Dai dẳng bất bình đẳng trong cạnh tranh
Sống đẹp mỗi ngày - Ngày đăng : 06:26, 20/04/2016
![]() |
Việt Nam đang hội nhập nhưng với vị thế cạnh tranh tương đối thấp. Trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam có mức độ cạnh tranh thấp nhất.
Đọc E-paper
Theo tất cả các tiêu chí đánh giá về cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đều ở thứ hạng thấp, kể cả về năng lực doanh nghiệp (DN) cũng như năng lực thể chế, hay sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Sau 20 năm tham gia ASEAN, Việt Nam vẫn đứng ở vị trí thứ 7, không vượt lên được vị trí cao hơn, thậm chí, vị trí này cũng đang chịu thách thức bởi các nước có vị trí thấp hơn đang vượt lên như Lào, Campuchia, Myanmar.
Gạo Campuchia đang vượt lên gạo Việt Nam, tới đây là gạo của Myanmar, dù gạo là ngành được Việt Nam tập trung cao độ, gần như ưu tiên tuyệt đối trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam đang thua rất rõ về cách tiếp cận, cách cạnh tranh.
Trong nhiều lĩnh vực khác, 3 nước nói trên cũng đang vượt lên bằng những động thái rất mạnh mẽ về cải cách thể chế. Thách thức này với Việt Nam là rất lớn.
Đối với trong nước, không chỉ là cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khối tư nhân. Thông điệp về cạnh tranh trong Báo cáo Việt Nam 2035 rất mạnh mẽ, chỉ rõ về sự bất bình đẳng giữa DNNN với khu vực tư nhân trong nước cũng như giữa DN FDI với khu vực tư nhân trong nước.
Lâu nay, Việt Nam vẫn có chính sách ưu tiên số 1 là DNNN, số 2 là DN FDI, còn khu vực tư nhân trong nước gần như không có gì. Hiện, FDI không có sự lan tỏa và đang trở thành lực lượng cạnh tranh mang tính chất chèn ép các DN trong nước, làm cho DN trong nước ngày càng khó khăn và teo tóp.
Báo cáo Việt Nam 2035 nêu rõ hiện tượng bất bình đẳng giữa các DN thân hữu với các DN không có quan hệ thân hữu. Trong nhóm thân hữu, gồm các DNNN, một số lớn DN FDI và một số ít DN tư nhân trong nước có quy mô lớn, còn đông đảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và tư nhân khác không có quan hệ thân hữu, không thể tiếp cận nguồn lực, không phát triển được do thiếu những chính sách phù hợp.
Thiếu vắng sự liên kết giữa DN lớn, trung và nhỏ cũng được báo cáo này đề cập. DN lớn đáng lẽ phải là nòng cốt, là lực lượng dẫn dắt, tạo liên kết với DN nhỏ, nhưng thực tế DN lớn không sử dụng dịch vụ, sản phẩm của DN nhỏ. Như vậy, DN lớn đã tước đoạt nhiều cơ hội của DNNVV. Mất đi mảng thị trường của mình, nên 10 năm qua, DNNVV tiếp tục nhỏ đi. Những điều đó tạo thành một nền kinh tế có nhiều vấn đề trong cạnh tranh.
Cũng trong Báo cáo Việt Nam 2035, mối lo về "hiện tượng Mexico" trở nên hiện hữu, bất chấp nền kinh tế vẫn tiếp tục có tăng trưởng. Nhưng tăng trưởng đó được dẫn dắt bởi một nhóm DN nhất định, được sử dụng nhiều nguồn lực và có năng lực cạnh tranh, thậm chí cạnh tranh quốc tế, nhưng đã bỏ lại đằng sau một nền kinh tế với đông đảo DNNVV không vượt lên được.
Điều này từng xảy ra ở Mexico và được nhắc đến nhiều ở các nước phát triển trên thế giới. Ở đây, những bất bình đẳng gắn liền với tư duy, rõ ràng ở Việt Nam chưa có tư duy ủng hộ cạnh tranh, tư duy phản cạnh tranh vẫn phổ biến hơn mà nếu không ngăn chặn, sẽ khó vượt lên được.
Một bất bình đẳng nữa là giữa Nhà nước với DN và giữa Nhà nước với người dân. Không chỉ chèn ép thông qua công cụ của nhà nước, việc tham gia nhiều hoạt động mang tính chất thương mại, dịch vụ công mà lẽ ra có thể xã hội hóa được, Nhà nước chèn ép trên thị trường ở một mức độ nhất định, buộc người dân phải chấp nhận giá cao mà không có quyền mặc cả, chọn lựa.
Cạnh đó là việc huy động quá nhiều trái phiếu chính phủ. Nguồn lực tài chính ở các ngân hàng, thay vì dành cho DN vay, nhất là DNNVV và nông dân, thì lại dùng để mua trái phiếu chính phủ. Cách này dễ dàng hơn rất nhiều cho các ngân hàng, vừa được Chính phủ bảo lãnh, vừa được tiếng về chính trị. Những động thái này đưa Nhà nước cạnh tranh trực tiếp với DN.
Cạnh tranh ở Việt Nam có nhiều khía cạnh khác nữa, nhưng một khía cạnh không thể không nhắc đến là quyền của người tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng. Nước ta có các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề này, nhưng quyền và bảo vệ người tiêu dùng trên thực tế rất mờ nhạt, bị mất gần như hoàn toàn.
Thành ra, người tiêu dùng ở Việt Nam vừa không được bảo vệ lợi ích chính đáng trước các vấn đề về giá cả, chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn, vệ sinh an toàn thực phẩm đang nổi lên là vấn đề quá lớn hay ô nhiễm về môi trường trở thành vấn đề lớn nhưng chưa được giải quyết, chưa ai đứng ra chịu trách nhiệm. Quyền chọn lựa của người tiêu dùng rất hẹp trước tất cả các độc quyền khác nhau, độc quyền DN, độc quyền nhóm...
Tới đây, cùng với việc bổ sung, sửa đổi Luật Cạnh tranh, các nhà hoạch định chính sách cần xem xét vấn đề trách nhiệm với người tiêu dùng. Cạnh đó, cần tăng cường mối liên kết và trách nhiệm cao hơn của cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh Việt Nam. Đấy là vấn đề phải quan tâm nhất, bởi nếu không sẽ khiến cho Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các cam kết của TPP.
HẢI VÂN ghi
>Áp thuế tự vệ thép: Tạo bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp?
>Khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 1,5 tỷ USD trong 11 tháng
>Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa khó "lớn"?