Khởi nghiệp thành công khi không có cố vấn
Start up - Ngày đăng : 06:56, 09/05/2016
Có một người dắt tay, một cố vấn thông thái sát cánh sẽ giúp con đường chinh phục mục tiêu của bạn ít chông gai hơn. Tuy nhiên, theo một số doanh nhân thành công, như Elon Musk (ông chủ hãng công nghệ Tesla) và Sheryl Sandberg (giám đốc Facebook), các cố vấn có thể không phải là tất cả những gì cần có cho thành công của một sự nghiệp.
Debby Carreau, tác giả của cuốn sách The Mentor Myth: How to Take Control of Your Own Success, thừa nhận rằng các cố vấn có thể là một công cụ hữu hiệu để cung cấp những phản biện, phản hồi mang tính chuyên nghiệp, tuy nhiên sự nghiệp của bạn không hẳn sẽ rơi vào bế tắc nếu không tìm thấy một người cố vấn thông thái.
Ngoài viết sách, Carreau còn là một thành viên của tổ chức Young Presidents Organization (YPO), từng là giám đốc điều hành của công ty tư vấn nhân sự lớn tại Canada, HR Inspired, và từng ba lần được đề cử là một trong những phụ nữ quyền lực nhất của Canada.
Một trong những bí quyết thành công của Carreau - thuộc top 100 phụ nữ quyền lực nhất Canada - được cô chia sẻ là nhờ xây dựng được đội ngũ cá nhân luôn hỗ trợ và ủng hộ chiến lược của nhà quản lý cũng như tuyển dụng những con người giỏi, phù hợp vào đội ngũ để gia tăng giá trị của doanh nghiệp.
Thay vì hy vọng các cố vấn chỉ đường dẫn lối cho bạn, Carreau gợi ý bạn nên tự định hướng tương lai như cách bạn chọn hướng đi cho nghề nghiệp của mình. Trên trang Inc., Carreau chia sẻ những điều mà cô cho rằng bạn nên tập trung thay vì tìm kiếm một người cố vấn:
1. Tự kiểm soát sự nghiệp của mình
Những người cho rằng có một người cố vấn, người thầy là chìa khóa để thành công khi khởi nghiệp có thể thiếu tự tin vào khả năng của bản thân, từ đó luôn bị động trong nhiều tình huống.
Carreau khuyên bạn nên kiểm soát tốc độ phát triển của riêng bản thân bạn. “Lập kế hoạch để kiểm soát con đường sự nghiệp và cuộc sống của bản thân, rồi từ từ tăng tốc độ phát triển lên từ mức trung bình”.
“Howard Schultz (ông chủ của chuỗi cà phê Starbucks) là một ví dụ tuyệt vời về một doanh nhân thành công có sự khởi đầu ở mức khiêm tốn. Ông từng nói rằng, “tôi không có cố vấn, không có giáo viên nào đặc biệt để giúp tôi sắp xếp ra lựa chọn ưu tiên của mình”.
>>15 tố chất cần có để khởi nghiệp thành công
2. Đón nhận giá trị từ cộng đồng
Mặc dù một người cố vấn có thể không nhất thiết giúp bạn thành công nhưng không có nghĩa là bạn bỏ qua cơ hội lắng nghe lời khuyên, những giá trị mà những cá nhân đang có cùng suy nghĩ, chí hướng giống như bạn gợi ý.
Trong cuốn sách của mình, Carreau khuyên mọi người nên gia nhập một nhóm cộng đồng có cùng chí hướng, bởi vì “Sự kết hợp của một mạng lưới lớn và nhận sự phản hồi từ đó làm cho việc tham gia vào các loại hình cộng đồng này trở nên có giá trị hơn những cuộc gặp mặt ít người”.
Nhận phản hồi không chỉ từ một người, mà từ nhiều người sẽ mang lại những giá trị lớn, mở ra những giải pháp và ý tưởng tốt hơn.
3. Tìm hiểu từ giới trẻ
Khi công nghệ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển, thay vì sử dụng các nhà lãnh đạo cấp cao có kinh nghiệm cố vấn cho các đồng nghiệp trẻ hơn, một số công ty đang đảo ngược vai trò.
"Những người trẻ tuổi trở thành người cố vấn, và các chuyên gia cao cấp trở thành người được cố vấn", Carreau giải thích, "Ở Ấn Độ, ý tưởng này đã thổi một nguồn năng lượng mới cho các chuyên gia cao cấp, nhờ giới trẻ, họ đã hiểu thêm về công nghệ và truyền thông xã hội ".
4. Tối ưu hóa thời gian
Carreau khuyên mọi người nên tìm cách để tiết kiệm thời gian bằng cách kết hợp các hoạt động có ý nghĩa cùng một lúc.
“Thay vì chạy bộ và sau đó hẹn gặp một người bạn uống cà phê để trò chuyện, tại sao bạn không kết hợp chúng lại bằng cách chạy bộ với bạn của mình?”, Carreau gợi ý.
Bạn hoàn toàn có thể nghe tin tức, học một ngôn ngữ qua các dạng file âm thanh trong khoảng thời gian đi từ nhà đến chỗ làm để tránh thời gian trôi lãng phí. Tận dụng sức mạnh của cấp số nhân cho phép bạn thực hiện nhiều việc cùng một lúc bằng cách sắp xếp chồng chéo các công việc có ý nghĩa và liên quan với nhau.
5. Phát triển mạng lưới quan hệ
Xây dựng một mạng lưới quan hệ không bao giờ là dễ dàng đối với hầu hết mọi người. Đây là một quá trình lặp đi lặp lại và không bao giờ có điểm kết thúc. Cách bạn phát triển mạng lưới của mình sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến con đường sự nghiệp của bạn.
Khi bắt đầu phát triển mạng lưới, bạn sẽ tìm ra sở thích và mục tiêu nghề nghiệp của mình. Vì thế, bạn nên mở rộng mạng lưới quan hệ từ gia đình đến bạn bè, và nhiều hơn nữa.
Khi xác định được mục tiêu rõ ràng hơn, bạn sẽ phát triển mạng lưới quan hệ tốt hơn, từ đó nhanh chóng phát hiện ra những “viên kim cương thô” trong danh sách của mình.
>>7 vấn đề quan trọng để khởi nghiệp thành công
6. Lập một kế hoạch cho cuộc đời
"Khi huấn luyện mọi người về sự nghiệp của họ, tôi tập trung vào sáu yếu tố: niềm đam mê, lối sống, giá trị, kinh tế, kỹ năng và nhu cầu", Carreau tiết lộ.
Tư duy chiến lược cho từng yếu tố cho phép bạn tạo ra một khuôn khổ cho một bản đồ sự nghiệp vững chắc bất kể bạn đang ở đâu trong hành trình cuộc đời mình. Một kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng sẽ giúp bạn điều chỉnh hướng đi theo cách của mình để đến mục tiêu.
7. Thay đổi người tư vấn
Theo Văn phòng Lao động Hoa Kỳ, một người trung bình trải qua khoảng 10 công việc trong suốt quá trình sự nghiệp của họ. Nếu bạn cần một nhà cố vấn cho từng nghề nghiệp của mình, đồng nghĩa bạn sẽ thay đổi nhà cố vấn liên tục.
Hãy thiết lập kế hoạch ngắn cho một nhiệm vụ hoặc cơ hội cụ thể khi tìm người tư vấn.
8. Xây dựng uy tín
“Bạn cần phải thực hiện hai lời hứa với chính mình trong công việc hàng ngày để thành công. Đầu tiên là không bao giờ làm việc với năng suất tối thiểu. Thứ hai là phải thực hiện đúng cam kết của mình".
Carreau giải thích rằng kiên định thực hiện các cam kết sẽ giúp bạn nổi bật giữa các đồng nghiệp. Bằng cách luôn đi đầu trong việc giữ lời, danh tiếng của bạn sẽ trở nên tốt hơn.
Chất lượng, kịp thời và uy tín là những từ mà bạn muốn người khác nói tới khi nhắc đến bạn hay các sản phẩm, công việc của bạn. Vậy hãy bắt đầu từ việc đơn giản: Khi bạn hứa sẽ gọi cho ai đó, hãy nhớ thực hiện nó.
>>2 điều kiện cần để khởi nghiệp thành công
9. Đón nhận rủi ro một cách thông minh
"Hành trình cuộc đời có thể ví như những chiếc thang được đặt cạnh nhau", Carreau nói, "Cách nhanh nhất để lên tới đỉnh là thỉnh thoảng rời bỏ khỏi chiếc thang đang leo bằng cách chuyển sang cái lân cận, với đảm bảo rằng cái thang này sẽ mang lại nhiều hơn những gì bạn có thể đạt được khi ở lại trên các bậc thang bạn đang leo”.
Thông thường, khi thay đổi, bạn chọn chiếc thang (công việc mới) mang lại khoản thu nhập cũng như phúc lợi tốt hơn, qua đó giúp đạt được mục tiêu nhanh hơn.
Dù vậy, thay đổi hiện trạng vẫn là một sự lựa chọn chứa đựng nhiều rủi ro, bạn cần phải tự xem xét chi phí cơ hội trước khi đưa ra quyết định.
10. Thu hút nhà đầu tư
"Thậm chí có giá trị hơn một người cố vấn truyền thống là một nhà đầu tư (nhà tài trợ), bạn cần một ai đó sẽ tích cực thúc đẩy bạn và công việc của bạn", Carreau nói, “Họ là những nhà vô địch, người hâm mộ lớn nhất của bạn, những người không ngần ngại nói cho người khác biết bạn giỏi như thế nào và đứng ra chịu trách nhiệm cho bạn”.
Bạn không thể yêu cầu một ai đó bảo trợ chi phí cho bạn, thay vào đó, nhà đầu tư chọn bạn khi họ biết rõ mục tiêu của bạn và tin rằng bạn có khả năng đạt được chúng. Sự kết hợp giữa mục tiêu rõ ràng và tầm nhìn sẽ là thứ thu hút và khuyến khích họ bảo trợ cũng như ủng hộ bạn.