị nhiễm trùng.
Trước khi sinh, người mẹ nên đến những nơi nhận lưu trữ tế bào gốc để được làm các xét nghiệm sức khỏe. Khi tách em bé ra khỏi bánh nhau thì có 2 cách lấy máu cuống rốn.
Một là khi bánh nhau chưa xổ ra khỏi tử cung, máu được lấy luôn từ dây rốn, hai là sau xổ nhau sẽ treo lên và lấy máu. Việc này chỉ được phép tiến hành trong vòng 10 phút đầu tiên kể từ khi xổ nhau bởi nếu không máu sẽ đông, không còn tác dụng.
Sau khi lấy máu sẽ làm các xét nghiệm xem có nhiễm trùng không, có mắc bệnh gì không, đặc biệt là những bệnh về nhiễm sắc tố.
Chi phí cho việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn khá cao. Ông Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Tế bào gốc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết, chi phí để lưu máu cuống rốn trong ngân hàng tế bào gốc là khoảng 25 triệu đồng/mẫu trong năm đầu tiên.
Những năm sau đó, chi phí lưu trữ trung bình khoảng 2,5 triệu đồng/mẫu và việc lưu trữ sẽ kéo dài trong 18 năm. Lúc này, em bé đã lớn và đủ tư cách pháp nhân để quyết định có tiếp tục việc lưu trữ hay không và trực tiếp đứng tên cho hợp đồng dịch vụ mới, nếu có.
Tuy nhiên, việc lưu trữ tế bào máu cuống rốn có thật cần thiết và có xứng đáng so với số tiền bỏ ra là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Stephen Feig, chuyên gia nhi khoa Đại học UCLA, phát biểu: "Tôi không khuyên bệnh nhân của mình không lưu trữ tế bào máu cuống rốn, nhưng đưa ra những con số của việc sử dụng tế bào máu cuống rốn là rất ít và đây là một bảo hiểm rất đắt đỏ”.
Tỷ lệ một đứa trẻ sử dụng được chính tế bào gốc máu cuống rốn của mình chỉ là 1/2.700, theo Tạp chí Obstetrics and Gynecology năm 2005, lý do là tế bào gốc máu cuống rốn thường chỉ điều trị những bệnh hiểm nghèo, những bệnh bình thường không cần đến. Viện Y khoa Mỹ đã công bố chỉ có 14 trường hợp được ghi nhận sử dụng tế bào cuống rốn để điều trị bệnh thành công.
Theo chương trình Tài trợ tủy quốc gia của Mỹ, lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn chỉ tốt trong vòng 10 năm đầu và không phải trị được bách bệnh. Nếu đứa trẻ bị bệnh về gene thì tế bào gốc máu cuống rốn không giúp ích được gì.
Việc dùng tế bào gốc máu cuống rốn của em bé để chữa bệnh cho các thành viên trong gia đình cũng chỉ là 25%, 75% còn lại sẽ phải tìm những nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Tế bào cuống rốn thường chỉ dùng để trị một số bệnh hiểm nghèo ở trẻ em vì số lượng máu lấy từ cuống rốn trẻ sơ sinh chỉ từ 100 - 150ml, do đó cũng hạn chế về số tế bào gốc.
>Tế bào gốc dây rốn: Những điều thú vị