Đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu 40% nước sạch cần dùng

Quốc tế - Ngày đăng : 03:56, 06/06/2016

Liên Hiệp Quốc ước tính trong tương lai, sẽ có 1,8 tỷ người sống trong những quốc gia hay khu vực thiếu nước sạch.
Đến năm 2030, thế giới sẽ thiếu 40% nước sạch cần dùng

Sắp tới, 10 vị tổng thống và thủ tướng trên thế giới sẽ ngồi lại với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu trong lúc đang có lời cảnh báo rằng vào năm 2030, số nước sạch khai thác được chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thực sự.

Đọc E-paper

Hiện nay, dù có nhiều nỗ lực và tiến bộ đạt được, cũng còn ít nhất 663 triệu người không được sử dụng nước an toàn trong sinh hoạt hằng ngày. Liên Hiệp Quốc ước tính trong tương lai, sẽ có 1,8 tỷ người sống trong những quốc gia hay khu vực thiếu nước sạch. 

Cuộc khủng hoảng nước sẽ càng nghiêm trọng hơn do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có sự thay đổi khí hậu (gây ra hạn hán) và những cuộc xung đột quân sự, nơi nước được sử dụng như một thứ vũ khí chiến tranh ở Iraq, Yemen và Syria. 

Theo một tuyên bố chung của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới (WB), Ủy ban cao cấp về nước dự kiến huy động các nguồn tài chính và đầu tư để có thể gia tăng nguồn nước cung cấp cho những vùng thiếu nước. Tổ chức này đặt dưới sự đồng chủ trì của Tổng thống Mauritius Ameenah Gurib và Tổng thống Mexico Enrique Pena Niero. Thành viên ủy ban còn có tám vị lãnh đạo khác gồm thủ tướng Úc, thủ tướng Bangladesh, tổng thống Hungary, thủ tướng Jordan, thủ tướng Hà Lan, tổng thống Nam Phi, tổng thống Senegal và tổng thống Tajikistan.

Tại phiên họp của Ủy ban diễn ra vào tuần qua, Phó tổng thư ký LHQ Jan Eliasson (Thụy Điển) cho rằng có một mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển bền vững và những biện pháp về thay đổi khí hậu; nhiều nước trong đó có Pakistan đang đứng trước một nghịch lý: một mặt là hạn hán, mặt khác lại là lũ lụt, nước thì nhiều nhưng nước sạch để uống thì rất thiếu.

Theo nhà nghiên cứu SanjayWi thuộc Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), trong thời gian 15 năm của Chương trình Phát triển Bền vững (2015-2030), để có thể mang lại nước sạch cho mọi người là một thử thách lớn và kinh nghiệm của việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (2000-2015) chứng tỏ rằng không thể giải quyết riêng rẽ vấn đề này. 

Những dữ liệu mới nhất cho thấy hiện có gần 2 tỷ người đang uống nước có thể bị nhiễm phân người. Mục tiêu xây dựng nhà vệ sinh tại mỗi hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thể xóa sổ các nhà cầu lộ thiên còn có mặt rất nhiều tại các nước nghèo.

Bên cạnh việc thiếu kinh phí, sự biến đổi khí hậu cũng góp phần không nhỏ vào bài toán nước sạch. Hiện có khoảng 160 triệu trẻ em dưới năm tuổi sống trong những vùng có nguy cơ hạn hán cao và khoảng 500 triệu em khác sống trong những vùng thường bị lũ lụt.

Để có thể giải quyết tận gốc vấn đề nước sạch, quan điểm chung của cộng đồng thế giới cũng tiến bộ hơn khi cho rằng đây là một vấn đề thuộc về quyền con người. Khi phí sử dụng nước sạch vượt quá khả năng chi trả của những hộ nghèo thì điều này trở thành một sự vi phạm nhân quyền cần được xóa bỏ.

Muốn thế, các nước công nghiệp hóa, các tổ chức quốc tế về y tế, vệ sinh cần đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ các nước nghèo thực hiện được những mục tiêu tối thiểu cho đời sống của cư dân nước họ.

>Trung Quốc: Bắc Kinh báo động đỏ về ô nhiễm môi trường

>5 dấu hiệu chỉ báo cơ thể thiếu nước

>TP.HCM: Bệnh gia tăng do ô nhiễm nguồn nước

LÊ NGUYỄN tổng hợp/DNSGCT