Thị trường thực phẩm hữu cơ: Cờ vào tay ai?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:32, 03/04/2016
Hành trình để đưa một thực phẩm sạch từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng không hề đơn giản đối với những nhà đầu tư (NĐT) chân chính”. Với họ đều cần có thời gian, nhân lực và tài lực.
Chấp nhận đường dài
Gần đây, giới doanh nghiệp (DN) Việt Nam lẫn các nhà đầu tư Việt kiều bắt đầu chủ động đầu tư sản xuất, chế biến nông sản theo tiêu chuẩn hữu cơ, nhằm tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm không chỉ ở thị trường trong nước.
Theo đó, với các loại rau, củ, quả tươi đơn thuần, các DN bắt đầu khai thác sâu từ khâu đầu đến khâu cuối, như thực phẩm sấy, đóng gói, nhưng đầu ra vẫn không tốt. Điều này có mâu thuẫn với rất nhiều mặt hàng Organic nhập khẩu đang được bày bán ở thị trường Việt Nam?
Theo đại diện Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt, các loại thực phẩm Organic nhập khẩu đang được DN bày bán dù giá cao nhưng vẫn có lượng khách hàng nhất định. Cho thấy nhu cầu là có thực vì hàng nhập khẩu đã tạo được lòng tin ở người tiêu dùng. Và những DN Việt Nam chân chính, điều này lại càng là thử thách.
Phân tích vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Chung, cổ đông của Orana Việt Nam, cho rằng, với cách “ăn xổi ở thì” của không ít DN Việt Nam trong lĩnh vực này vô tình làm tổn hại cả một ngành hàng đang được đánh giá là rất có tiềm năng.
Là DN hoạt động 5 năm trong lĩnh vực thực phẩm sạch tại TP.HCM, đã đưa ra thị trường các loại thanh long sấy xuất khẩu sang Mỹ, gạo sạch được khai thác từ vùng đất lúa - tôm, bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Gap, cho rằng, đến thời điểm này, DN vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Hai năm trước, khi chuẩn bị cho ra đời gạo hữu cơ, bà Tú Anh ấp ủ xây dựng hệ thống cửa hàng phân phối thực phẩm sạch, đầu tiên là ở TP.HCM. Nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành phố lớn. Song, chỉ sau hai năm, ước mơ ấy đã không còn.
Lý giải điều này, bà Tú Anh cho hay: “Việc chinh phục khách hàng lẫn nông dân đồng hành với DN trong hành trình sản xuất thực phẩm sạch đã rất khó, cạnh tranh đầu ra sản phẩm còn khó khăn hơn. Vì vậy, để có thể đi đường dài trên cuộc đua đem thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, hiện nay chúng tôi một mặt phải mở rộng đầu tư sang ngành hàng khác, một mặt song hành làm thực phẩm sạch, chỉ có cách lấy ngắn nuôi dài mới có thể trường kỳ với đường đua đem thực phẩm sạch đến cho người tiêu dùng”.
Khó khăn của Công ty Nông nghiệp Gap đã phần nào cho thấy sự vất vả của DN Việt Nam trên con đường làm thực phẩm hữu cơ. Song nhìn lại thành quả sau 5 năm, rõ ràng Nông nghiệp Gap còn may mắn hơn nhiều DN khác, bởi thực tế có không ít NĐT “ngã ngựa” sau thời gian sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ.
Đơn cử là trường hợp của một DN sản xuất nước mắm chay từ nấm. Hơn năm trước, DN này hồ hởi giới thiệu với báo giới nước mắm chay Organic, và cũng không giấu niềm vui khi cho biết đang đầu tư vùng trồng để khép kín và nội địa hoá vùng nguyên liệu thay vì phải nhập khẩu nấm từ nước ngoài. Song mới đây, DN này cho hay chương trình đã ngừng vì khó khăn đầu ra.
Nhiều DN sẵn sàng áp dụng dây chuyền sản xuất sạch, công nghệ chế biến hiện đại, nhưng nông sản sạch của Việt Nam không thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của một số nước, mặc dù được sản xuất hoàn toàn tự nhiên, đạt chất lượng hữu cơ 100%.
Nguyên nhân sâu xa vẫn được các DN nêu lên là giá hàng Việt vẫn cao hơn hoặc tương đương với hàng hữu cơ ngoại nhập nên rất khó để cạnh tranh.
Khi các “ông lớn” vào cuộc
Trước “sàn đấu” khá gay gắt của ngành hàng thực phẩm hữu cơ, việc các DN lớn trong ngành thực phẩm đẩy mạnh đầu tư đang rất được kỳ vọng.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit, thị trường nhiều nước đang đón nhận nông sản sạch của Việt Nam. Với thế mạnh trong lĩnh vực trái cây sấy, ông Viên cho rằng, Vinamit có thể tạo giá trị gia tăng lên đến ít nhất 50% so với sản phẩm thường.
Nhìn thấy được tiềm năng này, Vinamit đã mạnh dạn đầu tư chế biến nông sản hữu cơ nhằm kỳ vọng tạo ra giá trị gia tăng vài chục cho đến 200%.
Trên thực tế, điều này đã được Vinamit chứng minh tại Thái Lan, cụ thể đối với trái cây sấy dẻo như quýt, khóm (dứa), đu đủ... đều có mức giá từ vài trăm ngàn đồng cho đến hơn một triệu đồng/kg.
Nếu như Vinamit tập trung đầu tư cho sản phẩm từ trái cây được trồng theo mô hình sạch, thì mới đây, ông Đỗ Ngọc Olivier Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Dynasty, cũng tiết lộ, DN đang triển khai hệ thống nông nghiệp theo hình thức trồng trọt hữu cơ.
Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ giống, kỹ thuật theo phương pháp hữu cơ cho nông dân, DN còn mua lại với giá tốt để họ yên tâm canh tác. Do đang ở giai đoạn đầu, nên Dynasty vẫn nhập khẩu thêm thực phẩm hữu cơ đóng gói từ một số nước để phân phối tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Dũng, việc đầu tư vào nông sản sạch, hữu cơ, lợi nhuận đem lại không lớn, nhưng ông tin đây vẫn là lĩnh vực tiềm năng để kêu gọi nhiều NĐT cùng tham gia.
Tại Mỹ, ngành hữu cơ rất được phát triển, với hơn 25.000 hoạt động hữu cơ được chứng nhận tại hơn 120 quốc gia khác nhau trên toàn cầu. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), hiện đã có 18.513 trang trại và DN đã đạt đứng nhận hữu cơ tại đất nước này, tăng 245% kể từ năm 2002. Chỉ trong hơn 10 năm, nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ đã phát triển theo cấp số nhân, với doanh số bán lẻ đạt ở mức trên 35 tỷ USD. Hiện, USDA đã ký ba hiệp định thương mại lớn về các sản phẩm hữu cơ với Canada, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản. Theo đó, phía Mỹ cho rằng, các đối tác thương mại đang muốn thiết lập những Chương trình hữu cơ tương đương Mỹ, bởi vì họ nhận ra sức mạnh của chương trình Hữu cơ Quốc gia và giá trị của nhãn hàng hữu cơ của USDA. |
>Thị trường thực phẩm hữu cơ: Ma trận Organic Foods
>Thực phẩm hữu cơ: Vừa ngon vừa bổ
>Thực phẩm organic - Hướng kinh doanh mới cho nông nghiệp Việt