Thông tin "mở lối"... doanh nghiệp
Du lịch - Ngày đăng : 06:32, 21/05/2016
Rất nhiều lần được nghe những lời than phiền của doanh nghiệp về chuyện bị các cơ quan quản lý nhà nước nhũng nhiễu, về cơ chế "xin - cho" mới cảm thấy đó là một cuộc thương lượng bền bỉ và đủ cả hỉ nộ ái ố.
Đọc E-paper
Với doanh nghiệp, do trách nhiệm với tiền tỷ bỏ ra trên thương trường nên thông tin chính là điều kiện tiên quyết để có quyết định đúng thời điểm. Vì vậy, kết nối để có thông tin là chuyện phải ưu tiên hàng đầu.
Thỉnh thoảng đi qua một khu vực, chúng ta có thể vô tư nhìn ngắm, khen chê những ngôi nhà cao tầng ở đó, nhưng một nhà đầu tư sẽ biết rõ quy hoạch khu đó cho phép xây nhà cao bao nhiêu tầng. Và khi thấy một ngôi nhà đơn độc bỗng cao vọt lên vài tầng so với xung quanh, người làm ăn có thể đọc ở đó nhiều thông tin hơn bất cứ ai trong xã hội, trừ những người có trách nhiệm phê duyệt quy hoạch.
Và họ đọc thêm được một thông điệp: Nếu như biết cách "xin" để được "cho", thì ai cũng có thể có ngoại lệ. Chỉ những người dân bình thường không đủ điều kiện tiếp cận thông tin, hoặc không quan tâm sẽ thấy mọi chuyện là rất bình thường.
"Xin - cho" trở thành một điểm mấu chốt trong làm ăn. Tất cả các nguồn có thể đem lại tin tức tốt đều phải được sử dụng để tạo ra một mạng lưới thông tin có thể đảm bảo nhận nguồn tin liên quan đến doanh nghiệp sớm nhất. Ai cũng hiểu làm ăn thì phải có thông tin, chỉ tiếc là giữa "xin - cho" và thông tin luôn có một gạch nối quan trọng được xây đắp bằng mối "quan hệ”.
Một khu quy hoạch xây dựng du lịch ven biển do các quy định về môi trường và cảnh quan, một dự án chỉ được phép xây dựng 300 phòng, nhưng doanh nghiệp đầu tư đã cố xây thành 350 phòng. Khi được hỏi tại sao cố tình vi phạm, nhà đầu tư này trả lời nếu không tăng số phòng để khai thác thì làm sao có nguồn thu bù vào khoản "bôi trơn", và nếu không "bôi trơn" thì dự án có thể kéo dài đến 5 - 6 năm không khởi công được.
Guồng máy chạy như vậy, nếu không nhập cuộc thì dự án chậm trễ, có thể thiệt hại gấp nhiều lần khoản mua thông tin, hoặc khoản bôi trơn guồng máy "xin - cho" trong quá trình xúc tiến đầu tư. Và nhà đầu tư này chấp nhận guồng máy đó, những nhà đầu tư khác không chấp nhận cuộc chơi thì khó khăn muôn trùng.
Tuy nhiên, mọi chuyện chưa chấm dứt ở đó. Nếu theo cuộc chơi này thì phải nắm rõ quy luật. Những người nắm quyền hành cũ đã rời vị trí công tác, người mới đến có thể áp dụng những nguyên tắc khác. Và một cuộc chạy đua để tránh bị kiểm tra dự án sẽ lại diễn ra.
Thỉnh thoảng lại nghe một doanh nghiệp kể mới nhận điện thoại thông báo sắp có cuộc kiểm tra dự án. Lại chạy đi "xin", nếu không "xin", có thể phải sửa chữa công trình, tốn kém tính không xuể. Và lại được hỏi tại sao cứ vi phạm các quy định, câu trả lời muôn thủa là nếu không vi phạm thì làm sao có tiền bù cho khoản giao dịch ban đầu. Quả là cái vòng luẩn quẩn!
Một lần ghé đến một công trường xây dựng công trình, tôi mới cảm nhận rõ rệt vị trí của một doanh nghiệp trong sự phát triển xã hội. Dòng tiền vay đầu tư dự án được doanh nghiệp đưa vào cuộc sống, nó cung cấp việc làm cho người lao động, khơi thông dòng hàng hóa đã sản xuất ra trong xã hội và biến thành giá trị vật chất và tinh thần đảm bảo cho sự phát triển của một vùng, một đất nước.
Thế nhưng, sức khỏe của một nền kinh tế, con đường đi của một doanh nghiệp sao quá khó khăn. Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ ngợi, ngay khu vực kinh tế tư nhân cũng không thoát khỏi cơ chế "xin - cho" ấy thì một đất nước ngổn ngang những vấn đề về môi trường, về chất lượng sản phẩm cũng là điều dễ hiểu. Với doanh nghiệp thì trông giống nghệ sĩ xiếc đi trên dây, có thể về đích, có thể không!
>Văn hóa doanh nhân: Trông người lại nghĩ đến ta
>Doanh nghiệp Việt không thích "Buôn có bạn, bán có phường"?