Đưa vốn tín chấp vào thực tiễn
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 01:25, 17/06/2016
Gần đây, thêm một số ngân hàng cho vay tín chấp. Tuy nhiên, cho vay tín chấp là lĩnh vực đòi hỏi nỗ lực của cả ngân hàng và doanh nghiệp (DN). Trong đó, minh bạch thông tin, lịch sử tín dụng tốt là những điều đòi hỏi phải có quá trình.
Đọc E-paper
Mới đây, VietCapital Bank triển khai gói 1.000 tỷ đồng cho vay DN không cần tài sản đảm bảo. Theo đó, DN chỉ cần chứng minh được tình hình kinh doanh ổn định, tăng trưởng tốt là được ngân hàng xét duyệt hồ sơ. Hạn mức vay tín chấp tại VietCapital Bank được nâng lên tối đa 1,5 tỷ đồng.
Trước đó, VPBank cũng có sản phẩm cho vay không tài sản đảm bảo và thẻ tín chấp dành cho DN, với hạn mức cấp tín dụng tối đa 5 tỷ đồng một khoản vay trong 36 tháng. Với thẻ tín chấp khoản vay không quá 2 tỷ đồng, DN có thể chi tiêu trước trả nợ sau tương đương như các thẻ tín dụng thông thường nhưng lãi có thể hạch toán vào chi phí DN thay vì chỉ tính cho cá nhân tiêu dùng.
Từ nhiều năm nay, nhiều ngân hàng đã nỗ lực tung ra các gói tín chấp. Phía ngân hàng thì nói rằng họ sẵn sàng hỗ trợ DN lập dự án, làm sổ sách, minh bạch thông tin để giải ngân. Còn phía DN thì cho rằng ngân hàng chỉ tung ra các gói tín chấp để... quảng cáo. Thực chất DN không vay được. Có lãnh đạo DN sau năm lần bảy lượt bổ sung hồ sơ vay vốn vẫn không được, vị này kết luận ngân hàng chơi trò "mèo vờn chuột" với DN.
Tại sao vay được?
Thế nhưng, trong cuộc trao đổi mới đây, có DN chia sẻ đang ở giai đoạn cuối của việc vay vốn tín chấp. Một số điều kiện mà ngân hàng đặt ra trước đây đối với DN nay đã được gỡ, DN chỉ cần chứng minh được năng lực, là có thể nhận được quyết định giải ngân chỉ trong vòng vài ngày.
"Từ cuối năm ngoái đến nay hàng hóa rất khó tiêu thụ, trong khi tài sản đảm bảo cạn kiệt. Suốt một thời gian dài công ty của tôi co cụm vì không thể vay được vốn ngân hàng. Nay mọi chuyện đã khác, tôi không chỉ được vay vốn mà còn được vay với số tiền cao hơn dự định", một vị lãnh đạo DN vui vẻ nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thừa nhận, để cung cầu vốn tín dụng gặp nhau, thời gian qua Hiệp hội nỗ lực tìm giải pháp kết nối giữa ngân hàng và DN. Theo đó, phía ngân hàng tăng cường hỗ trợ vốn tín chấp nhằm tháo gỡ khó khăn phần nào cho DN.
Cụ thể hơn, thời gian qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) rất nỗ lực xây dựng quy trình thu thập và khai thác thông tin đánh giá tín nhiệm hoạt động của DN trên cơ sở thông tin tín dụng không có tài sản thế chấp. Ngược lại, Hiệp hội cũng khuyến khích DN triển khai phương án sản xuất, kinh doanh tốt để tạo niềm tin về đầu ra sản phẩm cho phía ngân hàng. Khi DN có dự án tốt, lịch sử tín dụng tốt, minh bạch thông tin thì sẽ dễ dàng tiếp cận vốn tín chấp.
Khi đã đủ điều kiện vay...
Thêm điều đáng mừng cho DN vừa và nhỏ ở thời điểm hiện tại là lãi suất cho vay tín chấp khá thấp. Điều này giúp cho DN có thể lên kế hoạch đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, để hạn chế các trường hợp không tiếp cận được vốn ngân hàng, DN cũng cần phải xác định được mục tiêu vay vốn. Đó là vay vốn tín chấp không có tài sản đảm bảo có thể nói chỉ dành cho những DN có dự án kinh doanh tốt và ngân hàng ngại nhất những DN nào hồ sơ không rõ ràng.
Ngân hàng xét duyệt cho vay tín chấp dựa trên hệ thống việc chấm điểm tín dụng (CIC), tức là xếp hạng uy tín tín dụng thời gian qua của DN. Nếu DN đó có lịch sử tín dụng tốt, không chây ỳ trả nợ tại một ngân hàng nào đó, không bị cập nhật hạng xấu trên hệ thống CIC, thì việc vay vốn vài tỷ đồng không cần tài sản đảm bảo cũng rất dễ dàng.
Ông Nguyễn Đình Tùng - TGĐ OCB nói thêm, một DN nếu có phương án kinh doanh chưa chuẩn nhưng minh bạch trong các báo cáo kết quả kinh doanh cũng như sổ sách kế toán chứng minh được khả năng trả nợ sẽ được ngân hàng để ý đến. Thế nên mới có chuyện, gần đây OCB giải quyết một số hồ sơ cho vay tín chấp đối với các DN có dự án tốt nhưng không đủ điều kiện vay thế chấp.
Chiến lược hiện nay và sắp tới của nhiều NHTM là đẩy mạnh cho vay tín chấp đối với DN có phương án kinh doanh tốt, thay cho hình thức trước đây là cầm tài sản thế chấp nhưng phương án sản xuất kinh doanh của DN không tốt, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Thế nên, các DN chỉ cần tự hoàn thiện cơ chế quản lý, năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính theo hướng minh bạch, rõ ràng, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh là ngân hàng sẽ tham gia hỗ trợ vốn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nói rằng, hỗ trợ tiếp cận vốn cho DN đã được Chính phủ đưa vào Nghị quyết 35 mới đây về hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các NHTM phải thông tin, giải thích đầy đủ về cho vay vốn tín chấp đối với DN, không nên đưa ra các gói tín dụng khuyến mãi rồi lẫn lộn việc cho vay tín chấp vào đó gây hiểu lầm cho thị trường nói chung và DN nói riêng.
>Vay vốn tín chấp: Tắc ở mọi kênh
>Vay tiêu dùng tín chấp: Ngọt vay, đắng nợ