Indonesia làm gì để chống đánh bắt cá trái phép?
Quốc tế - Ngày đăng : 06:54, 28/04/2016
Indonesia sẽ sử dụng dữ liệu thu được từ các vệ tinh thu nhỏ trên toàn cầu để xác định vị trí các tàu cá hoạt động trái phép trên vùng biển nước này.
Đây là thỏa thuận giữa chính phủ Indonesia với công ty công nghệ Spire Global được công bố ngày 27/4.
Thỏa thuận được ký kết giữa Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti và công ty Spire Global, cho phép công ty này sử dụng một loạt vệ tinh nhỏ phát hiện và theo dõi các tàu đi qua lãnh hải Indonesia.
Theo quy định của luật pháp quốc tế, các tàu hoạt động trên biển thường xuyên phải phát tín hiệu "ping" thông qua sóng vô tuyến để thông báo và xác định vị trí với các tàu khác nhằm tránh xảy ra va chạm.
Các vệ tinh của hãng Spire, có kích thước nhỏ hơn chai rượu, thu thập thông tin các tàu, nhanh chóng đưa ra sơ đồ di chuyển của các tàu một cách chính xác, và truyền dữ liệu này cho các cơ quan chức năng ở mặt đất.
Giám đốc Phát triển Kinh doanh của công ty Spire Global, ông Mark Dembitz, cho biết với công nghệ này, Indonesia có thể đối phó với những tàu có dấu hiệu khả nghi như tắt hệ thống tiếp sóng khi đi qua lãnh hải nước này.
Bên cạnh đó, công nghệ này còn cho phép Indonesia giám sát chặt chẽ đặc khu kinh tế lớn của nước này ở quần đảo Natuna trên Biển Đông.
Indonesia là quốc đảo rộng lớn, với khoảng 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, có chính sách cứng rắn với hoạt động đánh bắt cá trái phép trên vùng biển nước này.
Sau khi nhậm chức hồi tháng 10/2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên chiến với hoạt động đánh bắt cá trái phép và đã ra lệnh các cơ quan chức năng nước này áp dụng các biện pháp cứng rắn.
Thống kê cho thấy kể từ năm 2014, Indonesia đã đánh chìm hơn 170 tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trên vùng biển nước này.