Luật hóa hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 05:09, 14/06/2016
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm 90% trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế nước nhà. Để hỗ trợ các DNNVV đủ sức cạnh tranh trong môi trường kinh tế toàn cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV.
Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực trong việc thiết lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho DN. Với các DNNVV, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ riêng thông qua Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, Quỹ Bảo lãnh, Quỹ Phát triển DNNVV. Thế nhưng số lượng DN gặp khó khăn, phải giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn không giảm.
Nhiều nhu cầu cấp bách
Để khắc phục những tồn tại và hạn chế của các chính sách hỗ trợ DNNVV trước đây, đồng thời tạo hành lang pháp lý để DNNVV phát triển, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Tiêu chí xác định DNNVV, theo dự thảo luật này là DN có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng hoặc lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người.
Theo dự thảo này, hàng loạt biện pháp hành chính, tài chính, dịch vụ tư vấn, chương trình mục tiêu đã được xem xét đưa ra nhằm hỗ trợ DNNVV. Trong đó, DN khởi nghiệp được hỗ trợ 5% thuế suất thuế thu nhập DN trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ ngày DN hoạt động.
Để giúp DN thực hiện hợp đồng hoặc đơn đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, dự thảo cũng đưa ra quy định cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm công dành tối thiểu 20% ngân sách hoặc 20% số lượng hợp đồng hằng năm để mua sắm sản phẩm, dịch vụ do DNNVV sản xuất, cung ứng.
Dự thảo cũng quy định 5 chương trình hỗ trợ DNNVV, gồm: hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hội nhập. Để hỗ trợ vốn cho các DNNVV, Chính phủ cũng sẽ dành những ưu đãi cho các ngân hàng thương mại khi đạt tỷ lệ dư nợ tối thiểu cho các DNNVV là 30% hoặc cho DNNVV vay với lãi suất ưu đãi theo mục tiêu phát triển.
Tại hội thảo tham vấn dự thảo Luật Hỗ trợ DNNNVV diễn ra tại TP.HCM ngày 9/6, hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần thiết phải có Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, hiện nay, các DNNVV chưa được quan tâm đúng mức nên cần phải hỗ trợ đến nơi đến chốn. Kinh nghiệm tại các nước phát triển cho thấy, có bốn nhóm hỗ trợ mang ý nghĩa then chốt là tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường.
Cũng theo ông Lịch, hiện nay, DNNVV là lực lượng chính trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì thế cần đưa nội dung công nghiệp hỗ trợ vào luật này, bởi công nghiệp hỗ trợ là vấn đề cốt lõi trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang diễn ra hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, thương mại trong nước không ngừng tăng lên, khối DN, đặc biệt là DNVVN rất cần những văn bản pháp lý hỗ trợ.
Vì thế Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì ghi nhận ý kiến cho Dự thảo Luật Hỗ trợ DNVVN. Điều này sẽ giúp DNVVN thuận lợi hơn trong kinh doanh và giảm tình trạng bị vướng vào các vụ kiện bán phá giá hay các vụ kiện liên quan đến việc trợ giá. Việc đóng góp ý kiến về dự thảo luật này có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các hiệp hội và DN.
Cần chú trọng khởi nghiệp
Theo TS. Trần Du Lịch, các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, chính phủ có nhiều chương trình tạo điều kiện để phát triển khối DNVVN từ rất sớm. Đến thời điểm này nước ta mới triển khai vấn đề này là quá chậm.
Thời gian qua, Nhà nước đã nói nhiều đến việc coi trọng kinh tế tư nhân, xem đây là động lực quan trọng trong phát triển đất nước. Tuy nhiên, để tạo động lực cho DN phát triển, cần phải có sự tham gia của các nhà đầu tư, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ phải xây dựng chính sách, thể chế để hỗ trợ DN khởi nghiệp. Vì thiếu vốn, DN có thể xoay xở được, nhưng các thủ tục hành chính nhiêu khê sẽ cản trở sản xuất, kinh doanh.
Các DN khởi nghiệp cho biết, nguồn vốn kinh doanh ban đầu của họ chủ yếu xuất phát từ gia đình, quá trình tích lũy của bản thân, hoặc sự tham gia của các quỹ đầu tư mà không có sự tham gia của các ngân hàng. Tại Israel đã từng có trường hợp quỹ đầu tư mạo hiểm bỏ ra 1 tỷ USD giúp DN khởi nghiệp, sau đó mang lại hàng trăm tỷ USD/năm cho quốc gia. Tại Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc đã có quỹ hỗ trợ khởi nghiệp nhưng Việt Nam đến nay vẫn chưa có đầu tư mạo hiểm.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, DNVVN cần chính sách phù hợp hơn là nguồn vốn. Nếu các thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn, thuận lợi thì DN sớm đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định.
>Ba lời khuyên cho người khởi nghiệp
>HUBA hỗ trợ doanh nghiệp Malaysia tiếp cận thị trường Việt Nam
> Hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ: Cam kết hỗ trợ doanh nghiệp SME