"Áo mới" vốn ngoại: Khéo co vẫn ấm

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:34, 21/05/2016

Trước sự du nhập ngày càng nhiều các thương hiệu nước ngoài, hoặc sự ra đời của các sản phẩm từ DN FDI, thay vì chọn cách hợp tác nhằm thay đổi diện mạo, vẫn có nhiều DN nói không với nhà đầu tư ngoại.

Trước sự du nhập ngày càng nhiều các thương hiệu nước ngoài, hoặc sự ra đời của các sản phẩm từ doanh nghiệp (DN) FDI, thay vì chọn cách hợp tác nhằm thay đổi diện mạo, vẫn có nhiều DN nói không với nhà đầu tư (NĐT) ngoại.

Đọc E-paper

Trước câu hỏi DN có "hứng thú” hợp tác với NĐT thông qua đóng góp cổ phần, đã có 2 luồng ý kiến. Cụ thể, đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, đa phần đều rất hào hứng. Theo các DN ngành này, việc được hợp tác với các NĐT mạnh vốn, hoặc các NĐT nước ngoài sẽ là trợ lực rất lớn để phát triển DN, phát triển thị trường.

Nhưng vấn đề đáng nói là các NĐT lại không hứng thú lắm với nhóm DN này. Ngược lại, ở lĩnh vực sản xuất lại khá hấp dẫn NĐT nhưng DN lại ít hứng thú hợp tác. Lẽ dĩ nhiên DN sẽ có những lý do khiến họ không muốn "hợp lực" cùng NĐT.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Văn Thạch - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bestmix (DN có thế mạnh trong ngành phụ gia, hóa chất xây dựng) cho biết, thời gian qua cũng có một vài NĐT đến đặt vấn đề hợp tác hoặc đầu tư, nhưng Bestmix từ chối vì không muốn chuyển nhượng "đứa con tinh thần".

Hiện nay, sau thời gian dài thị trường phải đối mặt với thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, cùng với sự du nhập ngày càng nhiều hàng hóa nhập khẩu, sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN mở cửa, nhiều dòng thuế dần được cắt bỏ thì lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngày càng trở nên mong manh.

Điểm lại một số mặt hàng thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Việt Nam vẫn còn những thương hiệu có thâm niên từ vài chục đến hơn trăm năm tuổi, như Nước mắm Liên Thành (Công ty CP Chế biến Thủy hải sản Liên Thành), Bột Bích Chi (Công ty CP Thực phẩm Bích Chi), Mỹ phẩm Thorakao (Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo) từng độc chiếm "ngôi vương" tại thị trường trong nước, song ở thời điểm hiện tại, sự "đơn độc chiến đấu" đã khiến nhiều DN trở nên khó khăn hơn trong công cuộc chinh phục khách hàng.

Cụ thể như Mỹ phẩm Thorakao. Thương hiệu này từng được NĐT nước ngoài đề xuất mua với giá 30 triệu USD nhưng không được nhà điều hành Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo chấp nhận. Nguyên nhân của sự từ chối là do ông lo ngại viễn cảnh bị "nuốt chửng" thương hiệu tương tự như các thương hiệu khác trong ngành FMCG mà các đối tác nước ngoài đã từng làm trước đó.

>>Thắp lại hào quang thương hiệu Việt: bền bỉ Thorakao, Vina Giầy

Thế nhưng, vài năm sau, cùng với lời từ chối 30 triệu USD là sự tụt dốc của thương hiệu mỹ phẩm Thorakao bởi sản phẩm ngày càng ít xuất hiện trên thị trường do không đầu tư, đẩy mạnh truyền thông. Kéo theo đó, người tiêu dùng không dễ để tìm thấy mặt hàng của Thorakao trên các quầy kệ hệ thống bán lẻ, siêu thị tại TP.HCM cũng như ở các tỉnh, thành khác, dù rằng với chất lượng như hiện nay, các sản phẩm của Thorakao thừa khả năng để sở hữu một lượng khách hàng nhất định.

Trước sự cạnh tranh gay gắt này, để tồn tại và phát triển, Lan Hảo đã mở đường "xuất ngoại", đưa hàng hóa sang Singapore, Lào, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Thuỵ Sĩ, Nga... Đây được xem là con đường song hành giữa hai thị trường nội địa và xuất khẩu trong "cuộc chiến" với nhiều đối thủ ngoại tại thị trường Việt Nam.

So với Lan Hảo, Công ty CP Thực phẩm Bích Chi đang đánh dấu sự trở lại thị trường nội địa với khá nhiều mặt hàng, góp phần làm gia tăng giá trị hạt gạo Việt Nam, như bột gạo lức, bột dinh dưỡng, bột đậu các loại, hủ tiếu ăn liền, bún ăn liền, bánh tráng, bánh phồng tôm.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, các sản phẩm của Bích Chi đã tạo dấu ấn cho thương hiệu Việt Nam khi cạnh tranh trực diện với rất nhiều sản phẩm nhập khẩu. Hiện nhiều sản phẩm của Bích Chi đã có mặt tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu. Tới đây, với doanh số 350 tỷ đồng/năm, Bích Chi sẽ tiếp tục chinh phục thị trường châu Phi và Trung Đông, cho thấy con đường tự phát triển của DN này.

Theo đánh giá của GS.TS Christopher Kummer - Chủ tịch Viện Sáp nhập, Mua lại và Liên kết (IMAA), các thương vụ mua lại giữa DN Việt và nước ngoài vẫn còn ở mức thấp, chỉ khoảng 10 thương vụ mỗi năm. Các thương vụ M&A có thể giúp các DN khởi đầu một chu kỳ phát triển mới hoặc là dấu chấm hết cho một DN hay một thương hiệu lâu năm. Nếu DN chủ động quá trình này thì M&A sẽ làm thay đổi cơ cấu sở hữu, quyền kiểm soát, điều hành, năng lực tài chính và quy mô kinh doanh, từ đó mở ra những cơ hội kinh doanh mới, tăng cường vị thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.

M&A có thể tạo ra những làn sóng tái cấu trúc DN và nền kinh tế, tạo sự gắn kết và khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mỗi DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

>>M&A dịch vụ: Khẩu vị mới của Nhật

ĐỖ PHƯƠNG - DUY KHUÊ