Huy động vàng trong dân, được không?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:38, 02/06/2016
Việc tất toán trạng thái vàng được xem là một trong những thành công của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), góp phần ổn định thị trường vàng, song cũng lại là nỗi lo khi nguồn vàng trong dân không được khai thác để phục vụ cho phát triển kinh tế. Vậy làm thế nào để có thể huy động được nguồn vàng trong dân?
Đọc E-paper
Đem chuyện ấy trao đổi với ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), ông nói lượng vàng trong dân là rất lớn nên việc khai thác nguồn vốn này là rất quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Nhu cầu giữ vàng của người dân Việt Nam luôn có vì họ xem vàng là của để dành, nên khi có tiền nhàn rỗi thường mua vàng tích trữ.
Trước đây, vàng được ngân hàng huy động với mức lãi suất tuy không cao hơn tiền đồng, ngoại tệ, nhưng cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ - của Chính phủ, các ngân hàng (NH) không còn được huy động vàng trong dân nữa, đồng thời muốn gửi vàng, khách hàng phải mất phí cho NH giữ hộ. Vì thế, vàng ngày một xa rời hệ thống tín dụng.
Theo ông Long, để khai thác nguồn vàng trong dân một cách hiệu quả, NHNN cần có nhiều giải pháp, như huy động vàng trả lãi suất, phát hành chứng chỉ bằng vàng... Chứng chỉ vàng quốc gia do NHNN phát hành, có kỳ hạn và lãi suất ở mức phù hợp. Người dân mua chứng chỉ bằng vàng thay vì mất phí gửi vàng cho NH cất hộ.
Ngoài những giải pháp trên, vị chủ tịch Hiệp hội VGTA còn cho rằng, NHNN cần sớm thành lập sàn vàng quốc gia. Đây sẽ là nơi mua bán vàng tập trung mà ai cũng có thể tham gia.
>>31 đơn vị được cấp phép mua bán vàng miếng
Không chỉ vị Chủ tịch VGTA mà rất nhiều người muốn cải thiện thị trường vàng bởi ước tính có trên dưới 500 tấn vàng lưu chuyển trên thị trường mà không qua bất cứ hệ thống tài chính nào. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực vàng, có năm Việt Nam nhập khẩu đến 60 tấn vàng.
Nếu NHNN huy động được một phần trong khoảng 500 tấn vàng trong dân thì không cần phải nhập khẩu vàng với lượng lớn như vậy và giảm được rất nhiều chi phí nhập khẩu, nhất là thời điểm giá vàng biến động. Đồng thời, một khi vàng nguyên liệu nhập khẩu giảm, chi phí sản xuất của doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng giảm theo và giá vàng trong nước cũng không bị biến động nhiều theo giá vàng thế giới.
Thế nhưng, trước khi đạt được lợi ích như mong muốn, giới kinh doanh vàng kỳ vọng NHNN thực hiện những giải pháp trước mắt nhằm hỗ trợ người kinh doanh vàng. Cụ thể, nếu vàng miếng "bất động" sẽ dẫn đến lãng phí, do đó NHNN nên mở lại tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất nữ trang vàng, giảm thuế xuất khẩu vàng nữ trang về 0%.
Nhu cầu về vàng trang sức của người dân Việt Nam ngày một tăng trong khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này khó có thể trụ vững do hàng ngoại nhập mẫu mã đa dạng dù khó có thể kiểm soát được chất lượng nhưng đã thu hút không ít người tiêu dùng.
Thêm vào đó, một vấn đề đang bế tắc là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang không được vay vốn ngân hàng để hoạt động theo Thông tư 33/2011/TT-NHNN của NHNN. Cụ thể, các tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc NHNN chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để gia công vàng trang sức mỹ nghệ.
Giải quyết được các vấn đề này thì thị trường vàng trong nước sẽ ổn định, thay vì tích trữ vàng, người dân sẽ đem vàng đi bán.