Ngày mưa đừng xem thường tia cực tím
Sống khỏe - Ngày đăng : 04:15, 26/05/2016
Theo các chuyên gia, tia UV mạnh nhất vào mùa hè (từ tháng 5 - 8), yếu hơn vào mùa xuân, thu và yếu nhất vào mùa đông. Nhiều người nghĩ vào mùa mưa, khi trời không có nắng hoặc nhiều mây là không có tia UV nhưng thực tế không phải, lúc nào cũng có chỉ là cường độ khác nhau. Cường độ mạnh nhất trong ngày là từ 10 giờ đến tầm 15 giờ.
Đọc E-paper
Dù vài ngày gần đây đã có mưa, nhưng theo thống kê, trong những ngày tháng 5, tại TP.HCM và các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai nhiệt độ trở nên nắng nóng gay gắt làm cho chỉ số tia cực tím - UV index (chỉ số chỉ độ mạnh của tia cực tím phát ra từ mặt trời) tăng cao, có thể gây hại nhiều mặt cho sức khỏe con người.
Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó phòng dự báo và phục vụ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết nắng nóng đã làm UV index tăng lên mức cao. Vào tháng 3, chỉ số này chỉ ở mức 10, duy trì chỉ trong vài giờ đồng hồ (từ 11 - 13 giờ). Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở Sài Gòn, UV index ở ngưỡng 12/12 và duy trì trong thời gian dài - khoảng thời gian từ 9 giờ đến 15 giờ hằng ngày.
Bác sĩ Hoàng Văn Minh - Trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tia UV, trong đó UVA có bước sóng 315 - 380 nm, có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da, UVB có bước sóng 280 - 315 nm, gây say nắng, tổn thương làm đen da. Con người thường tiếp xúc với UVA (90%) và UVB (10%).
Tia cực tím trong một số trường hợp rất tốt cho sức khỏe, kích thích sản xuất vitamin D trong cơ thể. Trong y khoa, đèn tia cực tím được dùng để điều trị bệnh vẩy nến, hay vàng da ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên tiếp xúc với tia cực tím nhiều có thể gây nguy hại cho sức khỏe, gây tổn thương da, cháy nắng, tăng tốc độ lão hóa da, có thể tiến triển tới ung thư da, gây đục thủy tinh thể và các bệnh lý về mắt khác.
Các chuyên gia về môi trường cảnh báo, khi ngoài trời UV đạt tới mức 6 thì da người sẽ bị cháy nắng trong vòng 30 phút, nếu UV là 12 thì thời gian trên giảm còn 15 phút. Theo Tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia về môi trường, tác hại cấp tính của tia cực tím có thể xảy ra khi người dân tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gay gắt trong thời gian lâu.
Tương tự như khi da bị cháy nắng, các tế bào bao bọc mắt có thể bị hủy do tia nắng. Nếu bị UV chiếu nhiều giờ sẽ khiến người có những rối loạn thị giác như giảm thị lực và cảm thấy như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, rất sợ ánh sáng.
Một trong những cách đơn giản là tránh làm việc trong môi trường ánh nắng mặt trời, mặc quần áo bảo hộ, mũ rộng vành, đeo kính bảo vệ. Quần áo bảo hộ có thể bao gồm quần dài, nón, và áo sơ mi dài tay. Nên sử dụng vải màu tối và được dệt dày hoặc loại vải có độ bóng. Tuy nhiên, trang phục màu tối sẽ khiến bạn có cảm giác nóng hơn so với màu sáng. Bạn nên hạn chế ra đường trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng tới 3 giờ chiều hằng ngày.
Cũng có thể sử dụng kem chống nắng nhằm hạn chế tối đa những tác động xấu của ánh nắng mặt trời. Chúng ta phải biết lựa chọn kem chống nắng thích hợp theo các tiêu chí sau: kem chống phổ rộng (chống cả tia UVA và UVB), chỉ số chống nắng tối thiểu SPF #30. Khi sử dụng, hãy tập trung bôi ở cánh tay, chân, cổ, khuôn mặt. Sau mỗi hai giờ, bạn cũng cần bôi lại kem chống nắng, vì kem chống nắng rất dễ trôi khi da xuất hiện mồ hôi, khi đi bơi...
Đeo kính mát cũng giúp ngăn chặn tia cực tím. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, không đeo kính mát liên tục ngoài trời nắng sẽ kéo theo các bệnh về mắt rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, trẻ em cần được bảo vệ tối đa. Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết có đến 60% tia cực tím đến trái đất trong khoảng thời gian từ 10 giờ - 14 giờ trong ngày. Do vậy, nên tránh cho trẻ ra ngoài vào thời điểm này. Khi đưa trẻ ra đường, cần cho trẻ đội nón rộng vành, mang khẩu trang, mặc áo tay dài và không để trẻ tiếp xúc với ánh nắng quá lâu.
Tia UV vẫn có thể xuyên qua mây ảnh hưởng trực tiếp tới da vì vậy trong những ngày giao mùa, thậm chí mùa đông, những ngày không có nắng bạn vẫn phải sử dụng các biện pháp bảo vệ da khỏi tia UV.
Nhiều người thắc mắc tại sao họ đã che chắn rất kỹ khi đi nắng, sử dụng kem chống nắng hay hạn chế ra đường mà da vẫn sạm đen. Thực ra, ngay cả khi không có ánh nắng mặt trời, trong bóng râm hay trong nhà, tia cực tím vẫn hiện diện và làm đen da của bạn.
Bác sĩ Arthur Sober, Trưởng khoa Da liễu của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) nói: "Làn da chúng ta có trí nhớ. Nó sẽ lưu giữ lại tất cả sự tàn phá của mặt trời được tích tụ trong nhiều năm. Ngay cả sự tiếp xúc ánh sáng bình thường mỗi ngày cũng có thể tạo ra các nếp nhăn, làm cho bạn trông già hơn độ tuổi thật của bạn."
>Bolivia báo động tia cực tím mặt trời tăng cao
>Infographic: Nắng nóng gây hại cho sức khỏe như thế nào