Học cách tự do tài chính như các tỷ phú thế giới
Phong cách sống - Ngày đăng : 06:47, 05/04/2016
Từ việc tỉ phú Ingvar Kamprad mới đây tiết lộ ông thường xuyên cắt tóc khi tới thăm các nước đang phát triển (ông từng cắt tóc ở nước ta) và hầu hết đồ dùng ông sử dụng là đồ cũ mua ở chợ trời (dù giá trị tài sản ròng của ông là 39,3 tỉ USD – được công bố bởi tạp chí Forbes tính đến cuối năm 2015), chúng ta có thể rút ra hai bài học từ cách tạo thu nhập và cách chi tiêu của những tỉ phú giàu nhất thế giới hiện nay để tạo ra sự tự do về tài chính cho mình như cách họ vẫn đang làm hằng ngày.
Đọc E-paper
1. Nguồn thu nhập: Học cách để tiền bạc làm việc cho bạn
Trong quyển Dạy con làm giàu, Robert Kiyosaki đã trình bày bốn nhóm tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu trong xã hội ngày nay gồm: (1) Người làm công ăn lương; (2) Người tự làm việc cho chính mình (một số việc ở Việt Nam như tự kinh doanh trên mạng, làm tự do, bác sĩ mở phòng mạch tư, chủ cửa hàng tạp hóa, hoa quả…); (3) Chủ doanh nghiệp, công ty; (4) Nhà đầu tư (cổ phiếu, chứng khoán, vàng, bất động sản…). Theo đó, những tỉ phú hiện nay đều có thu nhập chính từ nhóm 4 – nơi tiền bạc làm việc cho họ.
Thu nhập của bạn đến càng nhiều từ nhóm 3 và nhóm 4 càng giúp bạn dễ dàng có được sự tự do về mặt tài chính hơn so với việc thu nhập đến từ nhóm 1 và 2.
Tính đến ngày 30/5/2005 (thời điểm Bill Gates vẫn đang làm việc ở Microsoft), ông nhận tổng số lương và thưởng mỗi năm là 600.000 USD, trong khi những cấp dưới của ông, cụ thể là Giám đốc Microsoft Office – Jeff Raikes nhận tổng mức lương thưởng là 1,15 triệu USD. Thời điểm ấy, khối tài sản của Bill Gates đã là 51 tỉ USD và số tiền này đến từ giá trị cổ phần mà ông nắm giữ ở Microsoft.
Những người kiếm tiền từ nhóm 3 và nhóm 4 được gọi là nhóm người sở hữu cơ chế tự động, tiền bạc hoặc hệ thống công việc đang kiếm tiền một cách tự động cho họ. Họ có thể chủ động sắp xếp thời gian đi du lịch, thăm họ hàng, bạn bè mà không phải bận tâm thu nhập của họ có bị ảnh hưởng hay không. Trong khi những người thu nhập đến nhiều từ nhóm 1 và 2 buộc phải cân nhắc xem liệu việc họ nghỉ một vài ngày như vậy sẽảnh hưởng như thế nào tới tình hình tài chính của họ sau này.
Những người từng có thu nhập thuộc nhóm 4 hoặc có mục tiêu và rèn luyện kỹ năng để có được thu nhập chủ yếu từ nhóm này sẽ dễ dàng tạo ra nền tảng tài chính bền vững và tránh khỏi những cú sốc “trúng số”.
Có lẽ bạn đã nghe không ít những câu chuyện về những người chỉ vài năm sau khi có được hàng tỉ đồng từ việc bán đất, trúng vé số… lại quay về với cuộc sống cũ và thậm chí còn khốn khó hơn cả lúc đầu. Không phải họ không biết sử dụng tiền bạc, họ chỉ là không có kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để có được thu nhập từ nhóm 4, nơi mang lại cơ chế tài chính bền vững cho tương lai của họ, để đến khi sử dụng đến những đồng tiền cuối cùng, họ phải quay lại việc tạo thu nhập từ nhóm 1 và 2, nơi họ thông thạo nhất.
Chính vì vậy, giống như hầu hết những lời khuyên mà bạn thường nghe, hãy bắt đầu học và tích lũy kinh nghiệm cho mình từ việc đầu tư và xây dựng hệ thống – để tiền bạc làm việc cho bạn, càng sớm càng tốt.
2. Cách chi tiêu: Hành trình kiếm tìm sự hạnh phúc
Hãy xem sự tự do về tài chính của bạn cũng tương tự như hạnh phúc mà bạn có, tỉ phú giàu thứ ba thế giới, huyền thoại đầu tư Warren Buffett từng chia sẻ: “Cuộc đời tôi không thể hạnh phúc hơn được nữa, nếu có thêm năm hay sáu căn nhà chỉ khiến cuộc đời tôi tồi tệ đi, tôi không cần thêm bất cứ điều gì, nó không làm cho tôi khác biệt”.
Những tỉ phú luôn biết cách tránh xa “cuộc đua tiền bạc” – biểu hiện của sự ganh tỵ bắt chước và hơn thua, thông qua việc muốn sở hữu những điều chỉ nhằm mục đích thể hiện họ “hơn” người khác, mà không biết thật sự mình muốn gì.
Như việc nhiều bạn trẻ chưa làm ra tiền cố gắng thậm chí là phải vay mượn chỉ để mua một chiếc iPhone 6s không phải vì yêu thích nó, không phải vì cần nó cho công việc, cần để xây dựng hình ảnh cho mình hay cần những tính năng tiện lợi hơn, mà chỉ vì một người bạn của họ vừa mua một chiếc iPhone 6s!
Việc Warren Buffett đang sống trong ngôi nhà ở Omaha mua từ năm 1958 với giá hiện tại vào khoảng 250.000 USD (tài sản ròng của ông là hơn 60 tỉ USD), hay việc Micheal Bloomberg trong suốt mười năm chỉ sử dụng hai đôi giày (giá trị tài sản của ông là 40 tỉ USD)… nói lên rằng, tiết kiệm không chỉ giúp những tỉ phú này có nhiều tiền hơn để đầu tư mà còn giúp họ bảo vệ mình khỏi “cuộc đua tiền bạc”, có được cuộc sống hạnh phúc và thảnh thơi hơn.
Hãy nghĩ xem, nếu bạn luôn hài lòng và thoải mái với chiếc xe máy bình thường thì sẽ chẳng có lý do gì bạn phải bận tâm khi ông bạn mình vừa đổi từ chiếc Toyota lên Ferrari cả.
“Đừng nhầm lẫn chi phí cuộc sống với chất lượng cuộc sống” – Warren Buffett kết luận – bởi việc bạn chạy theo “cuộc đua tiền bạc” chỉ là việc bạn đang chạy theo hạnh phúc của người khác.
>Chiến thắng bản thân để hoàn thành mục tiêu tài chính