Đổi mới sáng tạo: Từ công nghệ đến con người
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:54, 08/06/2016
Đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể ứng dụng thành công giải pháp này.
Đọc E-paper
Đổi mới sáng tạo đã được DN Việt Nam quan tâm và đã có nhiều DN nhờ đầu tư vào đổi mới sáng tạo mà có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Chia sẻ trong chuyến thăm nhà máy của Công ty vào giữa năm 2015, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long Cô Gia Thọ cho biết, Thiên Long thành lập từ cơ sở nhỏ và bản thân ông phải mang sản phẩm đi... bán dạo. Nhưng nhờ vào tư duy đổi mới sáng tạo Thiên Long đã vượt qua khó khăn và trở thành một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực bút viết, văn phòng phẩm như hiện nay.
Tinh thần đổi mới sáng tạo được ứng dụng trong mọi hoàn cảnh, nhờ đó mà từ một vài loại bút bi, bút màu thông dụng, đến nay, người tiêu dùng có thể tìm được đủ các loại bút và cả văn phòng phẩm do Thiên Long sản xuất. Năm 2013, Thiên Long đã thành lập Phòng R&D, phòng cải tiến... để nghiên cứu, cải tiến, sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với thị trường.
Ông Thọ cho hay, mỗi năm, Công ty dành khoảng 3 - 5% doanh thu cho công tác R&D cũng như đầu tư, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng. So với nhiều DN trong ngành, có thể nói, Thiên Long là DN chịu đầu tư cho công tác đổi mới sáng tạo khi xây dựng nguồn nhân lực mạnh mẽ. Chỉ riêng nhà máy tại TP.HCM, nhân sự của phòng R&D lên đến 25 người.
Nhờ đầu tư máy móc, thiết bị và con người mà mỗi năm Thiên Long đưa ra thị trường hàng chục sản phẩm mới. Ông Cô Gia Thọ cho rằng: "Đổi mới sáng tạo là quá trình không ngừng nghỉ nhưng phải dựa trên thực tế và sự học hỏi. Hiện 80% máy móc, thiết bị sử dụng tại Thiên Long là do Thiên Long tự chế”.
Một thương hiệu khác đầu tư mạnh cho đổi mới sáng tạo là Giấy Sài Gòn. Nhận thấy tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo nên dù ra sau những thương hiệu khác nhưng ông Cao Tiến Vị - Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, đã quyết định trang bị máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại. Từ những năm 2000, Giấy Sài Gòn đã không ngại đầu tư hàng triệu USD để trang bị công nghệ sản xuất giấy của các nhà cung cấp từ các nước Pháp, Phần Lan, Đức, Canada, Thụy Sỹ...
Hiện nay, nhà máy của Giấy Sài Gòn được xếp vào loại hiện đại nhất Đông Nam Á và Giấy Sài Gòn là một trong những công ty chủ lực sản xuất giấy tiêu dùng tại Việt Nam nhờ sử dụng công nghệ hiện đại sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đầu tư vào thiết bị sản xuất, Công ty còn đầu tư nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống phân phối.
Chia sẻ về việc đầu tư vào đổi mới sáng tạo, ông Cao Tiến Vị cho rằng, đổi mới sáng tạo không chỉ đầu tư cho máy móc, thiết bị mà còn nhiều khâu khác như con người, hệ thống và các yếu tố quản lý... Quan niệm như thế nên ngoài trang thiết bị sản xuất, mấy năm qua, Giấy Sài Gòn đã dồn lực để xây dựng hệ thống quản lý theo công nghệ ERP và đào tạo đội ngũ kế thừa để chuyển giao trong thời gian sớm nhất. Chỉ riêng ERP, Công ty đã mất hơn 2 năm để xây dựng và hoàn thiện.
Là một trong những công ty khởi nghiệp tại Việt Nam hai năm nay nhưng Misfit Wearables đã nổi tiếng khắp thế giới với các thiết bị công nghệ đỉnh cao. Các giải pháp chăm sóc sức khỏe trên nền tảng di động của Misfit Wearables đã được ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Năm ngoái, tiềm năng của những sản phẩm Misfit Wearables đã được nhiều nhà đầu tư trên thế giới chú ý và Fossil đã mua lại Công ty với giá 260 triệu USD.
Chia sẻ tại tọa đàm về R&D tháng 5/2016, Sonny Vũ - đồng sáng lập Misfit Wearables cho biết, một trong những bí quyết thành công của Misfit là do Công ty chủ trương xây dựng một đội ngũ R&D hùng hậu, phát triển công nghệ để có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác.
Trên thực tế, không có nhiều DN thành công như Misfit Wearables và cũng không nhiều DN xây dựng được thương hiệu như Thiên Long, Giấy Sài Gòn. Bởi 90% DN Việt Nam thuộc mô hình công ty nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ.
Theo các chuyên gia, khả năng đổi mới công nghệ của các DN nhỏ và vừa còn yếu kém và nguy cơ lệ thuộc vào tài sản trí tuệ, nhất là công nghệ của nước ngoài, là điều có thật. Tình trạng này càng rõ rệt trong điều kiện trình độ công nghệ và mức sống ở Việt Nam còn thấp. Bất lợi là vậy nhưng trong môi trường kinh doanh toàn cầu như hiện nay, muốn tồn tại và phát triển không gì khác hơn là phải đổi mới sáng tạo.
>Đổi mới sáng tạo: Lợi thế và thách thức
>Đổi mới sáng tạo cho tương lai