Khởi nghiệp ngoài công nghệ thông tin: Cơ hội ở mọi nơi
Start up - Ngày đăng : 05:09, 07/06/2016
Phong trào khởi nghiệp đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây và ước tính có hơn 1.500 công ty đang hoạt động. Thế nhưng, phần lớn những công ty này đều có nền tảng từ thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Tại sao giới trẻ không mặn mà với việc khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất?
Đọc E-paper
Bước khỏi đám đông
"Đã qua cái thời gây dựng những giá trị cơ bản, startup hiện nay phải gắn liền với công nghệ. Chỉ có vận dụng công nghệ mới có thể tạo ra những giá trị vượt trội, đưa sản phẩm cũng như DN lên tầm cao hơn, ra khỏi biên giới Việt Nam", ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư khởi nghiệp Việt Nam, nhận xét.
Theo ông Hiếu, ứng dụng CNTT đã là xu hướng tất yếu trong đời sống nên khởi nghiệp trong lĩnh vực này tương đối thuận lợi với các bạn trẻ. Thứ nhất, họ gắn liền với CNTT nên am hiểu. Thứ hai, vì công nghệ là mới nên dễ dàng tạo ra được những "đại dương xanh", thành công sẽ đến nhanh và nếu chẳng may thất bại, cơ hội để làm lại cũng không khó kiếm.
Tuy nhiên, không phải vì điều này mà những lĩnh vực khác không có cơ hội. Ở Việt Nam, vẫn có rất nhiều ngành tiềm năng khác như nông nghiệp, chế biến gỗ, sáng tạo... Đó chính là lý do Quỹ Đầu tư khởi nghiệp Việt Nam chỉ chọn đầu tư, hỗ trợ cho các starup ngoài công nghệ. Năm dự án đầu tiên của Quỹ thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Hamona, cho biết, với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, nếu có chiến lược để nâng giá trị nông sản, hoàn toàn có thể chinh phục không chỉ thị trường trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Năm 2015, Hamona bắt đầu đem những trái dừa tươi, tiện dụng, không cần xử lý bằng chất bảo quản hóa học ra thị trường và đã được thị trường các quốc gia khó tính như Mỹ, Nhật... chấp nhận.
Nhiều người trẻ ngại khởi nghiệp trong ngành sản xuất dù tiềm năng lớn - Ảnh: Quý Hòa
Theo ông Long, trong khi các sản phẩm mới thuộc lĩnh vực CNTT hiện nay dễ dàng lan truyền đến người dùng thì với những sản phẩm truyền thống, startup sẽ phải vất vả hơn trong công tác tiếp thị, bán hàng. Do vậy, cần phải chỉn chu ngay từ đầu ở khâu bao bì, nhãn mác. Ví dụ, nếu có định hướng xuất khẩu thì nên sử dụng song ngữ Anh - Việt ngay trên bao bì, nhãn mác.
Long tư vấn: "Đừng đợi đến khi có đơn hàng xuất khẩu mới đầu tư cho bao bì tiếng Anh. Người nước ngoài sống ở Việt Nam không ít, trong đó có rất nhiều người tìm kiếm sản phẩm của Việt Nam để nhập khẩu về chính quốc. Làm tốt ở thị trường trong nước là một kênh tiếp thị tốt để xuất khẩu thuận lợi". Theo quan sát của ông Long, bên cạnh sự lớn mạnh của các startup CNTT, hiện đã bắt đầu có nhiều startup mạnh dạn thử sức trong nông nghiệp, chế biến..., đó là tín hiệu đáng mừng.
Hiểu sẽ yêu
Gần một năm nay, các DN thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) vẫn truyền tai nhau câu chuyện thuyết phục con theo nghiệp cha của ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific. Tuổi đã cao, ông có nỗi lo không người tiếp bước nhưng con trai đi du học, muốn có con đường riêng, cương quyết không kế nghiệp cha. Để thuyết phục con, ông Thắng phải làm hẳn một bản trình bày về tiềm năng của ngành, với những số liệu cụ thể mới có được cái gật đầu của con.
Năm 2015 với kim ngạch xuất khẩu đạt mức 6,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2014, chế biến gỗ Việt Nam trở thành ngành xuất siêu. Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 4 trên thế giới, sau Trung Quốc, Đức, Ý. Sản xuất có truyền thống, tay nghề chế tác gỗ nguyên khối để tạo nên những sản phẩm có giá trị cao và nguồn nhân công rẻ chính là thế mạnh để ngành gỗ cạnh tranh với thế giới.
Dự kiến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt trên 7 tỷ USD. "Tiềm năng của nghề rất cao nhưng lại khó thu hút người trẻ tham gia", ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty Gia Long, tiết lộ. Vấn đề của ông Nguyễn Chiến Thắng cũng là nỗi lo của khá nhiều chủ DN gỗ lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn thuyết phục được con mình.
Theo ông Tiến, chưa nói đến xuất khẩu, chỉ nhìn vào thị trường trong nước đã thấy còn rất nhiều cơ hội. Với lợi thế trẻ, ứng dụng công nghệ giỏi, chỉ cần nhìn thấy được tiềm năng của ngành, các startup có thể sẽ nghĩ nhiều hơn đến việc tham gia và biết đâu, sự góp sức của họ sẽ tạo nên diện mạo mới cho ngành.
"Cơ hội ở mọi nơi, chỉ cần có óc sáng tạo, nghĩ mới, làm mới những sản phẩm tưởng chừng đã quen thuộc nhưng gắn liền với đời sống thì các startup sẽ chinh phục được thị trường. Chúng ta đang chứng kiến làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, tôi tin là trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có những DN trẻ nhưng... rất khỏe", ông Phạm Duy Hiếu khẳng định.
>7 sai lầm khi khởi nghiệp kinh doanh
>Khởi nghiệp và duy trì - Câu hỏi cho mọi doanh nhân