Biến động lãi suất: Lựa chọn nào cho người giữ USD?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:32, 31/03/2016

Mặc dù các chuyên gia khuyên nên chủ động giữ tiền đồng thay vì giữ USD nhưng nhiều người vẫn cảm thấy lo ngại lãi suất USD thế giới biến động khá mạnh trong khi tỷ giá tại Việt Nam khá ổn định
Biến động lãi suất: Lựa chọn nào cho người giữ USD?

Lãi suất USD biến động khá mạnh trên thị trường thế giới, trong khi tỷ giá tại Việt Nam khá ổn định. Vì thế, các chuyên gia khuyên nên chủ động giữ tiền đồng thay vì giữ USD như trước, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy lo ngại...

Đọc E-paper

Theo ghi nhận tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) trong tuần qua, giao dịch USD của khách hàng vẫn diễn ra bình thường dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố không tăng lãi suất.

Một lãnh đạo phụ trách mảng ngoại hối NHTM tại TP.HCM cho biết, từ cuối năm 2015, quyết định giảm lãi suất USD về mức 0% không gây ảnh hưởng tâm lý thích giữ USD của nhiều người dân.

Đến thời điểm này, quyết định không tăng lãi suất của FED dù không đúng với kỳ vọng, nhưng cũng ít người chuyển từ USD sang VND. Thậm chí, gần đây, người dân có xu hướng giữ USD tăng cao so với bình thường.

Trước thực tế này, giới lãnh đạo NHTM khuyên nên nhanh chóng chuyển USD qua VND vì tình hình kinh tế Việt Nam bây giờ đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với dự báo.

Đơn cử, có thể nhận thấy diễn biến của tỷ giá thế giới trong những ngày vừa qua đã không còn là tác nhân gây xáo trộn thị trường trong nước.

Ngược lại, FED không tăng lãi suất một lần nữa khẳng định kinh tế thế giới không quá lạc quan. Tăng trưởng của kinh tế Mỹ có dấu hiệu chậm lại, lạm phát ở mức thấp và thị trường lao động cần nhiều yếu tố để hỗ trợ.

So với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ, USD đã mất giá bình quân 1 - 5%. Tương tự, Nhật cũng áp dụng cơ chế lãi suất âm. Kinh tế Trung Quốc đang gây nhiều lo ngại khi xuất khẩu tăng chậm, tăng trưởng thấp, thị trường chứng khoán chao đảo.

Trong khi đó, diễn biến tỷ giá trung tâm trong nước đang chứng minh được sự ổn định. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, tỷ giá trung tâm có xu hướng giảm.

Đơn cử, tỷ giá trung tâm của VND với USD, áp dụng cho ngày 3/3 ở mức 21.904 đồng. Với biên độ 3%, các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH được phép giao dịch USD ở mức 21.247 - 22.561 đồng.

Đến ngày 20/3, tỷ giá trung tâm chỉ xoay quanh mức 21.838 đồng/USD. Với biên độ 3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các NH được áp dụng lúc này chỉ là 22.493 đồng và tỷ giá sàn là 21.182 đồng/USD. Trong bối cảnh lãi suất USD không tăng thì tỷ giá VND/USD sẽ khó tăng như kỳ vọng của người giữ USD.

Những thông tin từ NH mang lại đều tích cực nhưng dường như chưa thể tác động được hành vi giữ USD của người dân.

Bởi, những chính sách ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không mang tính chủ động, mà chịu sự tác động nặng nề của nền kinh tế thế giới. Yếu tố lịch sử lặp lại của thị trường ngoại hối Việt Nam trong hơn một thập niên qua củng cố thêm niềm tin tăng giá USD so với VND.

Gần đây, tỷ giá USD dự báo có thể đang chuẩn bị cho một đợt biến động sau một thời gian cho thấy các chính sách quản lý ngoại hối không như mong muốn.

Điều này đã từng xảy ra vào tháng 2/2010, khi NHNN thực hiện các biện pháp mạnh tay như kết hối ngoại tệ, áp trần lãi suất tiền gửi USD chỉ còn 1% so với việc thỏa thuận tự do trước đó.

Ngoài ra còn có việc áp trần lãi suất tiền gửi VND ở mức 14%/năm. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên đều không ổn định được thị trường tỷ giá, tỷ giá đã tăng 2% vào tháng 8/2010 và hơn 9% vào tháng 2/2011.

Một điều quan trọng không kém là trong vài ngày qua, USD cũng bật tăng trở lại so với các đồng tiền khác. Theo một số chuyên gia, cơn sốt nóng tỷ giá tại Việt Nam đang diễn biến cùng pha với chỉ số USD Index trên thị trường thế giới. Nếu USD mạnh lên trong thời gian tới, đó là một kịch bản cho một tình huống về đợt sốt nóng ngoại tệ tại Việt Nam.

Suy cho cùng, người dân đang cố tình giữ USD tại NH để tránh mất giá. Họ không muốn chuyển sang tiền đồng vì lãi suất tiền đồng cũng chỉ xoay quanh mức 6 - 7%/năm, nhưng khả năng trượt giá lại lớn hơn nhiều lần.

>Biến động lãi suất, tỷ giá trong mắt doanh nghiệp Việt

>Năm 2016, có nên tiếp tục găm giữ ngoại tệ?

> Ngân hàng Nhà nước "siết" tình trạng găm giữ ngoại tệ

LINH CHI