Chủ tịch HUBA: Hàng Việt phải được ưu tiên
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 04:28, 07/06/2016
Sau nhiều năm triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị, tỷ trọng hàng Việt trong các siêu thị đã tăng nhanh chóng. Nếu năm 2006, tỷ trọng hàng Việt bán trong các siêu thị chỉ chiếm chưa đầy 50% thì đến nay đã tăng dần lên 80 - 90%, thậm chí có những đơn vị đã coi hàng Việt là sự lựa chọn duy nhất.
Nhân dịp Hội chợ - Triển lãm Tôn vinh hàng Việt - 2016 sắp khai mạc, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã phỏng vấn ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Trưởng Ban Chỉ đạo Hội chợ - Triển lãm.
* Thưa ông, so với các hội chợ - triển lãm các năm trước, hội chợ - triển lãm năm nay có điểm gì nổi bật?
- Tiếp nối thành công của những năm trước, được sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP.HCM, HUBA phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức Hội chợ - Triển lãm Tôn vinh hàng Việt - năm 2016 với chủ đề "Tự hào hàng Việt - Vững bước hội nhập", diễn ra từ ngày 10/6 đến 14/6/2016 tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ (số 01 Lữ Gia, Q.11, TP.HCM) để vừa trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu vừa tổ chức các chương trình giao lưu giữa các doanh nghiệp (DN).
Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) |
Hội chợ - Triển lãm năm nay có trên 450 gian hàng của 250 DN, trong đó có nhiều DN lớn như Vissan, Maseco, Nhựa Duy Tân, May Việt Tiến... với sản phẩm chất lượng cao, thương hiệu uy tín, mẫu mã phong phú, có thế mạnh trong cả nước, như thực phẩm chế biến, may mặc và da giày, hàng gia dụng và đồ nhựa, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, hoá - mỹ phẩm, kim khí điện máy, văn hóa phẩm, nông sản chế biến, các loại thức uống, các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng khác. Các DN tham gia đều chăm chút gian hàng, có nhiều chương trình khuyến mãi.
Công ty CP Quảng cáo và Xúc tiến thương mại Đông Nam là đơn vị tổ chức Hội chợ - Triển lãm - 2016. Theo thống kê, trong những hội chợ - triển lãm các năm trước đều thu hút gần 100.000 khách tham quan, mua sắm.
Trong thư chào mừng Hội chợ - Triển lãm Tôn vinh hàng Việt - 2016, ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao sự tích cực, chủ động của HUBA và các cơ quan, đơn vị trong việc phối hợp tổ chức Hội chợ - Triển lãm.
Ban tổ chức hội chợ - triển lãm năm nay vẫn duy trì xét chọn "Sản phẩm tiêu biểu" nhằm ghi nhận, động viên sự sáng tạo, cải tiến của DN trong thiết kế, sản xuất góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu Việt. Hội đồng xét chọn là các chuyên gia và nhà quản lý của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn chất lượng và quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM.
* Ông đánh giá thế nào về thị phần của DN Việt Nam đang có xu hướng bị thu hẹp dần trong một số siêu thị do DN nước ngoài làm chủ?
- Là thành viên của WTO, Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), sắp tới là TPP, bắt đầu từ tháng 1/2015, thị trường bán lẻ Việt Nam đã mở cửa cho DN nước ngoài theo như cam kết. Đó là thách thức rất lớn đối với các nhà kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam nói riêng và DN Việt Nam nói chung.
Bán lẻ theo phương thức hiện đại hiện nay ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ với hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại này tập trung ở các thành phố. Khu vực nông thôn hầu như vắng bóng hệ thống bán lẻ hiện đại.
Có thể nói thị phần bán lẻ hiện đại của Việt Nam còn tiềm năng phát triển rất lớn và trong tương lai gần sẽ thay thế dần kênh bán lẻ truyền thống theo xu hướng chung của thế giới.
Mức độ cạnh tranh giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại cũng như sự cạnh tranh trong nội tại kênh bán lẻ hiện đại ngày càng gay gắt. Thị trường ngày càng xuất hiện nhiều nhà bán lẻ nước ngoài.
Bên cạnh các nhà bán lẻ nước ngoài đã có mặt sớm như Big C (32 siêu thị), Metro (19 siêu thị), Lotte mart (11 siêu thị), nhà bán lẻ lớn thứ 4 của Pháp là SuperAuchan đã hợp tác với RH Group (thành viên C.T Group) thay thương hiệu siêu thị S.Mart thành Simply Mart và phát triển thêm ba siêu thị với thương hiệu này và dự kiến phát triển thêm 15 siêu thị ở TP.HCM. Tại phía Bắc, họ đã bắt tay với tập đoàn hoá dầu quân đội Mipec với mục tiêu đạt 20 siêu thị đến năm 2020.
Gần đây lại xuất hiện xu thế các nhà bán lẻ nước ngoài khi rút lui lại nhường hệ thống cho các nhà bán lẻ nước ngoài khác, như Aeon ngoài ba trung tâm mua sắm lớn tự đầu tư đã mua thêm 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart. Đây là hai chuỗi siêu thị khá lớn tại Việt Nam.
Fivimart đang có 20 siêu thị tại Hà Nội, Citimart có 27 siêu thị, chủ yếu tại TP.HCM. Các thương hiệu bán lẻ của Nhật tại Việt Nam gồm có Aeon Mall, Aeon Citimart, Aeon Fivimart, Ministop, Family Mart với hàng loạt mặt hàng có xuất xứ từ Nhật Bản nhập khẩu vào Việt Nam có mức thuế ưu đãi 0% từ tháng 4/2015.
Các thương hiệu bán lẻ của Thái Lan tại Việt Nam như Mega Market (mua lại Metro Cash&Carry), Bs Mart và Central Group đã và đang tận dụng cơ hội đưa hàng Thái vào thị trường Việt Nam. Xét về quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm, DN Việt Nam chưa thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan. Về giá cả, hàng Thái Lan so với hàng Hàn Quốc, Nhật Bản rẻ hơn nên phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt Nam.
Sau nhiều năm triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ trọng hàng Việt trong các siêu thị đã tăng nhanh chóng, tuy nhiên, khảo sát sơ bộ tại một số siêu thị có yếu tố nước ngoài thì tỷ lệ hàng ngoại vẫn cao.
Hàng Việt đảm bảo chất lượng vào siêu thị nội thì không khó, nhưng lại gặp nhiều trở ngại nếu muốn chen chân vào siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Đa số các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đều yêu cầu các thủ tục như giấy chứng nhận, kiểm định về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế... giống như siêu thị nội, nhưng mức chiết khấu rất cao.
Như vậy, để hàng Việt đứng vững trên thị trường, rất cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
* Đứng trước những thách thức ấy, HUBA đã có kiến nghị cụ thể gì với Chính phủ và lãnh đạo các cơ quan liên quan ở trung ương và thành phố?
- Lắng nghe từ nhiều nguồn thông tin và sau khi khảo sát thực tế từ một số siêu thị của các nhà bán lẻ nước ngoài, chúng tôi đã kiến nghị các biện pháp tạo điều kiện cạnh tranh thuận lợi cho các nhà kinh doanh bán lẻ trong nước.
Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ rà soát việc cấp phép để mở điểm bán đối với các DN bán lẻ nước ngoài. Chúng tôi kiến nghị các địa phương, nhất là Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... kiểm tra, thanh tra về việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-BCT ngày 24/12/2013 của Bộ Công Thương về những mặt hàng không được phân phối như gạo, đường, thuốc lá..., nhưng vẫn được bày bán ở các đơn vị này; tỷ lệ hàng nội địa bán tại các hệ thống bán lẻ có vốn nước ngoài có đạt theo quy định hay không.
Chúng tôi kiến nghị cần có chính sách ưu đãi đặc biệt cho DN bán lẻ Việt Nam như dành vị trí thuận lợi kèm theo chính sách giá thuê hay giao đất hợp lý, các loại thuế, vốn và lãi suất phù hợp với thông lệ khu vực và các nước mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Chúng tôi cũng kiến nghị điều chỉnh chính sách sao cho thật thông thoáng, an toàn, ổn định lâu dài, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường để DN bán lẻ Việt Nam yên tâm đầu tư phát triển.
* Cám ơn ông!
>HUBA hỗ trợ doanh nghiệp Malaysia tiếp cận thị trường Việt Nam
>HUBA đẩy mạnh vai trò phản biện, đóng góp ý xây dựng chính sách kinh tế, xã hội
>Chủ tịch HUBA: Doanh nghiệp chưa được hỏi ý kiến về việc tăng lương