Abu Simbel: Sự kỳ diệu của kiến trúc miền biên giới Ai Cập
Du lịch - Ngày đăng : 00:23, 05/05/2016
Sau chuyến bay từ Cairo đến Aswan, chúng tôi chọn chỗ nghỉ ngơi ở một khách sạn lớn vốn từng là lâu đài của vua Farouk. Mọi người chấp nhận sự “xa hoa” này bởi vì khách sạn nằm bên bờ sông Nile, nơi chúng tôi có thể quan sát một phần đời sống sông nước Ai Cập. Hơn nữa, sáng sớm hôm sau đoàn có chuyến đi thăm kỳ quan Abu Simbel – hành trình được cho là khá vất vả nên các thành viên cần có một buổi tối thật thư giãn trước khi đi tour.Đền đài trên Sahara
Sông Nile nổi tiếng là thế nhưng lại không rộng bằng nhiều sông ở Việt Nam. Từ khách sạn nhìn qua phía bên kia sông thấy rõ có nơi là bờ đá, có chỗ là nhà gạch hay phố phường. Thuyền buồm, thuyền máy, tàu nhỏ chở khách du lịch đi lại trên mặt nước khá náo nhiệt. Sở dĩ có thì giờ ngắm cảnh vì mọi người phải chờ đoàn xe đến đông đủ để cùng đi viếng đền Abu Simbel.
Các xe du lịch, xe bus viếng đền đều đi chung một lượt thành đoàn lớn, có xe cảnh sát hộ tống đi trước. Abu Simbel nằm cách biên giới Sudan chỉ 14 cây số nên việc đảm bảo an ninh cho du khách luôn được chính quyền địa phương coi trọng. Đoàn xe hộ tống có hai chuyến một ngày, một chuyến buổi sáng sớm và một chuyến buổi trưa. Tuy quãng đường dài đến 280 cây số nhưng đường sá tốt nên đi xe chỉ mất gần 3 giờ đồng hồ, đi máy bay thì mất nửa tiếng.
Abu Simbel trong ngọn núi nhân tạo |
Rời thành phố khoảng 20 phút, chúng tôi bắt đầu thấy các núi đá rộng lớn nhưng không cao lắm. Hai bên đường thấy toàn là cát và cát, mênh mông, vô tận, mút mắt, không có bóng cây hay nhà cửa gì. Hướng dẫn viên cho biết người Ai Cập thời xưa lấy đá từ các núi này để xây kim tự tháp. Họ chờ mùa nước nổi chở những tảng đá nặng hàng tấn từ Aswan về Giza (Cairo) bằng thuyền.
Xe đang đi qua sa mạc Sahara. Thỉnh thoảng có người nhìn trên mặt cát thấy loang loáng như nước hồ phản chiếu nhưng người hướng dẫn bảo đó là ảo giác, trên cung đường này không có ao hồ nào cả.
Đến nơi, từ bãi đậu xe đi theo con đường nhỏ trải nhựa chừng 15 phút hiện ra sừng sững ngọn núi cát rất cao. Đấy là mặt sau của đền Abu Simbel. Sân đền rộng rãi, có nhiều dãy ghế để du khách ngồi nghe hướng dẫn viên thuyết minh hay để xem trình diễn các tiết mục vui lạ.
Những hình vẽ thời cổ đại |
Mặt trước đền toàn bằng đá và theo lời hướng dẫn viên thì toàn thể ngôi đền là đá, núi cát nhân tạo mặt sau đền mới có gần đây, khi ngôi đền được mang lên mặt đất từ dưới nước sâu. Pharaoh Ramses II trị vì Ai Cập từ năm 1279-1213 trước Công nguyên đã cho dựng các công trình dọc theo sông Nile để ghi lại những chiến công của mình, trong đó có Abu Simbel gồm đền Vua với đền Hoàng hậu nổi tiếng bậc nhất về quy mô và vẻ đẹp.
Phía trước đền Vua ở Abu Simbel |
Ánh sáng trong đền Vua
Đền Vua cao 33 mét, rộng 38 mét, sâu 56 mét trong lòng núi. Mặt trước đền có bốn pho tượng Ramses II đang ngồi, mỗi tượng cao 22m. Tất cả đều được tạc từ hình tượng của ông khi đội vương miện Pharaoh. Dưới chân vua là tượng gia đình vua gồm hoàng hậu và các con. Tượng hoàng hậu Nefertari chỉ cao đến đầu gối vua và tượng các con cao đến bắp chân vua.
Từ đây chúng tôi đi thẳng vào bên trong hành lang. Cấu trúc càng vào trong càng hẹp dần. Hành lang đầu tiên có hai hàng tượng đá khoanh tay đứng ngay ngắn trên bục, vẻ mặt nghiêm trang, đội mũ như các vua, quan. Bước sâu vào hành lang thứ hai, rất nhiều bức phù điêu chạm khắc tinh xảo qua hàng ngàn năm bằng hình vẽ cũng như chữ tượng hình, thuật lại những chiến công lẫy lừng của Ramses II. Màu sắc các hình tượng chạm khắc trên tường đá, trần nhà còn đậm nét, gần như nguyên vẹn dù có thời gian dài bị ngâm dưới nước hồ Nasser.
Hành lang bên trong đền Vua |
Hình ảnh có ở khắp nơi, trên những cột đá, bệ thờ, vách đá, trần nhà, mỗi hình ảnh là một sự tích ly kỳ. Cuối hành lang có bốn tượng lớn nhất là tượng thần Ptah, thần Amun-Ra, vua Ramses II và thần Ra. Vua Ramses II tự cho mình là thần, là trời nên đứng ngang hàng với các vị thần khác ở vị trí cao quý nhất trong đền.
Căn cứ theo các hình tượng, văn bản khắc trên đá, Ai Cập là kho huyền thoại vô tận, nhiều tích cổ xưa nghe kể mãi không hết. Ngoài hành lang vừa nói, đền còn nhiều gian phòng lộng lẫy khác. Điều đặc biệt của ngôi đền là một năm hai lần vào ngày 22/2 và 22/12, tia nắng buổi sáng từ tiền đường rọi thẳng vào bốn pho tượng thần kéo dài được 24 phút. Ánh nắng này rọi nửa thân tượng của Ra và Amun-Ra, toàn thân tượng vua Ramses II. Điều này làm cho người Ai Cập rất hãnh diện về sự tính toán kỳ diệu của kiến trúc sư xếp đặt vị trí các pho tượng.
Cách đền Vua 120 mét về phía bắc là đền Hoàng hậu thờ người vợ nổi tiếng tài hoa của Ramses II. Đền cao 12m, rộng 28m, dài 17m, mặt tiền đền có sáu tượng đá, mỗi tượng cao 10 mét. Bốn tượng đá tượng trưng cho vua, hai tượng trưng cho hoàng hậu. Bên cạnh đôi chân của mỗi tượng có 12 tượng đá nhỏ cao hơn đầu gối, tượng trưng cho các hoàng tử và công chúa.
Bức tường chính giữa đền, đục hẳn trong tường đá là tượng vị thần ở tư thế đứng, đội mão có hình đầu bò. Bên trong có các hành lang, các phòng nọ phòng kia với nhiều hình tượng và cổ tự Ai Cập khắc trong đá. Các hình tượng này phần nhiều vẽ cung nữ hay mệnh phụ, ghi lại các nghi lễ, sinh hoạt hoàng cung, sinh hoạt dân gian, thờ thần linh…
Phía trước đền Hoàng hậu |
Nhìn các mão mũ trên đầu thì biết được chức phận, điạ vị của họ. Thú vị hơn còn có các cảnh sinh động như dâng hoa, dâng rượu, trang điểm, chúc tụng… Mỗi cảnh đều có bản chú thích kèm theo với ngày tháng bằng chữ tượng hình Ai Cập cổ đại. Có nơi màu sắc còn tốt, có nơi chỉ còn hình tượng trên mặt đá, màu phai nhạt hết.
Ngược dòng lịch sử, trong các năm 1902 và 1971, hai công trình đập khổng lồ là đập Aswan và đập High ra đời tại thành phố Aswan. Dưới chân những con đập này, hồ nhân tạo lớn nhất thế giới có tên Nasser với diện tích 5.250km2 cũng hình thành, nhấn chìm rất nhiều công trình kiến trúc, trong đó có đền Abu Simbel.
Sông Nile đoạn chảy qua Aswan |
Năm 1960 UNESCO kêu gọi các quốc gia trên thế giới lên kế hoạch đưa Abu Simbel ra khỏi hồ nước. Có 51 quốc gia hưởng ứng, hàng ngàn nhà khoa học, kiến trúc sư, kỹ sư hàng đầu thế giới lúc đó trực tiếp đảm nhiệm công tác di dời. Núi, tượng đá ngập trong nước được tính toán, cưa xẻ ra thành tảng 2m x3m để trục lên. Bên cạnh đó họ làm ra ngọn núi nhân tạo có vòm bằng bê tông, xong rồi mang từng mảnh đền từ dưới nước đặt vào.
Nóc vòm núi dày 120cm, chân vòm dày 210cm, trên phủ cát và đá. Khoảng 1.600 khối đá đã được đem khỏi mặt nước để đặt vào lòng núi nhân tạo. Tuy các vết cắt là không tránh khỏi nhưng nhìn tổng thể, đền vẫn hầu như nguyên vẹn về cả kết cấu lẫn tính mỹ thuật. Công trình dời Abu Simbel hoàn thành tháng 9 năm 1968 sau 4 năm thi công ròng rã, tốn 42 triệu đôla Mỹ.
Hoa giấy bên sông Nile |
Nếu khi đặt chân đến đền chúng tôi choáng ngợp trước trình độ của người xưa thì khi ra về, ai nấy ngẩn ngơ trước kỳ tích của kỹ thuật thời hiện đại. Abu Simbel vì đó mà là một nơi rất đáng tham quan ở xứ Ai Cập trùng trùng những di tích đền đài.