3 thói quen đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Sống khỏe - Ngày đăng : 00:40, 22/05/2016

Alzheimer là một bệnh thoái hóa não nguyên phát, căn nguyên chưa rõ ràng và thường khởi phát ở lứa tuổi trên 65.
3 thói quen đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Alzheimer là một bệnh thoái hóa não nguyên phát, căn nguyên chưa rõ ràng và thường khởi phát ở lứa tuổi trên 65. Đây là dạng phổ biến nhất của hội chứng suy giảm trí nhớ (chiếm khoảng 60% - 80% trường hợp suy giảm trí nhớ) và có xu hướng trầm trọng hơn theo thời gian.

Các nhà khoa học đã tìm ra nhiều loại thuốc nhằm làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một loại dược phẩm nào được xác định là có khả năng chữa khỏi căn bệnh này mà không gây ra tác dụng phụ.

Tin vui là qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã khám phá ra những phương pháp có thể ngăn chặn và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Đó đơn giản chỉ là những thói quen sống. Theo các chuyên gia, có 3 thói quen sống mà ai cũng có thể thực hiện để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Alzheimer:

1. Dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò không nhỏ trong việc tăng cường thể lực, sức đề kháng của cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều mỡ động vật thì càng dễ mắc bệnh Alzheimer. Ví dụ, những người Nhật Bản di cư sống tại Mỹ có khẩu phần ăn với hàm lượng mỡ cao gấp hai lần người Mỹ bản địa nên tỷ lệ mắc bệnh alzheimer tăng trên hai lần so với những người Nhật sống tại Nhật.

Vitamin E là chất có tác dụng chống oxy hóa cao, giúp làm chậm quá trình suy giảm hoạt động của não. Các thực phẩm giàu vitamin E nên sử dụng trong bữa ăn hằng ngày: rau lá xanh, hạt mầm, trái bơ, bí đỏ, bông cải xanh, kiwi, đu đủ, cà chua, hải sản, dầu thực vật. Đặc biệt, dầu olive rất giàu chất chống oxy hóa giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh Alzheimer.

Ngoài ra, người lớn tuổi cần được cung cấp thêm thực phẩm chứa canxi và glucosamin là những hợp chất giúp xương chắc khỏe, giảm loãng xương và các bệnh về khớp.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên mọi người nên áp dụng chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải (Mediterranean diet), bao gồm ngũ cốc nguyên cám, rau xanh, quả mọng, cá, các loại đậu, hạt, và một lượng rượu vang nhất định trong các bữa ăn hằng ngày.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng nicotin là "thủ phạm" số một khiến trí nhớ bị giảm sút, não bị thoái hóa. Những người hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường nhiều khói thuốc lá có tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer cao gấp 2 lần những người sống trong môi trường trong lành, sạch sẽ. Không hút thuốc lá là một biện pháp hữu hiệu để tránh gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

2. Tăng cường tập luyện cho não

Trạng thái hoạt động sẽ khiến cho sự kết nối giữa các tế bào não trở nên mạnh mẽ hơn, những kết nối này bị yếu đi là nguy cơ khiến chứng suy giảm trí nhớ xảy ra. Tạp chí y khoa New England cũng từng đưa ra kết quả của một nghiên cứu rằng trình độ học vấn càng cao thì con người càng khó mắc chứng suy giảm trí nhớ.

Nếu không còn phải làm việc thì đọc sách, cập nhật thông tin qua báo chí, chơi cờ, làm thơ... sẽ giúp tăng cường hoạt động của não bộ.

Việc học một ngôn ngữ thứ hai, chơi một nhạc cụ hay chơi game đều có thể hỗ trợ hình thành những đường dẫn truyền dây thần kinh. Độ phức tạp của môn học, trò chơi tỷ lệ thuận với dự trữ nhận thức của bạn, và đó là cách tuyệt vời để tăng cường sự kết nối của các tế bào não.

3. Rèn luyện thể chất phù hợp và thường xuyên

Các bài tập thể dục thể thao, dưỡng sinh hay yoga phù hợp với lứa tuổi, thể trạng sẽ giúp cho việc lưu thông máu tốt hơn, các dưỡng chất tới não một cách tốt hơn, giúp mô não khỏe mạnh.

Ngoài ra, hoạt động thể chất còn làm tăng các “tiếp hợp” của hàng triệu tế bào não, giúp não làm tốt các chức năng thần kinh vốn có. Vì vậy, các bác sĩ luôn khuyên rằng những người thuộc nhóm trung cao tuổi nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày, bằng cách đi bộ hoặc chạy bộ 30 -60 phút hoặc leo cầu thang, đạp xe đạp…

>5 nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ có thể tránh được

>Những phương pháp cải thiện trí nhớ hiệu quả

KIM NGỌC