CEO "hàng không bikini" lọt top doanh nhân quyền lực nhất châu Á
Chân dung - Ngày đăng : 07:32, 07/04/2016
Danh sách của Forbes năm nay có tên bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch kiêm CEO PNJ, bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Sovico Holdings.
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen). Các đại diện năm nay đến từ 14 quốc gia và tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh. Trung Quốc thống trị danh sách với 14 đại diện, theo sau là Ấn Độ, Thái Lan và Singapore.
Năm nay, Việt Nam có 3 đại diện. Đó là bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch kiêm CEO Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Sovico Holdings.
Bà Cao Thị Ngọc Dung thành lập PNJ năm 1998. Từ một cửa hàng, bà đã gây dựng PNJ thành thương hiệu trang sức lớn nhất Việt Nam, với hơn 3.000 nhân viên và 200 cửa hàng. Năm 2015, PNJ đạt doanh thu 350 triệu USD và lợi nhuận 23 triệu USD. PNJ niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2004 và bà Dung hiện sở hữu 17% công ty.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng học tại Nga thập niên 90, là cổ đông lớn kiêm nhà sáng lập Sovico. Công ty này sở hữu HD Bank và hãng bay giá rẻ VietJet Air. Năm 2014, công ty này sáp nhập với DaiA Bank, hiện có tổng tài sản 5 tỷ USD, 10.000 nhân viên và 225 chi nhánh. Trong khi đó, VietJet Air thành lập năm 2011, hiện có 29 máy bay và thị phần tại Việt Nam ngày càng tăng.
Bà Thái Hương đã xuất hiện trong danh sách này từ năm ngoái. Bà mới chỉ tham gia vào lĩnh vực sữa từ năm 2009 với cam kết thay đổi ngành sữa Việt Nam, tập trung vào sữa nước thay vì sữa bột. Năm ngoái, bà đầu tư 2,7 tỷ USD vào nông nghiệp Nga, trong đó có một trang trại 500 triệu USD. Mục tiêu là một đàn bò 350.000 con, sản xuất 1,8 triệu lít sữa một năm.
Năm 2015, doanh thu TH ước tính đạt 215 triệu USD và lợi nhuận 45 triệu USD. Năm 1994, bà thành lập Ngân hàng Bắc Á với tổng tài sản gần 3 tỷ USD. Bà Hương hiện là cổ đông lớn tại cả TH và Bắc Á.
Để chọn ra danh sách năm nay, Forbes dựa trên các tiêu chí: doanh thu công ty (thường là hàng tỷ USD), vị trí của ứng cử viên trong công ty và mức độ tham gia vào công việc. Cựu Chủ tịch Vinamilk - bà Mai Kiều Liên đã 4 lần liên tiếp lọt danh sách từ năm 2012 đến 2015.
Những năm sau, Việt Nam có thêm nhiều đại diện khác, là bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang, bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á (SeAbank).
Năm ngoái, 2 nữ CEO Việt Nam vào danh sách của Forbes là bà Mai Kiều Liên và bà Thái Hương.
>2 "nữ tướng" ngành sữa Việt vào Top 50 nữ doanh nhân châu Á
>Bloomberg: IPO thành công, "hàng không bikini" giàu đến mức nào?