Chủ tịch HĐQT Tasco: Văn hóa doanh nghiệp là tài sản bền vững
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 01:18, 08/05/2016
Với doanh nhân Phạm Quang Dũng, sự giàu có không chỉ được đo đếm bằng giá trị nhìn thấy mà chính từ sự “cho đi” không mệt mỏi. Vì vậy, trong suốt 20 năm dấn thân vào nghiệp kinh doanh, mặc dù không tránh được những cơn bão của thị trường nhưng vị thủ lĩnh này vẫn đau đáu một ngọn lửa truyền nghiệp kinh doanh cho thế hệ trẻ.
Kiên nhẫn và đam mê
* Thường thì các doanh nhân rất bận và sự thật là họ vô cùng bận. Nếu không, có chút thời gian rảnh, họ cũng phải dành cho gia đình và việc riêng. Vậy còn ông?
- Tôi chưa bao giờ bỏ qua một chia sẻ nào được tin tưởng gửi đến mình. Tôi luôn cố gắng liên hệ và góp ý với họ ở mức có thể nhất. Tôi thường nói với các bạn trẻ rằng: Thú thật với bạn, tôi muốn mang hết sức mình ra giúp đời không phải chuyện cho ai, tặng ai bao nhiêu tiền mà tôi muốn chia sẻ tri thức, trải nghiệm xương máu của mình để hành trình đi đến thành công của mỗi người không bị mất thời gian vì sửa sai và bớt sai hơn. Cho “cần câu” quan trọng hơn cho “con cá”.
* Khi khởi nghiệp, các bạn trẻ thường rất sợ thất bại, thưa ông?
- Tôi lại nghĩ khác, “thất bại luôn là mẹ của thành công”, và bản thân tôi khi rời chiếc ghế của một công chức nhà nước để dấn thân vào nghiệp kinh doanh tôi cũng đã phải trả những cái giá rất “đắt” cho sự thất bại. Thật lòng, tôi rất vui mừng vì thế hệ trẻ bây giờ đã bắt đầu có nhiều ý tưởng rất đáng giá cho giấc mơ khởi nghiệp. Nhưng trên thực tế, cũng có nhiều người trẻ khi vấp phải khó khăn trên thương trường thì họ ngậm ngùi lui bước và từ bỏ đam mê kinh doanh của mình. Mặc dù, không phải ai sinh ra cũng có thể trở thành một doanh nhân hay một nhà khoa học, một trí thức, một chính trị gia… Với tôi, đáp số chung cho thành công trên mỗi bước đường lập nghiệp đều phải là đam mê và biết cách duy trì ngọn lửa đam mê ấy.
Các bạn trẻ khi bước chân vào khởi nghiệp hãy cứ làm từ việc nhỏ đến lớn, đừng đốt cháy giai đoạn, cái gì cũng có trật tự và giá trị của nó. Các nhà tỷ phú trên thế giới muốn kiếm được triệu USD đầu tiên cũng cần thời gian rất nhiều, thậm chí hàng chục năm lao động nghiêm túc, vật vã mới có được. Nhưng đến triệu USD tiếp theo thì dễ dàng hơn nhiều, có khi là tự nó đến.
Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Tasco: Các bạn trẻ khi bước chân vào khởi nghiệp hãy cứ làm từ việc nhỏ đến lớn, đừng đốt cháy giai đoạn, cái gì cũng có trật tự và giá trị của nó |
Tôi muốn lưu ý, khi lựa chọn lĩnh vực kinh doanh các bạn nên chọn cái mình thích để làm và hãy chú ý tạo thương hiệu ngay từ đầu. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi chân thành khuyên các bạn nên đầu tư cho việc học. Tri thức sẽ sinh ra tiền. Chỉ sợ không có tri thức, không đủ năng lực để làm chứ không sợ không có tiền. Học phải đi đôi với hành, học không hành tiền vứt qua cửa sổ. Học được cái gì mà mình cho là mới, tâm đắc thì về thực hành luôn chứ để lâu ngày sẽ mất.
* Nghĩa là, phải lao vào làm việc chứ không chỉ ngồi vẽ ra kế hoạch?
- Đúng vậy! Phải làm và phải đúc rút liên tục trong quá trình làm việc đó, kiên nhẫn nhưng không được bảo thủ. Tư duy dám thay đổi dám sửa sai cũng chính là một phần của tư duy giàu có. Trong đó, để làm giàu được phải nắm bắt được thông tin. Thông tin chính là sự cảnh báo về thị trường để người làm việc biết nên dừng lại hay đi tiếp hoặc thay đổi ra sao. Bài học về thị trường bất động sản những năm 2007- 2008 là kết quả của việc thiếu thông tin và không nắm bắt được xu hướng thời thế.
Tôi luôn truyền lửa và nhấn mạnh với các con mình rằng: “Làm giàu khó hay dễ do tư duy của chính bản thân mình”. Tức là nếu bạn có khát vọng và đi đến cùng với sự nghiệp làm giàu thì dù khó khăn bạn cũng thấy nó đơn giản, nhưng nếu bạn thiếu ý chí và kiên nhẫn, bạn không thể đạt được sự giàu có. Giàu có là hành trình tích lũy lâu dài không thể một sớm một chiều, và đó mới là sự giàu có bền vững.
>>8 bài học làm giàu từ người giàu
Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thêm rằng, cái khó khăn lớn nhất hiện nay để các bạn trẻ khởi nghiệp là thiếu tầm nhìn chính sách hỗ trợ để họ đủ nghị lực vượt qua nỗi sợ hãi đứng lên làm kinh doanh, tổ chức sản xuất trên ý tưởng sáng tạo của mình. Nhưng đó là chuyện của chính sách, còn điều mà tôi tâm đắc là phải truyền được ngọn lửa đam mê cho giới trẻ làm kinh doanh.
Văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi
* Vậy với các bạn trẻ tại Tasco, ông điều hành và truyền lửa cho họ thế nào?
- Câu hỏi rất thực tiễn! Với tôi, cạnh tranh nhân tài luôn là yếu tố hàng đầu trong điều hành một doanh nghiệp (DN). Nghĩa là, người đứng đầu phải biết quan tâm đến vốn nguồn nhân lực, vốn văn hóa DN. Bởi vốn văn hóa DN là giá trị được xây dựng từ vốn nhân lực. Đó là nền tảng cơ bản cho mưu sự lâu dài.
Tại Tasco, quản trị con người là quản trị hệ thống và phải có hệ thống chuẩn mới đánh giá được con người. Chiến lược “tối ưu hóa nguồn nhân lực” của Tasco, không chỉ là chuyện tiết kiệm nguồn nhân lực, chất lượng công việc, thời gian hoàn thành công việc, khối lượng công việc hoàn thành…, mà còn là việc đào tạo, nâng cao chất lượng nhân sự nhiều mặt, phát huy giá trị ưu việt của từng cá thể. Việc xây dựng đội ngũ kế thừa cũng là một việc làm cần thiết. Những giá trị tổng thể đó mới cấu thành nên sự “tối ưu” trong sử dụng nguồn nhân lực. Bằng chứng là mỗi giai đoạn, các “thế hệ vàng” tạo nên thương hiệu Tasco đều được xác lập và tôn vinh. Tôi có thể tự hào mà nói rằng, trong giai đoạn hết sức khó khăn của nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu, việc gìn giữ và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tại Tasco là một hệ quả tốt đẹp của nghệ thuật quản trị nói chung và quản trị nhân sự nói riêng.
Nhà đầu tư khôn ngoan không nhìn vào lợi nhuận trước mắt, mà thường đánh giá giá trị cốt lõi – văn hóa của DN. Trong quản trị DN, nếu chỉ quan tâm đến quản trị lợi nhuận thì sẽ khó bền vững. Chiến lược quản trị cũng như văn hóa DN vô cùng quan trọng, là chìa khóa vàng của sự thành công, là tài sản của DN.
>>6 bài học từ văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản
Chúng tôi đang thổi một luồng văn hóa mới vào DN và biết rằng, để thay đổi, không chỉ trong một sớm một chiều mà cần phải có thời gian. Chúng tôi đang nỗ lực tạo sự khác biệt bằng việc xây dựng môi trường làm việc, bố trí hiện trường khoa học, thay đổi từ những việc tưởng như rất nhỏ là bố trí những biển hiệu trên những tuyến đường đang thi công để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.
* Thế nhưng, nói đến DN xây dựng người ta sẽ nghĩ tới “bê tông, cốt thép” khô cứng, thưa ông?
- Đúng là cứ nói môi trường công ty xây dựng là khô khan như bê tông, cốt thép, cứ nói mấy anh chị xây dựng cầu đường là gạch đá, nhưng Tasco của chúng tôi không vậy. Chúng tôi luôn tạo ra những chương trình đầy ắp tiếng cười, những sân chơi bổ ích để mọi người cùng hòa mình, khơi dậy những khả năng tiềm ẩn bằng những chương trình thi kịch thi hát. Chúng tôi nhuộm đầy tinh thần nhân viên bằng những khát khao được chạm tới ước mơ của mỗi người, được chắp cánh cho những ước mơ đó với chương trình “Ước mơ xanh” – một chương trình để lãnh đạo được lắng nghe những ước mơ của mỗi nhân viên và giúp đỡ những ước mơ trở thành hiện thực.
Tasco luôn tạo cho mỗi cán bộ nhân viên cảm nhận được làm việc dưới một mái nhà chung, sự ấm áp, gắn bó, đoàn kết và được tôn trọng cá nhân. Chúng tôi đã cho phát hành tờ báo nội bộ “Giếng làng” để cập nhật thông tin của công ty, để lắng nghe những tự sự của đồng nghiệp, để chúc mừng nhau những thành công đã có… Tờ báo kết nối trái tim với sự yêu thương để cùng nhau gắn bó, cùng nhau xây dựng công ty… Đã từ rất lâu, nhân viên Tasco luôn duy trì thói quen thể dục tập thể lúc 10h sáng và 13h chiều để tinh thần được tái khởi động, xua tan “bệnh văn phòng”…
* Xin cảm ơn và chúc ông luôn truyền được lửa đam mê như thế!