Ngành ngân hàng: Thay "tướng" mùa đại hội cổ đông

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:41, 21/04/2016

Biến động nhân sự cấp cao của nhiều ngân hàng vẫn tiếp diễn khi thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) trở nên sôi động hơn trong mùa đại hội cổ đông năm nay.
Ngành ngân hàng: Thay

Dấu ấn của mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay là sự biến động nhân sự của nhiều ngân hàng (NH) tiếp tục diễn ra. 

Đọc E-paper

Chỉ sau hơn 3 năm đẩy mạnh chủ trương tái cấu trúc, ngành NH có sự cải tổ đáng ghi nhận khi đã loại bỏ dần những NH yếu kém, kéo theo đó là sự ra đi của hàng loạt lãnh đạo NH.

Mùa ĐHCĐ năm 2016, biến động nhân sự cấp cao của nhiều NH vẫn tiếp diễn khi thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) còn sôi động hơn. 

Chẳng hạn, tại Eximbank, ông Trần Tấn Lộc - Phó tổng giám đốc giữ quyền CEO mới được vài tháng thì mới đây được thay thế bằng ông Lê Văn Quyết. Trước đó, ngày 15/12/2015, ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập Eximbank đã được bầu ngồi vào ghế "nóng" chủ tịch HĐQT.

Điều này trái với thông tin trước đó cho rằng, người ngồi ghế "nóng" Eximbank nhiệm kỳ mới sẽ thuộc về ông Cao Xuân Ninh - Trưởng Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Văn phòng 2 tại TP.HCM.

Cùng thời điểm, tuy việc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank đã hoàn tất và sắp tới đây, Sacombank chuẩn bị ĐHCĐ bất thường, nhưng người từng nắm quyền phó chủ tịch HĐQT thường trực phải bàn giao công việc trước ngày 30/10/2015 và ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị Sacombank sau tái cơ cấu.

Theo văn bản của NHNN, ông Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và Điều lệ SouthernBank.

Thông qua số cổ phần đã ủy quyền này, NHNN đang có tỷ lệ cổ phần của Sacombank sau hợp nhất và là cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối tại đây.

Thị trường còn xuất hiện thông tin khả năng ghế "nóng"điều hành CEO Sacombank cũng sẽ thay đổi. Như vậy, một lần nữa bộ máy nhân sự cấp cao của Sacombank lại có sự biến động, trong khi đó nhiều người từng nghĩ rằng, ông Trầm Bê sẽ là người nắm quyền điều hành NH này lâu dài sau khi cùng nhóm cổ đông lớn thâu tóm quyền điều hành Sacombank.

Cũng có nhiều thông tin cho thấy khả năng NHNN sẽ chỉ định người của Vietcombank sang điều hành Sacombank ở vị trí ghế "nóng" chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới.

Trước đó, HĐQT Sacombank đã thống nhất chọn ngày 14/3/2016 là ngày đăng ký cuối cùng để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về số lượng thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2016 - 2020...

Trong nội dung thông báo có điều đáng chú ý, việc thông qua dự kiến số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 5 - 7 thành viên, trong đó có một thành viên HĐQT độc lập.

Sacombank còn dự kiến số lượng thành viên BKS nhiệm kỳ 2016 - 2020 là 3 người đều là thành viên chuyên trách. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, Sacombank cho biết, xin hủy việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về số lượng thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Lý do Sacombank thôi hỏi ý kiến bằng văn bản bởi theo quy định, việc quyết định số lượng thành viên HĐQT và BKS phải thực hiện trực tiếp tại ĐHCĐ. Đến nay, nhân sự Sacombank vẫn là ẩn số đối với cổ đông, nhà đầu tư và thị trường tài chính.

Bởi trước đó, sau khi Sacombank bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông lớn, ông Phạm Hữu Phú đã ngồi ghế "nóng" Chủ tịch HĐQT Sacombank kể từ ngày 2/11/2012. Tuy nhiên, đến ngày 24/3/2014, HĐQT Sacombank thống nhất thông qua đơn xin từ nhiệm của ông Phú vì lý do cá nhân.

Đồng thời, HĐQT Sacombank bầu ông Kiều Hữu Dũng, Phó chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT độc lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Không chỉ Sacombank, Eximbank mà còn khá nhiều NH đang có kế hoạch thay một số vị trí chủ chốt khi ĐHCĐ diễn ra, đặc biệt là những NH nhỏ có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng có thiên hướng bị sáp nhập.

Đơn cử, kế hoạch đưa ra cho năm 2015, Saigonbank tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng, (tăng 920 tỷ đồng so với năm 2013) theo phương án đã trình ĐHCĐ thông qua.

Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa chưa thể triển khai. Một phần do Saigonbank là NH nhỏ và trước áp lực M&A khiến cổ đông không mặn mà rót vốn.

Thị trường từng xuất hiện thông tin Saigonbank sẽ về chung nhà Vietcombank và lãnh đạo NHNN đã xác nhận điều này. Thế nhưng, trước câu hỏi của nhiều cổ đông về việc tại sao chưa có thông tin sáp nhập, HĐQT Saigonbank cho biết "chủ trương của NH là tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và nâng cao năng lực tài chính, quản trị, còn về vấn đề sáp nhập, hiện Saigonbank vẫn chưa tính đến".

Cuối năm 2015, Saigonbank đã đưa ra thông báo đến cổ đông về việc thay đổi nhân sự cấp cao ở vị trí chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Nguyễn Phước Minh thôi đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2013-2017 từ ngày 1/9 để nghỉ hưu theo chế độ.

Người thay thế ông Minh là ông Trần Quốc Hải, thành viên HĐQT, ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2013 - 2017 từ ngày 1/9/2015. Saigonbank chưa tiến hành ĐHCĐ...

Có thể thấy, với những thay đổi về nhân sự tại NH hiện nay, tính chất "ngắn hạn" vẫn nhiều hơn "chiến lược". Điều này lý giải vì sao nhiều cổ đông tỏ ra bức xúc vì quyền lợi của họ ngày một mờ mạt. Bởi một trong những người ngồi vào vị trí điều hành tại một số NH chưa thể hiện được gì nhiều, thậm chí họ còn không nắm giữ cổ phiếu.

Vì vậy, không ít người đặt câu hỏi "khi lợi ích không có, họ có nỗ lực để phát triển NH hay chỉ muốn an nhàn hưởng lương?". Có nhiều NH quy mô không lớn vẫn chia cổ tức đều đặn, trong khi những NH lớn không chia cổ tức mà cổ phiếu bị rơi vào diện kiểm soát.

Theo đó, nhiều cổ đông cho biết, trong đợt ĐHCĐ lần này, họ sẽ tiếp tục chất vấn ban lãnh đạo về việc ai sẽ xứng đáng được ngồi vào vị trí lãnh đạo.

>Giá trị thực qua đại hội cổ đông

>Thấy gì từ những đại hội cổ đông bất thường?

> Đại hội cổ đông thành sàn mua bán doanh nghiệp

LINH CHI