Khi nhà bán lẻ kiêm vai trò nhà phân phối...
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 02:05, 01/04/2016
Siêu thị là nơi bán lẻ hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, nhưng trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, các nhà bán lẻ phải kiêm luôn vai trò của nhà phân phối.
Mở rộng lĩnh vực phân phối
Lâu nay, khi nói đến những cái tên như Saigon Co.op, Big C, Satra..., người tiêu dùng nghĩ đến các siêu thị cung cấp thực phẩm tươi sống, chế biến, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng... Thế nhưng, ít ai ngờ những doanh nghiệp này cũng là những phân phối chuyên nghiệp và đang tiếp tục mở rộng lĩnh vực.
Ngay từ đầu năm 2016, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) đã cùng lúc nhập về Việt Nam nhiều loại trái cây và thực phẩm như lê Hàn Quốc, lê Hà Lan, cà phê Mỹ, trà sữa Mỹ... Trước đó, vào cuối năm 2015, Satra đã nhập bánh Grain cheese roll và mì ăn liền Samyang Hàn Quốc.
Ông Trần Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Satra, cho biết: “Cuối năm 2015 Satra đã nhập về Việt Nam nhiều đợt hàng lê Hàn Quốc (mỗi đợt 10 tấn) và rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Để đa dạng chủng loại, mới đây, chúng tôi đã nhập thêm lê Hà Lan. Trong đợt thử nghiệm này, chúng tôi nhập 18 tấn để thăm dò thị trường. Nếu bán chạy, chúng tôi sẽ tăng số lượng trong thời gian tới”.
Cũng theo đại diện Satra, các sản phẩm này ngoài bán tại các siêu thị Satramart, cửa hàng tiện lợi Satrafoods còn được “chào hàng” tại những hệ thống siêu thị khác.
Ngoài trái cây và thực phẩm, năm 2015, Satra đã đầu tư vào lĩnh vực phân phối xăng. Hiện tại Satra đã có 15 cửa hàng xăng dầu và 40 đại lý phân phối mặt hàng này tại TP.HCM. Năm 2015, sản lượng tiêu thụ vượt kế hoạch 30.000 tấn xăng dầu mà doanh nghiệp này đặt ra.
Trước Satra, Công ty TNHH MTV Phân phối Saigon Co.op (SCD) làm nhà phân phối độc quyền các loại bút Paker & Watermen từ Tập đoàn Newell Rubbermaid (Mỹ). SCD còn là nhà phân phối Pantene, Head & Shoulders, Olay của Tập đoàn P&G (Mỹ), nhân sâm Jinghansam (Hàn Quốc), túi thời trang Looks của Tập đoàn Hotta (Nhật).
Chưa dừng lại ở đó, Công ty còn đẩy mạnh phân phối các sữa dinh dưỡng Complete, sữa Goldluck & Kidluck (Mỹ), dao cạo Razor (Mỹ), bánh Royal và Copenhagen của Tập đoàn Kelsen (Đan Mạch).
Không chỉ có Saigon Co.op và Satra mà cả Big C cũng là nhà phân phối lớn của thương hiệu Casino. Là công ty con của Tập đoàn Casino (Pháp), Big C đã nhập về các loại thịt nguội, pa tê... và hàng thời trang của tập đoàn này.
Tiếp tục khai phá
Trong lĩnh vực phân phối, việc tận dụng hệ thống chuỗi bán lẻ sẵn có là những lợi thế mà những nhà phân phối trên đang khai thác.
Hiện tại, Satra sở hữu Centre Mall Phạm Hùng diện tích gần 7.500m2, 2 siêu thị Satramart và chuỗi 80 cửa hàng Satrafoods tại TP.HCM. Theo đại diện Satra, trong năm nay sẽ nâng hệ thống cửa hàng Satrafoods lên con số 100. Satra cũng sẽ mở thêm 2 siêu thị Satramart tại TP.HCM.
Đây chính là cơ sở để Satra mở rộng mảng phân phối. Và cùng với việc đưa hàng vào hệ thống của mình, Satra sẽ đưa hàng vào các hệ thống bán lẻ khác.
Bởi theo kế hoạch, trong năm 2016, Satra sẽ đẩy mạnh việc phát triển hệ thống bán lẻ, trong đó sẽ phát triển mạnh mảng bán lẻ nội địa và cả xuất nhập khẩu. Hiện Satra đang tìm nhà phân phối ngoài hệ thống để quảng bá thương hiệu và phát triển mạng lưới phân phối những sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao với giá cả cạnh tranh.
Trong khi đó, Saigon Co.op bên cạnh là thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam còn phấn đấu trở thành nhà phân phối chuyên nghiệp, mà trong đó SCD là một thương hiệu được nhiều người biết đến. Mục tiêu này, theo chia sẻ của đại diện Saigon Co.op là “sẽ không quá xa”.
Lý do để Saigon Co.op tin vào điều này vì những sản phẩm mà SCD phân phối đều là những thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng Việt Nam cũng như trên thế giới đánh giá cao. Chẳng hạn như bút Paker & Watermen hay các sản phẩm Pantene, Head& Shoulders, Olay đều của những tập đoàn lớn của Mỹ.
Hiện nay, bên cạnh các loại bút cao cấp Paker & Watermen, để đa dạng nguồn hàng và cũng là để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng đặc biệt, SCD còn phân phối các sản phẩm dành cho phái mạnh như bóp da, dây lưng thương hiệu Paker & Watermen. Trong thời gian tới, SCD sẽ tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm phân phối tại Việt Nam.
Theo phân tích của một chuyên gia thị trường, với kinh nghiệm dạn dày trong lĩnh vực bán lẻ, các thương hiệu Saigon Co.op, Satra sẽ làm tốt vai trò của nhà phân phối. Vì chỉ cần đưa hàng vào hệ thống bán lẻ sẵn có, các doanh nghiệp này đã có lượng khách hàng đáng kể.
Bên cạnh đó, với lợi thế của nhà phân phối lớn, họ có thể đàm phán với đối tác để có giá hàng tốt. Chẳng hạn như với Saigon Co.op, đơn vị này hiện sở hữu 2 trung tâm thương mại Sen City, một đại siêu thị Co.opExtra, 80 siêu thị Co.opmart, gần 100 cửa hàng Co.op Food, hơn 200 cửa hàng Co.op.
Đó là chưa kể, Saigon Co.op còn đồng sở hữu thương hiệu trung tâm thương mại khá lớn với đối tác Singapore là SC VivoCity. Ngoài việc tận dụng kênh bán lẻ mạnh và sẵn có, SCD còn xây dựng mạng lưới phân phối riêng với những cửa hàng tại các trung tâm thương mại sang trọng khác. Cụ thể, với thương biệu bút Paker & Watermen, SCD có 12 cửa tại Parkson, Vincom, Unionsquare...
>FMCG và "quyền lực" nhà bán lẻ
>Nhà bán lẻ Hàn Quốc: Chia thế chân vạc với Nhật, Thái
>5 công ty Việt lọt top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á