Chống biến đổi khí hậu: Nóng, ấm hay mát?
Quốc tế - Ngày đăng : 09:26, 29/03/2016
Nỗ lực chống biến đổi khí hậu đã có những kết quả đầu tiên nhưng chưa thật sự bền vững.
Đọc E-paper
Đúng là một tin tốt hiếm hoi trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thông báo lượng khí thải carbon dioxide từ đốt nhiên liệu hóa thạch không tăng trong hai năm liên tiếp. Khí thải từ hai nguồn gây ô nhiễm lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã giảm xuống. Nếu đúng thế thì thế giới đã có một tin tốt về môi trường kể từ đầu những năm 1980.
Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol cho biết, chuyển biến trên là một sự khích lệ đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới chỉ một vài tháng sau thỏa thuận lịch sử đạt được tại Hội nghị Chống biến đổi khí hậu lần thứ 21 của Liên Hiệp Quốc (COP21) ở Paris (Pháp). Tuy nhiên, thông tin của IEA đang tạo một cuộc tranh luận về việc liệu khí thải toàn cầu đã đạt đỉnh hay chưa.
Số liệu cho thấy Trung Quốc đang cố gắng để cân bằng lại nền kinh tế, thoát khỏi những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng. Nhưng các nhà phân tích nói rằng, hai năm là thời gian quá ngắn để coi đây là một xu hướng lâu dài. Hơn thế nữa, IEA dựa vào dữ liệu mà nhiều nhà kinh tế nghi ngờ.
IEA cho biết giảm lượng khí thải carbon dioxide đứng ở mức 32,1 tỷ tấn trong năm ngoái, năm thứ hai liên tiếp. Đây là lần đầu tiên lượng khí thải không thay đổi trong suốt một giai đoạn phát triển kinh tế trong hơn 40 năm. Fatih Birol, Giám đốc IEA, cho biết ba yếu tố chính gồm: sự phát triển của năng lượng tái tạo trong sản xuất điện toàn cầu, Mỹ tích cực chuyển đổi từ nhà máy đốt than sang khí sau cuộc cách mạng đá phiến sét, Chính phủ Trung Quốc nỗ lực kiềm chế lượng khí thải do những lo ngại về ô nhiễm cũng như thay đổi khí hậu.
Chiếm tới 25% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng năm 2014, Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu tích cực của việc cắt giảm khí thải độc hại này khi con số thông kê chỉ tăng 1,6% - chưa bằng 1/4 mức tăng hằng nằm của các năm trước đó, 6,7%/năm.
Dự kiến, tỷ lệ điện than tại Mỹ sẽ giảm 27% cho tới năm 2030, thấp hơn so với đề nghị ban đầu khoảng 30%. Ấn Độ đang nỗ lực phát triển năng lượng Mặt trời như là một lựa chọn khả thi chủ đạo trong một đất nước mà 300 triệu người dân sống không có điện. Theo KPMG, giá năng lượng Mặt trời hiện nay chỉ bằng 15% nhiệt điện và nếu xu hướng này tiếp tục phát triển, điện năng lượng Mặt trời sẽ là rẻ hơn so với than 10% vào năm 2020.
Đây là một tin tốt cho thấy nỗ lực giải quyết hiện tượng nóng lên toàn cầu và cho thấy khí thải có thể "tách ra khỏi tăng trưởng kinh tế”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại rằng sự tiến bộ về khí hậu sẽ là "phù du" khi giá khí tự nhiên và than đá ngày càng thấp có thể làm suy yếu đầu tư cho năng lượng gió và năng lượng Mặt trời. Mặt khác, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại các nước đang phát triển khác ở châu Á, Trung Đông gia tăng, trong khi lượng khí thải ở châu Âu cũng tăng nhưng ở mức thấp hơn.
Các chuyên gia khí hậu của Liên Hiệp Quốc đưa ra báo cáo lưu ý rằng kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi sau một giai đoạn suy thoái sâu, hai nền kinh tế tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ đang được cơ cấu lại để tăng trưởng nhanh hơn. Vì vậy, các nước này tiếp tục cần nguồn năng lượng khổng lồ để duy trì cỗ máy kinh tế và rồi các tiến bộ về giảm khí thải nhanh chóng tiêu tan. "Bước đầu tiên hướng tới nỗ lực giảm khí thải đã đạt được nhưng nó vẫn chỉ là một bước đầu tiên", báo cáo nhấn mạnh.
>Khởi động dự án về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
>COP 21 và câu chuyện "lobby khí hậu"