Computex 2016: Hướng đi mới cho ngành công nghiệp máy tính
Công nghệ - Ngày đăng : 06:51, 17/06/2016
Sự kiện Computex 2016 tại Đài Loan diễn ra hồi đầu tháng Sáu đã mở ra lối thoát cho ngành công nghiệp máy tính.
Đọc E-paper
Trong 5 năm trở lại đây, các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng... ngày càng được dùng nhiều khiến doanh số bán và lợi nhuận từ kinh doanh máy tính (PC) không còn hấp dẫn. Ngành công nghiệp sản xuất và chế tạo linh kiện máy tính rơi vào thời kỳ ảm đạm.
Sự kiện công nghệ Computex 2016 vừa diễn ra tại Đài Loan cho thấy các nhà cung cấp đã tìm ra lối thoát bằng cách tập trung vào lĩnh vực thực tế ảo (virtual reality) và thiết kế máy tính không giới hạn. Hướng đi này đã thu hút lượng lớn tín đồ công nghệ.
Tuy nhiên, trong tương lai không xa, ngành này sẽ phát triển theo hướng đi vào phân khúc hẹp với những sản phẩm đắt giá dành cho giới yêu thích công nghệ có điều kiện kinh tế chứ không còn dành cho giới bình dân.
Thực tế ảo... không ảo tại Việt Nam
Hàng loạt các thương hiệu sản xuất công nghệ hàng đầu như Gigabyte, Asus, MSI, HTC, Acer... đều đem đến các sản phẩm xoay quanh các thiết bị hỗ trợ cho thực tế ảo.
Chẳng hạn, Gigabyte mang đến một giải pháp giả lập xe đua công thức F1, với bộ khung và ghế ngồi rung động theo nhịp của trò chơi đua xe. Người tham dự trải nghiệm xe được ngồi vào bộ khung này, cầm lái và đeo một chiếc kính thực tế ảo để cảm nhận trọn vẹn một vòng đua như thật.
Một cảm giác khác biệt bởi người dùng sẽ gần như bị thế giới ảo tác động từ những rung động của xe như thật, cú ngoặt cua nếu không cầm vững vô lăng sẽ khiến người dùng la thất thanh vì... lật xe.
Tương tự, hãng MSI và ZOTAC mang đến cho người dùng cảm giác chuyển động thật hơn khi sáng tạo ra bộ máy vi tính dạng ba lô mang trên vai và khi kết hợp với phụ kiện gồm kính thực tế ảo và hai tay cầm thì không gian mà người dùng tiếp cận chính là môi trường chiến đấu khắc nghiệt trong trò chơi buộc người dùng phải chạy, đánh, đấm... hoặc di chuyển để chống đỡ những cuộc tấn công trực diện.
Mới cách đây vài năm, nhiều thiết bị hỗ trợ thực tế ảo gặp khó khăn do bị giới hạn về hiệu suất máy. Một bộ máy có thể vận hành được những thiết bị này đòi hỏi cấu hình máy chỉ có trong phòng thí nghiệm, nay những cấu hình máy như vậy đã trở nên phổ biến.
Chẳng hạn, cấu hình tiêu chuẩn để sử dụng với 2 loại kính dùng cho thực tế ảo là Oculus Rift hoặc HTC Vive phải có bộ xử lý tối thiểu là Intel Core I5 hoặc I7, bộ nhớ RAM từ 8 - 16GB, ổ cứng chuẩn SSD và card đồ họa giả lập cho môi trường thực tế ảo phải từ 7,5 triệu đồng trở lên. Giá trị đó chưa bao gồm bo mạch chính, bộ khung máy, màn hình và các thiết bị ngoại vi kết nối hỗ trợ như chuột, bàn phím và kính thực tế ảo cao cấp.
Đại diện của hãng MSI tiết lộ, vận hành đúng tiêu chuẩn thì bình quân một bộ máy cũng phải từ 40 triệu đồng trở lên và mức giá này đủ sức tạo lợi nhuận tốt cho các hãng sản xuất phần cứng.
Người dùng am tường công nghệ sẵn sàng trả chi phí lớn để được tận hưởng công nghệ. Gần đây, tại Việt Nam những câu chuyện kiểu như ông bố thưởng con thi đậu đại học chiếc máy tính trị giá 80 triệu đồng đã không còn hiếm hoi.
Chia sẻ về chiếc máy, cậu con trai rất am hiểu về công nghệ đã lần lượt nêu ra những đặc điểm nổi bật mà chỉ có dân công nghệ mới thấu hiểu được giá trị như: sản phẩm có màn hình 4K, dùng 2 card đồ họa chạy song song, bàn phím cơ đầu tiên tích hợp trên máy tính xách tay...
Tại Việt Nam, cũng không hiếm những nhóm chơi lắp ráp máy tính dám chi trả cho cấu hình một bộ máy tính chạy hệ điều hành windows từ 50 triệu lên 200 triệu đồng.
Nhìn chung, những sản phẩm nổi bật tại Computex 2016, dù đắt giá, hoàn toàn có khả năng du nhập thị trường Việt Nam trong tương lai gần.
>>Cuộc đua chip trong "thế giới thực tế ảo"
Thiết kế máy vi tính không giới hạn
Những hãng sản xuất phụ kiện, linh kiện ngoại vi dường như cố gắng thoả mãn nhu cầu của giới Do it yourself (DIY - tự làm).
Computex 2016 cũng xuất hiện các bộ máy tính dạng DIY. Chẳng hạn, một bộ máy tính sẽ có thiết kế như sơ đồ mạch điện, toàn bộ các linh kiện phần cứng sẽ được treo lên tường và kết nối lại với nhau bằng các mạch âm tường phía sau. Đây là kỹ thuật “wall mounting pc” - máy tính treo tường.
Yếu tố mấu chốt thành công của một bộ máy tính không giới hạn chính là phụ kiện được phát triển từ hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng, hệ thống đèn LED. Và nhờ đó, các chuyên gia về kỹ thuật cơ khí tận dụng mọi cơ hội để sáng tạo nên những bộ máy từ nhiều chất liệu hoặc thiết kế khác nhau, tạo ra một bộ máy tính theo những chủ đề thiết kế không giới hạn.
Cũng theo xu hướng đó, một thương hiệu sản xuất đến từ Đài Loan là In win đã tạo sự khác biệt bằng việc tạo ra một thùng máy tính có khả năng biến hình dạng theo kiểu phim hành động robot biến hình. Cụ thể, người dùng sẽ thấy một thùng máy vuông vức đặt trên bàn và khi bấm nút trước mặt, máy sẽ tự động tách rời theo dạng “hoa sen nở” và bo mạch chủ dần dần từ vị trí đặt đứng bên trong sẽ tự động vươn mình ra và xoay nằm ngang để người dùng nhìn vào bên trong. Giá trị cho bộ khung này khi bán ở tại thị trường Việt Nam sẽ ở mức 50 triệu đồng.
[ALBUM:1834]
Hàng chục năm nay, phong trào DIY đã không còn lạ lẫm ở Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực láp ráp, “độ” máy tính. Vì vậy, không loại trừ khả năng những sản phẩm phục vụ thiết kế không giới hạn kể trên sẽ sớm xuất hiện tại Việt Nam.