Tập đoàn kinh tế tư nhân Việt học gì từ chaebol Hàn?

Du lịch - Ngày đăng : 06:27, 12/05/2016

Dù không thể áp dụng 100% cách vận hành của các chaebol Hàn Quốc nhưng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm để phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Tập đoàn kinh tế tư nhân Việt học gì từ chaebol Hàn?

Trong tủ sách doanh nhân của nhiều nhà xuất bản tại Việt Nam, chân dung của những người sáng lập ra các tập đoàn gia đình lớn nhất Hàn Quốc (chaebol) như Lee Byung Chul, Chung Ju Yung hay Koo In-hwoi... luôn lọt trong nhóm sách bán chạy.

Đặc biệt, cuốn tự truyện Không bao giờ là thất bại. Tất cả là thử thách của Chung Ju Yung - nhà sáng lập, cố Chủ tịch của Tập đoàn Huyndai - nhiều năm qua trở thành sách gối đầu giường của nhiều doanh nhân lớn nhỏ tại Việt Nam. Cuốn sách chân dung Chung Ju Yung không chỉ hấp dẫn các bạn trẻ mà còn trở thành đề tài lớn được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhắc đến trong định hướng phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều tập đoàn tư nhân đang hình thành, các tỷ phú đô la và giới siêu giàu tăng nhanh chóng.

Mô hình chaebol thực chất là mối quan hệ đặc biệt giữa chính phủ và các công ty tư nhân, để tạo ra một môi trường mà Giáo sư Khoa Kinh tế của Đại học Myongji Hàn Quốc Cho Dong-keun nhắc đến trong khái niệm "chính phủ can thiệp tích cực vào hoạt động của các công ty".

Sự can thiệp và hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc trong mô hình này là động lực hình thành các chaebol lớn như Samsung và LG, đồng thời, đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế phát triển nhất nhì châu Á.

Theo GS - TSKH. Nguyễn Quang Thái - Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, Việt Nam phải học kinh nghiệm chaebol của Hàn Quốc để phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn dù không áp dụng y hệt mô hình chaebol.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 500 ngàn doanh nghiệp tư nhân, nhưng có ít doanh nghiệp vừa và rất ít các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, quan điểm về doanh nghiệp tư nhân hiện nay chưa rõ ràng, làm ảnh hưởng đến cạnh tranh bình đẳng.

GS. Thái dẫn chứng: “Nhà nước vẫn ưu đãi doanh nghiệp nhà nước về đất đai, thuế, tiếp cận vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chưa thực chất. Trong khi doanh nghiệp FDI được “trải thảm đỏ”, có nhiều ưu đãi vượt khung thì doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn, thậm chí là nhiều rủi ro khi tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai.

Trong quá trình cải cách kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp lại, cổ phần hóa, giải thể, các tổng công ty và tập đoàn kinh tế lớn được thành lập. Nhưng dù nhận sự ưu đãi lớn từ Chính phủ nhưng các tập đoàn kinh tế nhà nước lại làm ăn không hiệu quả. Ngược lại, doanh nghiệp tư nhân lại bị đứng ngoài các ưu đãi, không có cơ hội để phát triển thành những tập đoàn lớn quy mô quốc tế.

>>Tập đoàn kinh tế nhà nước: Nắm gì, buông gì?

Có thể thấy, Hàn Quốc đã giải quyết mâu thuẫn này rất tốt trong mô hình quản lý chaebol. Bằng việc đưa ra bộ nguyên tắc về chuẩn mực cho quan hệ hợp tác nhà nước – chaebol, Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu thúc đẩy các chaebol hợp tác trong các dự án công nghiệp do nhà nước hoạch định, dựa trên các trụ cột quan trọng:

- Thứ nhất, chọn một số chaebol chấp nhận rủi ro, có khả năng quản lý, kinh doanh tốt. Những quan hệ hợp tác giữa nhà nước với các doanh nhân có tiềm lực kinh doanh cũng được mở rộng. Tận dụng sự cạnh tranh để kiểm soát việc các doanh nghiệp lạm dụng lòng tin của nhà nước.

- Thứ hai, xây dựng cấu trúc cạnh tranh độc quyền nhóm trong các ngành công nghiệp, tạo “sân chơi” để chaebol hạng hai và ba cạnh tranh với những người dẫn đầu.

- Thứ ba, hỗ trợ các chaebol bằng các nguồn trợ cấp khổng lồ, đồng thời chuẩn bị phương án để các chaebol làm ăn sa sút phải giải thể. Việc nhà nước vừa là nhà bảo trợ tin cậy, “giữ lời hứa” bằng các hành động cụ thể với các doanh nghiệp gặp khó khăn giúp cho việc vận động chaebol ủng hộ các dự án công nghiệp rủi ro dễ dàng hơn.

- Thứ tư, nhà nước chỉ hỗ trợ các dự án đầu tư công nghiệp với điều kiện các chaebol không theo đuổi quyền lực chính trị. Đây là yếu tố cần để nhà nước chọn được các đối tác chủ yếu dựa trên kết quả kinh doanh.

>>Quy tắc "truyền ngôi" của các chaebol Hàn Quốc

Dù cách gọi là “kiểm soát” hay “bảo vệ” lẫn nhau thì mối quan hệ này vẫn nhằm mục đích mỗi bên đều đạt được lợi ích của mình. Điều này, giúp Hàn Quốc thu hút chaebol đầu tư vào các chương trình công nghiệp của nhà nước, đồng thời điều tiết để giữ được quy mô trục lợi trong phạm vi cho phép.

Rõ ràng “phải có kỷ cương mới có thể làm được” bởi tính năng động, nhạy bén của cơ quan lãnh đạo là quan trọng trong việc hướng dẫn thị trường, đi vào khuôn khổ của pháp luật. Nhưng đó là giai đoạn sau, còn trước mắt, Chính phủ phải đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, thay vì sợ sai mà không làm.

Nét đặc thù ở Việt Nam là một doanh nghiệp dùng một tài sản thế chấp để vay vốn ở vài ba ngân hàng. Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, cũng là lúc mắc nợ các ngân hàng. Năm 1972, ở Hàn Quốc cũng có những chaebol dùng cách này để có vốn kinh doanh. Để giữ cho các tập đoàn chaebol và các ngân hàng không vướng vào những khoản nợ, Hàn Quốc có gắng giữ tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tới 9,3%, thậm chí còn dùng cả những “liệu pháp sốc” để thỏa hiệp các quyền tài sản tư nhân, như đóng băng các khoản thanh toán lãi suất và cho các khoản vay trên thị trường chứng khoán phi chính thức.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc với các chaebol cho thấy, xây dựng một nền kinh tế công nghiệp hiện đại sẽ không thể đạt được khi dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam không ngoại lệ, chỉ các doanh nghiệp lớn với khả năng tiếp cận vốn, công nghệ mới là những chủ thể có thể tham gia vào các dự án hạ tầng quy mô lớn hay sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Ngược lại, doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể chiếm lĩnh thị phần khi được Chính phủ ủng hộ các ý tưởng mới, bắt đầu từ việc ủng hộ những mầm nhỏ trong lĩnh vực địa ốc, phát triển khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng, phát triển thị trường nội địa, nhất là ở khu vực nông thôn rộng lớn và đô thị có thu nhập tăng nhanh.

Các FTA đa phương như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam – EU đẩy hội nhập lên mức cao hơn song cũng gây áp lực lên cải cách trong nước.

Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải khuyến khích để có thêm các doanh nghiệp vừa và nhiều hơn nữa các doanh nghiệp lớn, có công nghệ cao, có thị trường rộng lớn. Chỉ khi trở thành các doanh nghiệp lớn như vậy, doanh nghiệp tư nhân lớn mới thể trở thành trụ cột, dẫn dắt khu vực kinh tế tư nhân phát triển, cùng với các doanh nghiệp nội địa đối thoại bình đẳng với khu vực doanh nghiệp FDI và cạnh tranh ngày càng tốt hơn trên thị trường quốc tế.

Chính phủ trong bối cảnh đó, cần tạo bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình sở hữu khác nhau, khuyến khích tư nhân tham gia trong các dự án công tư PPP, với cơ chế nhà nước và tư nhân, sau đó chuyển dần sang tư nhân, tức là tạo "vốn mồi" ban đầu, không nhất thiết là tư nhân hoàn toàn hoặc là công hữu hoàn toàn. Như vậy, Nhà nước không chỉ tạo ra cơ chế, chính sách mà còn phải chấp nhận đầu tư mạo hiểm.

>>Vươn tới thương hiệu toàn cầu: Bài học từ các Chaebol