10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2016
Chân dung - Ngày đăng : 00:15, 03/06/2016
10 doanh nhân trẻ xuất sắc nhất được trao Cup 10 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2016 có hoàn cảnh khởi nghiệp khác nhau, không ít doanh nhân trẻ đã thất bại rất nhiều lần trước khi chạm đến thành công nhưng họ đều giống nhau ở ý chí kinh doanh, khát vọng làm giàu, tư duy nhạy bén, tinh thần bền bỉ.
1. Nguyễn Việt Hoà – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoà Tiến
Nguyễn Việt Hòa thành lập công ty đầu tiên vào năm cuối đại học, khi có một khách hàng rất yêu thích sản phẩm của anh và quyết định đầu tư 100 triệu đồng.
Công ty bị phá sản sau 6 tháng được thành lập và anh có được những bài học từ sự thất bại đầu tiên. Ra trường, anh xin được một công việc “mơ ước” nhưng đi làm được 2 tháng, anh cảm thấy không phù hợp và quyết định xin nghỉ. Anh chuyển sang làm kinh doanh đa cấp và sau 9 tháng, anh bị phá sản lần thứ 2 với 50 triệu đồng thua lỗ.
Tháng 8/2009, anh Hòa về Hải Dương để triển khai kế hoạch kinh doanh mới và mọi thứ bắt đầu lại từ con số không. 150 triệu đồng vay được, anh khó khăn xoay sở và phải tự làm mọi thứ, nhưng may mắn là công việc tiến triển thuận lợi.
Năm 2012 khi doanh nghiệp đã có tích lũy cơ bản, anh đầu tư bất động sản dẫn đến công ty bị mất thanh khoản, không có tiền để duy trì hoạt động kinh doanh và đứng trước nguy cơ phá sản lần thứ 3. Anh thực sự tỉnh ngộ và bắt đầu tập trung trở lại, cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tháng 3/2014, sau nhiều năm nghiên cứu và trải nghiệm, anh quyết định từ bỏ tất cả, làm lại từ đầu với một thương hiệu mới. YODY đã ra đời với tầm nhìn trở thành thương hiệu thời trang của Việt Nam và sẽ làm rạng danh thời trang Việt Nam trên sàn Catwalk thế giới.
2. Lương Tú Anh – Giám đốc Công ty cổ phần BPO Mắt Bão:
Lương Tú Anh bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ thuê ngoài với hai ngành chính là quản lý nhân sự và chăm sóc khách hàng, đây là những ngành kinh doanh rất mới ở Việt Nam vào thời điểm năm 2005.
Suốt 10 năm theo đuổi và làm việc trong lĩnh vực này, chị đã đảm nhận nhiều vị trí và tích luỹ cho mình nhiều kinh nghiệm về ngành nghề.
Đầu năm 2014, Lương Tú Anh cùng với những người bạn của mình, thành lập Công ty Cổ phần Mắt Bão BPO – đơn vị thành viên thuộc Mắt Bão Group.
Công ty Cổ Phần BPO Mắt Bão ra đời và cung cấp dịch vụ Thuê ngoài nhân sự và Chăm sóc khách hàng tới các doanh nghiệp. Là một trong 3 cổ đông sáng lập, chị giữ vị trí Giám đốc tại Chi nhánh Hà Nội và cùng tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp từ khi công ty thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2014, khi chỉ mới bắt đầu, công ty của chị đã rất khó khăn khi cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm trong cùng lĩnh vực.
Nhưng với sự cố gắng bền bỉ, đặc biệt coi trọng đạo đức trong kinh doanh, sau hai năm hoạt động trên thị trường, chị đã điều hành công ty thành công và đem đến 2000 công việc cho người lao động.
3. Nguyễn Duy Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần SBI:
Sau khi ra trường, Nguyễn Duy Hà đã thử nghiệm mình trong nhiều công việc, nhiều công ty với nhiều vị trí khác nhau. Một mặt để kiếm tiền nuôi sống bản thân, mặt khác là tiếp cận và tìm hiểu cách thức hoạt động của các công ty cũng như xem cách các công ty hoạt động ra sao. Thời gian đi làm thuê này, ngoài việc hoàn thành tốt các công việc của công ty, anh vẫn đi tìm cho mình một ý tưởng kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Ý tưởng đầu tiên của anh là mở một quán cơm tấm để kinh doanh, rồi mở một trung tâm đào tạo giáo dục nhưng khi thực hiện thì mọi thứ lại không được như mong muốn và kết quả là thất bại. Sau thất bại, anh lại tiếp tục quay về với công việc làm công ăn lương của mình, lại tiếp tục hành trình đi tìm một ý tưởng kinh doanh mới.
Anh tìm đọc những cuốn sách như “Dạy con làm giàu”, “Nguyên lý 80/20”, “Tôi tài giỏi bạn cũng thế”… Có thể nói đây là những cuốn sách giúp anh giác ngộ ra rất nhiều điều mà trước đây bản thân chưa từng biết. Anh đã bắt đầu có những thay đổi tích cực trong cách suy nghĩ và tư duy. Để rồi anh hiểu được khái niệm thế nào là tài sản, thế nào là tiêu sản, anh áp dụng nguyên lý 80/20 vào việc đi tìm ý tưởng kinh doanh mới.
Cuối cùng, anh đã chọn kinh doanh theo lĩnh vực Logictics. Anh bắt đầu lập kế hoạch chi tiết cho ý tưởng, làm theo nguyên tắc 80/20, biết chấp nhận thất bại, kiên trì, trau dồi kiến thức mỗi ngày và quan trọng là thực hiện ý tưởng với đam mê và nhiệt huyết.
4. Hoàng Công Đoàn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Sông Thao
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp đại học, Hoàng Công Đoàn đã xin vào làm việc ở rất nhiều công ty khác nhau nhưng làm việc ở bất kỳ công ty nào anh cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Tháng 9/2008, anh quyết định thành lập công ty với số vốn ban đầu ít ỏi là 5 triệu đồng và phương tiện đi lại là một chiếc xe máy Trung Quốc.
Thành lập doanh nghiệp, anh Đoàn luôn nuôi hy vọng và mong muốn công ty của mình sẽ xây dựng được thật nhiều công trình mang tầm cỡ quốc gia và sản xuất ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nhất là lao động trẻ tuổi. Chính vì mong muốn đó, đến năm 2012 anh quyết định đưa ra ý tưởng đầu tư dự án: xây dựng trang trại sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Dự án đã tạo công ăn việc làm ổn định cho những phạm nhân sau khi chấp hành án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng. Ngay trong buổi thuyết trình đầu tiên, anh đã được Tổng cục 8, Bộ Công an và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đánh giá rất cao và đặt lại tên dự án là: “Dự án giàu tính nhân văn của Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Thao”.
Từ năm 2012 đến nay dù nền kinh tế trên thế giới, khu vực cũng như trong nước có nhiều khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng đưa Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Thao đi lên với mức tăng trưởng tốt, hiệu quả kinh doanh cao, chất lượng đời sống người lao động ngày một tốt hơn.
5. Nguyễn Văn Hùng – TGĐ Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ CNC:
Năm 2007, tốt nghiệp đại học anh làm việc trong lĩnh vực lập trình gia công cho máy CNC trong lĩnh vực cơ khí chính xác để xuất sang thị trường Mỹ. Tháng 10/2008 anh thành lập công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ CNC đúng vào giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế, anh không có đủ năng lực tài chính, khách hàng và kinh nghiệm quản lý nên thất bại triền miên suốt từ năm 2008-2011, với những khoản nợ chồng chất lên đến 5 tỷ đồng.
Nhưng chính “bước đường cùng” này đã làm anh Hùng thêm ý chí quyết tâm và kiên định với con đường mình đã chọn, đam mê gây dựng một doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực cơ khí chính xác, anh đã dần thuyết phục được những khách hàng khó tính.
Năm 2012 nền kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc, nhiều đơn hàng đến từ các khách hàng lớn của Nhật Bản như: Denso, Toyota, Mitsumi… đã mở cơ hội và tương lai cho CNCTech thành công.
Với kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực tài chính hiện có, anh Nguyễn Văn Hùng đã tích cực đầu tư và phát triển một mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ cùng ngành để chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội và giúp họ vượt qua những khó khăn. Mong muốn xây dựng một chuỗi công nghiệp phụ trợ trong ngành cơ khí – điện – điện tử khép kín, tiến tới sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hoàn thiện mang thương hiệu CNCTech.
Xa hơn nữa, anh muốn xây dựng được một mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp và tương thích, hiệu quả nhất với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Năm 2016, hệ thống của anh đã có 5 công ty thành viên với doanh thu dự kiến đạt 200 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 200 người lao động. Mục tiêu đến năm 2020 đạt doanh thu toàn hệ thống 2000 tỷ đồng.
Để thực hiện được kế hoạch đề ra, công ty đang đầu tư dự án sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ với tổng đầu tư gần 4 triệu USD tại KCN Đồng An II – tỉnh Bình Dương và chuẩn bị đầu tư 5 triệu USD tại Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc.
6. Trần Văn Sơn – TGĐ Công ty cổ phần Hạt điều Gia Bảo:
Như nhiều doanh nhân khác, những năm tháng Trần Văn Sơn bắt đầu sự nghiệp là những năm tháng vất vả và gian khó vô. Đặc biệt là khó khăn từ tài chính khi phải đi vay mượn gia đình, người thân, bạn bè để bắt đầu một thứ sản phẩm được coi là xa xỉ với thị trường trong nước ngày đó là hạt điều. Nhu cầu của người tiêu dùng khi đó rất thấp (thậm chí là con số 0), trong khi mỗi kilogam thành phẩm anh bán ra lại khá cao, 210.000 đồng/kg. Tiếp đó là khó khăn của anh để tạo lập thị trường và mang sản phẩm đi tìm “thượng đế” của mình.
Có những lúc anh tưởng như vô vọng khi nợ nần đeo bám, hàng hóa mang ký gửi để hi vọng một phép nhiệm màu rồi lại thu về đổ đi không biết bao nhiêu mà kể… Con đường ấy bắt đầu le lói cơ hội “sống” khi cơ duyên đưa anh gặp một người thân ở Bình Dương chuyên cung cấp hạt điều rang muối về Chợ lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Anh bắt đầu tìm về Chợ Lớn và sau đó từ Chợ Lớn anh đưa hàng đi Trung Quốc và Singapore tiêu thụ… Cung đường đưa hạt điều đi tìm những “thượng đế” của anh suốt ngần ấy năm không ít gian truân, mồ hôi và nước mắt. Trải qua những thăng trầm của kinh doanh, anh ngày càng nhạy bén và bản lĩnh, quyết đoán hơn.
Công ty Gia Bảo đã và đang mở rộng mạng lưới kinh doanh để phân phối các sản phẩm đến tất cả các tỉnh và thành phố trong cả nước. Hiện nay, sản phẩm của công ty được trực tiếp bày bán tại các cửa hàng bán lẻ và tiệm tạp hóa, siêu thị mini… trên khắp các tỉnh thành như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, Cần Thơ, Buôn Mê Thuột… Ngoài ra, trong tương lai gần công ty dự định xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng độc quyền, chuyên cung cấp các sản phẩm với thương hiệu “Hạt Điều Gia Bảo” giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm cao cấp, đồng thời cung cấp các loại hạt điều cho các nhà chuyên chế.
7. Nguyễn Xuân Phương – TGĐ Công ty TNHH Thương mại và Giao nhận HP Vĩnh Phúc:
Tốt nghiệp đại học năm 2007, Nguyễn Xuân Phương nhận thấy ngành nghề xuất nhập khẩu giao thương với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và các công ty trong nước có hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phát triển, anh đã xin vào một công ty nước ngoài để làm việc trong vòng bốn năm.
Sau đó nhận thấy cơ hội đã đến, anh đã chủ động xin nghỉ việc để ra ngoài kinh doanh và thành lập Công ty TNHH Thương Mại và Giao nhận HP Vĩnh Phúc chuyên làm thủ tục khai báo, tư vấn hải quan, giao nhận, vận chuyển, kho bãi trong và ngoài nước gọi là Logistics. Thời kỳ đầu công ty hoạt động vô cùng khó khăn vì là doanh nghiệp mới nhiều bỡ ngỡ lại phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cũng hoạt động trong cùng một lĩnh vực mà ở tại đó sự phát triển của họ đã đi trước ta hàng vài chục năm.
Bằng nỗ lực của bản thân và tinh thần học hỏi không ngừng cùng với sự chung sức, đồng lòng, cố gắng của cán bộ công nhân viên công ty hiện tại Công ty TNHH Thương mại và Giao nhận HP Vĩnh Phúc có 30 lao động thu nhập bình quân mỗi người từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng và đã có 3 chi nhánh tại các cửa khẩu Hải Phòng, Lạng Sơn và Nội Bài cùng đội ngũ cán bộ công nhân viên có chuyên môn cao, hệ thống máy móc xe đầu kéo, xe tải trang thiết bị, phần mềm hiện đại tiên tiến nhất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan công nhận là Đại lý thủ tục Hải quan.
8. Nguyễn Ngọc Thanh Thuỷ – GĐ Công ty TNHH Việt Phát
Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm và các lớp sơ cấp kế toán, Nguyễn Ngọc Thanh Thủy đi làm nhân viên bán hàng cho một công ty điện công nghiệp những năm 2002-2003, sau đó chị làm tiếp thị cho một công ty in ấn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2005, chị Thủy xây dựng gia đình và được sự ủng hộ của chồng, chị mở cửa hàng điện công nghiệp và dân dụng. Trong quá trình làm việc, thấy được lợi thế của việc khấu trừ thuế thuế giá trị gia tăng (VAT) cho khách hàng, chị quyết định thành lập Công ty TNHH Việt Phát. Công ty của chị có thế mạnh hơn các đối thủ cạnh tranh tại địa bàn chủ yếu là kinh doanh hộ gia đình về cung cấp thiết bị điện công nghiệp.
Ban đầu công ty hoạt động rất khó khăn với doanh thu rất thấp, nhưng bằng kinh nghiệm tích lũy và các mối quan hệ từ lúc làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị đã điều hành công ty ngày càng phát triển. Tính đến năm 2010 doanh thu của Việt Phát đạt gần 25 tỷ đồng và phát triển ổn định tới nay.
Việt Phát là một trong những doanh nghiệp được thành lập năm 2006; với cương vị là người lãnh đạo công ty, chị Thủy đã chủ động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như: mua bán và thi công công trình điện công nghiệp, điện lạnh và dân dụng…
Ngoài ra, chị cũng chủ động nhận nhiều hợp đồng lắp đặt và thiết kế hệ thống điện, sản xuất tủ điện kín nước sơn tĩnh điện (tủ điều khiển, tủ bù, tủ thông thường…). Hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH Việt Phát đã tạo dựng được đội ngũ cán bộ công nhân viên thiết kế, thi công công trình giàu kinh nghiệm.
Công ty cũng đầu tư trang bị, xây dựng được hệ thống nhà xưởng, máy móc hiện đại đủ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
9. Võ Thị Tuyết Hà – TGĐ Công ty cổ phần Song Long Khánh Hoà:
Khi bước chân vào giảng đường đại học, Võ Thị Tuyết Hà đã vượt qua rất nhiều thử thách và khó khăn, vừa học vừa làm nhiều công việc khác nhau để nuôi ước mơ của mình.
Chị trở thành Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Khoa học Trường Sinh và sau đó là đồng sáng lập Công ty Cổ phần Song Long Khánh Hòa với chức vụ Tổng Giám đốc Công ty. Hiện nay, chị cũng đang là Cổ đông Công ty Cổ phần Rượu Trường Sinh và Công ty Cổ phần sản xuất Phân Bón Trường Sinh. Nhờ sự đóng góp của chị, thương hiệu và vị thế của Trường Sinh ngày càng được khẳng định, Công ty vinh dự được nhận nhiều giải thưởng danh giá do các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trao tặng.
Riêng Công ty Song Long Khánh Hòa tuy thời gian gia nhập thị trường chưa lâu nhưng cùng với sự nỗ lực của bản thân chị Hà và cán bộ nhân viên công ty, sản phẩm mang thương hiệu Song Long Khánh Hòa đã trở nên thân thuộc đối với bà con nuôi tôm trên cả nước từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau.
Hiện nay hệ thống Đại lý cấp I của Công ty đã vượt qua con số 150. Với những thành công đó Công ty đã đón nhận nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý, cá nhân chị được nhận giải thưởng Thanh niên Tiên tiến làm theo lời Bác 2014, giải thưởng Doanh Nhân Doanh nghiệp Thành Đạt ASEAN, Top 5 Nữ Doanh Nhân Tài sắc 2014…
10. Phan Văn Học, TGĐ Công ty cổ phần SOHACO Việt Nam
Để tốt nghiệp đại học, Phan Văn Học đã phải đi làm rất nhiều nghề, nhưng anh yêu nghề xây dựng và đi khắp nơi để học hỏi, nghe tư vấn của các đối tác. Anh cũng từng thất bại, phá sản trong lĩnh vực xây dựng, xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng nên tự kiểm điểm bản thân, rút kinh nghiệm và đưa ra những nguyên nhân để phòng tránh. Năm 2009, nhận định thị trường bất động sản có sự phát triển, anh Học thành lập Công ty Cổ phần SOHACO Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng.
Thành lập công ty khi trong tay không có đồng vốn nào ngoài niềm đam mê, khát vọng làm giàu, anh Học đi vay 30 triệu đồng để trang trải tiền thuê văn phòng và chi phí ban đầu. Sau 3 tháng hoạt động, công ty của anh không ký được bất cứ hợp đồng nào. Để duy trì công ty, anh phải vay gia đình, bạn bè để trang trải.
Với tâm niệm “thắng không kiêu, bại không nản”, anh tiếp tục mày mò đi tìm đối tác. Bằng sự kiên trì nỗ lực hết mình của anh, công ty bắt đầu ký được những hợp đồng với đối tác đầu tiên: Trung tâm kỹ thuật Viettel – đó là niềm tin, hy vọng để anh cũng như nhân viên công ty vượt lên mọi khó khăn.
Từ hợp đồng đầu tiên đến nay, Công ty Sohaco đã có những bước tiến mạnh mẽ, tạo dựng được uy tín đối với khách hàng, phấn đấu trở thành tập đoàn đa ngành, năng động.
>Khởi nghiệp - dấn thân vào thử thách
>10 lời khuyên cho người lần đầu tiên khởi nghiệp